Trả lời báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, 15.7 tới, Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ họp, bỏ phiếu xem xét tư cách của các đại biểu Quốc hội, trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo ông Hiền, ngày 15.7 tới đây, Hội đồng Bầu cử Quốc gia cũng tiến hành công bố kết quả làm việc vụ “gợi ý” bầu cử tại Sóc Trăng sau khi có đơn khiếu nại của ĐBQH Trần Khắc Tâm.
“Cả trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh và ông Trần Khắc Tâm phải đợi đến hôm đó sẽ công bố, còn hiện tại thì chưa công bố được gì” – ông Hiền nói.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ngày 12.7, Tiểu Ban Nhân sự, giải quyết khiếu nại tố cáo cũng tiến hành họp xem xét và đề nghị với Hội đồng Bầu cử quốc gia về các vấn đề liên quan đến ĐBQH khóa XIV.
Trước đó, vào ngày 11.7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận về hàng loại vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh. Đó là để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), gây dư luận xấu.Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Thanh chưa nghiêm túc, thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của bản thân.
Tiếp đó, khi thuyên chuyển vào Hậu Giang công tác, với cương vị là Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Thanh đã dùng biển số xe công gắn vào xe ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có liên quan về các khuyết điểm, vi phạm. Đồng thời đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quyết định và yêu cầu tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh; Tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Tổng Công ty PVC.
Đồng thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015. Đề nghị Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành Công an rà soát, thu hồi biển số xe công (biển xanh) đã được cấp và sử dụng trái quy định.
Trước đó, ông Trịnh Xuân Thanh được bầu làm ĐBQH với số phiếu cao nhất trong sáu người trúng cử ở Hậu Giang.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra sáng 16-6-2016, ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang (nhiệm kỳ 2011-2016), có đơn xin không tái cử và ông Thanh cũng không có mặt trong danh sách nhân sự để đưa ra bầu.
Ngay sau khi bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh Hậu Giang vào trưa 16-6, ông Huỳnh Thanh Tạo - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021, cho biết kể từ thời điểm bế mạc kỳ họp, ông Trịnh Xuân Thanh không còn là phó chủ tịch UBND tỉnh nhưng vẫn là Tỉnh ủy viên, đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021.
Trí Lâm