Nhìn lại năm 2018, một trong những điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam là chính thức trở thành thành viên của CPTPP, GDP tăng trưởng cao nhất 10 năm qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập…

Những sự kiện kinh tế đáng chú ý của Việt Nam trong năm 2018

20/12/2018, 16:15

Nhìn lại năm 2018, một trong những điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam là chính thức trở thành thành viên của CPTPP, GDP tăng trưởng cao nhất 10 năm qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập…

Kinh tế Việt Nam năm qua có nhiều điểm sáng - Ảnh: Internet

Báo điện tử Một Thế Giới xin cùng bạn đọc điểm lại những sự kiện kinh tế đáng chú ý trong năm qua.

GDP tăng cao nhất 10 năm qua

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa có báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2018, trong đó nhận định GDP ước tăng từ 6,9% đến 7%, đây mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian tới như sau:

Kịch bản 1: Năm 2018 tăng trưởng GDP 6,83%, CPI bình quân 4% và năm 2019 GDP 6,9%, CPI bình quân 4%.

Kịch bản 2: Năm 2018 tăng trưởng GDP 7,01%, CPI bình quân 4-4,2% và năm 2019 GDP tăng 7,1%, CPI bình quân 4,5%.

Việt Nam chính thức gia nhập CPTPP

Với tổng số 469 phiếu tán thành, chiếm tỷ lệ 100% tổng số đại biểu quốc hội có mặt, chiều 12.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị định phê chuẩn CPTPP.

Như vậy, Việt Nam đã chính thức gia nhập CPTPP cùng với 10 nước khác, trong đó tính đến thời điểm này, có 7 nước đã có phê chuẩn thông qua CPTPP (nước thứ 6 vừa phê chuẩn là Úc).

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ KH-ĐT, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 việc làm.

Tuy nhiên, mặt trái khi CPTPP có hiệu lực như sức ép cạnh tranh tăng thêm do mở cửa thị trường. Xét theo mặt hàng, thịt heo, thịt gà là những mặt hàng có thể gặp phải sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu do sức cạnh tranh còn yếu. Ngoài ra, cũng có thêm một số sản phẩm có thể gặp khó khăn như giấy, thép, ô tô.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước ra đời

Ngày 30.9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức ra mắt và bắt đầu tiếp nhận việc quản lý hơn 2,3 triệu tỉ đồng tài sản của Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn. Ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng là Chủ tịch ủy ban.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh viết tắt là CMSC.

Bộ KH-ĐT cho biết khi xây dựng đề án này, mục tiêu của Chính phủ là để xóa bỏ tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", tức để tránh tình trạng các bộ vừa ban hành chính sách cho ngành lại vừa quản lý các doanh nghiệp.

Theo Bộ KH-ĐT, ủy ban này sẽ thay mặt Nhà nước để giám sát số vốn nhà nước tại đây chứ đây không phải là cơ quan sử dụng số vốn này. Ủy ban cũng không can thiệp vào hoạt động kinh doanh trực tiếp của doanh nghiệp.

Chứng khoán từ đỉnh cao xuống vực sâu

Phiên ngày 9.4.2018 VN-Index chạm đỉnh 1.204,3 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng bùng nổ đã kéo VN-Index tăng 22,4% chỉ trong vòng hơn 4 tháng. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất của Fed và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng mạnh đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán toàn cầu, có lúc thị trường xuống còn 880,85 điểm ngày 30.10.

Vào ngày 22.1.2018, lúc 14 giờ 31, sàn HoSE đã xảy ra sự cố kỹ thuật, buộc phải ngừng giao dịch trong hai phiên 23 và 24.1.

Vụ kiện Vinasun - Grab

Từ năm 2017, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đã khởi kiện tại TAND TP.HCM để đòi Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng mà nguyên đơn cho rằng, nguyên nhân là sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh taxi do phía Grab gây ra.

Vụ án được TAND TP.HCM đưa ra xét xử ngày 6.2.2018 nhưng sau đó đã có quyết định tạm đình chỉ để chờ thu thập chứng cứ tài liệu từ các cơ quan liên quan. Gần đây nhất, ngày 17.10, vụ án đã được TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, hai bên tranh cãi quyết liệt.

Sáng 30.11, TAND TP.HCM đã quyết định tạm dừng phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Vinasun và bị đơn là Grab để hai bên tự hòa giải.

Quốc hội tăng kịch khung thuế môi trường với xăng dầu

Chiều 20.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Theo đó, thuế môi trường với xăng vẫn sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng mỗi lít so với hiện nay. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít. Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg, tăng 1.100 đồng/kg.

Cơ quan thẩm tra cũng đánh giá giá xăng dầu chỉ tác động 0,07 - 0,09% CPI năm 2019 do xăng dầu chỉ là 1 trong 11 nhóm mặt hàng được đưa vào rổ tính CPI và quyền số chỉ chiếm 4% mặt hàng giá.

Với phương án tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng một lít thì tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam khoảng 39%, vẫn thấp hơn tỷ lệ thuế trên giá xăng các nước trong khu vực, như Campuchia 49%, Lào 56,5%, Trung Quốc 52%, Singapore khoảng 67%...

Cải cách chính sách tiền lương

Theo nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2021 thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.

Tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp; thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Đặc biệt, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Đến năm 2030, thực hiện nâng mức tiền lương của khu vực công phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Cho phép thanh toán nhân dân tệ ở biên giới

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19/2018 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Theo văn bản mới, các thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, Trung Quốc có hoạt động thương mại qua biên giới giữa 2 nước sẽ được sử dụng đồng tiền thanh toán gồm VND (Việt Nam đồng) hoặc CNY (nhân dân tệ) và ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Các phương thức thanh toán bao gồm qua ngân hàng (với các hình thức: Thanh toán bằng CNY, VND qua chi nhánh ngân hàng biên giới); tiền mặt; chênh lệch trong giao dịch bù trừ hàng hóa...

Lùi việc thông qua Luật Đặc khu

Chiều 24.8, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp thứ 6 diễn ra vào tháng 10.2018, Quốc hội chưa xem xét dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu).

Lý do lùi thời gian xem xét để tiếp tục xin ý kiến cử tri tri, nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học nhằm hoàn chỉnh dự án thông qua vào kỳ họp sau.

Các đơn vị dự kiến xây dựng đặc khu gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Những địa phương trong quy hoạch trở thành đặc khu này đã bùng nổ những cơn sốt đất, khiến chính quyền địa phương phải ra văn bản yêu cầu tạm ngừng giao dịch.

Kết luận mở rộng Tân Sơn Nhất

Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn phương án do Công ty Tư vấn ADP-I đề xuất, cụ thể là thực hiện việc điều chỉnh Quy hoạch mở rộng, đầu tư và xây dựng mới một nhà ga hành khách hiện đại, đồng bộ và đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực phía nam để đáp ứng yêu cầu phục vụ đạt 20 triệu hành khách/năm, nâng công suất khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không, bảo đảm tối thiểu đạt 50 triệu hành khách/năm.

Đồng thời, chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa, sân đỗ tàu bay, khu bảo dưỡng phương tiện, thiết bị và các công trình phục vụ cho hoạt động hàng không tại khu vực phía bắc Cảng hàng không - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (nơi có vị trí sân golf hiện tại).

Tiền ảo iFan “vỡ trận”

Ngày 8.4, nhiều người tố cáo bị chiếm đoạt lừa đảo hơn 15.000 tỉ đồng qua hình thức đầu tư tiền số iFan. Modern Tech do 7 người Việt Nam lập ra, có vai trò quảng cáo dự án huy động vốn mang tên iFan gắn mác dự án đến từ Singapore, Pincoin đến từ Ấn Độ.

iFan cam kết khi tham gia nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia. Đây là mô hình kinh doanh đa cấp theo kiểu kim tự tháp. Có tới hơn 32.000 người là "nạn nhân" của công ty này.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu trong khi chờ khuôn khổ pháp lý cho các sản phẩm tiền kỹ thuật số, yêu cầu các tổ chức kinh doanh chứng khoán không tham gia các hoạt động tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền kỹ thuật số cũng như các sản phẩm công nghệ tài chính khác và tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã đưa ra thông báo cấm các tổ chức tín dụng sử dụng tiền ảo nói chung và bitcoin nói riêng như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Đồng thời, NHNN cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Thống kê kinh tế ngầm

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) Nguyễn Bích Lâm cho biết Bộ đã trình đề án thống kê kinh tế chưa được quan sát và đang chờ Thủ tướng duyệt.

Khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm:

Thứ nhất là những hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm có chủ ý, nhằm tránh phải nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội, mức lương tối thiểu...

Thứ 2 là các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, bao gồm các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm, ví dụ như sản xuất, buôn bán ma túy, mại dâm, buôn người…

Thứ 3 là hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia quá trình sản xuất hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu cơ bản là tạo công ăn việc làm, thu nhập cho những người thực hiện hoạt động kinh tế đó.

Thứ 4 là hoạt động kinh tế hộ gia đình, tự sản tự tiêu của hộ gia đình, bao gồm các hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tự tiêu dùng và tích lũy cho chính những thành viên trong gia đình.

Thứ 5 là hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản, bao gồm cả các hoạt động kinh tế đáng lý phải thu thập thông tin nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập số liệu do điều tra không bao phủ đầy đủ phạm vi hoặc đối tượng điều tra không hợp tác…

Lam Thanh

Bài liên quan
Vì sao ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay?
Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam xuống mức 6% so với mức dự báo 6,7% đưa ra trước đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những sự kiện kinh tế đáng chú ý của Việt Nam trong năm 2018