Dù làm nghề gì chăng nữa, hầu hết "gái bao" đều có cùng một mẫu số chung: Đó là số tiền kiếm được không đủ cho những nhu cầu về quần áo, trang sức, xe cộ, ăn chơi, hưởng thụ nên đã chấp nhận "trao thân" cho một người đàn ông giàu có nào đó, bất kể tuổi tác. Cũng có cô vì hoàn cảnh nên đành nhắm mắt làm gái bao để kiếm tiền giúp đỡ gia đình, nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

‘Nghề’ gái bao: Ai ‘bao’ em, em ‘biếu’ thân cho

Một Thế Giới | 01/11/2014, 20:36

Dù làm nghề gì chăng nữa, hầu hết "gái bao" đều có cùng một mẫu số chung: Đó là số tiền kiếm được không đủ cho những nhu cầu về quần áo, trang sức, xe cộ, ăn chơi, hưởng thụ nên đã chấp nhận "trao thân" cho một người đàn ông giàu có nào đó, bất kể tuổi tác. Cũng có cô vì hoàn cảnh nên đành nhắm mắt làm gái bao để kiếm tiền giúp đỡ gia đình, nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

1. Chín giờ sáng thứ bảy, chiếc Toyota Sienna do Lâm cầm lái, chở tôi, Vĩnh và Cường (tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi) dừng lại trước một căn nhà ba tầng cửa sắt đóng kín nằm trên đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1, TP HCM. Móc chiếc điện thoại trong túi áo, Vĩnh bấm phím số, sau đó vài giây cậu ta nói: "Tụi anh đến rồi, mấy em xuống đi". Quay sang tôi, Vĩnh dặn: "Bác có hỏi thì hỏi cho khéo và nếu lên báo thì bác viết sao để đừng bể ra, mấy đứa nó biết, tụi em mất mối giải sầu".

Tôi quen Vĩnh - rồi qua Vĩnh tôi quen Lâm, Cường trong lần đi viết bài về hiện tượng một số nữ sinh viên chơi nhiều hơn học. Mỗi khi túng thiếu, họ mượn xe bạn bè, người quen - thậm chí cả với "bạn trai" rồi đem ra tiệm sửa xe, tráo đổi linh kiện "din" bằng linh kiện "dỏm", kiếm tiền chênh lệch. Trong 3 người, Vĩnh là chủ sạp hàng ở chợ Tân Thành, quận 5, buôn bán phụ tùng xe gắn máy, Lâm là đại lý vỏ ruột ô- tô, còn Cường là thợ "độ" xe: Một chiếc Dream II tồi tàn, cũ nát vào tay cậu ta thì chỉ khoảng 1 tháng sau, ngay chính chủ nhân của nó cũng không thể biết chiếc xe mới keng, bóng bẩy, có hình dáng như chiếc Raider ấy đã từng là xe của mình!

Thế rồi tuần trước, Vĩnh mời tôi đi uống cà phê. Ngồi chừng 20 phút và sau khi đọc xong một bài báo mạng, Vĩnh văng tục: "Cha nào viết cái này chỉ toàn nghe hơi nồi chõ, thêm mắm thêm muối". Tôi hỏi bài gì vậy? Vĩnh đáp: "Gái bao".

Rồi Vĩnh đưa tôi cái iPad. Lúc đọc hết, tôi hỏi Vĩnh: "Sao cậu biết là thêm mắm thêm muối?". Vĩnh lắc đầu: "Gái bao đâu phải như vậy. Nếu bác muốn biết, thứ bảy này ra Vũng Tàu chơi với tụi em, Chủ nhật về. Em sẽ kêu mấy đứa "gái bao" đi cùng để bác… tâm sự!". Tôi gật: "Nhưng kêu cho các cậu thôi, còn tôi thì khỏi".

Tưởng tôi suy nghĩ chuyện chi phí, Vĩnh xua tay: "Bác yên tâm, tụi em lo hết". Tôi nói: "Không phải vấn đề tiền bạc đâu, mà Vũng Tàu người quen mình nhiều lắm. Nếu họ tình cờ thấy mình đi với một "em" đáng tuổi con cháu thì do tế nhị, có thể họ sẽ làm lơ như không biết, nhưng trong lòng họ nghĩ mình chẳng ra gì". Vĩnh phân vân: "Tụi em mướn 4 phòng khách sạn, mỗi người một phòng với một em. Chẳng lẽ lại để bác nằm một mình?". Tôi cười: "Không sao. Miễn là cậu tạo điều kiện cho tôi tiếp xúc, trò chuyện với mấy "em" đó là coi như hoàn thành nhiệm vụ".

Theo lời Vĩnh, nhóm gái bao mà cậu rủ đi, người lớn tuổi nhất cũng chưa quá 23, tất cả đều được "bao" bởi những đại gia khác nhưng các cô thỉnh thoảng vẫn "đánh lẻ" để tăng thêm thu nhập: "Ăn ở nhậu nhẹt tụi em chịu, khi về đưa mỗi cô 2 triệu đồng, nói chung "bao" mỗi ngày 1 triệu". Vẫn theo lời Vĩnh thì với mấy ông "muối nhiều hơn tiêu" hoặc tóc trên đầu lắm chỗ đã "di dời giải tỏa", các cô hét còn cao hơn nữa: 1,5 triệu, thậm chí 2 triệu/ngày.

Tôi hỏi sao lạ vậy, già rồi "làm ăn" đâu bằng trẻ? Vĩnh cười: "Tụi nó biết tâm lý mấy ông già thừa tiền lắm của, đi chơi chỉ thích gái tơ nên tụi nó làm giá. Hơn nữa hết thời gian "bao" thì đường ai nấy biến, không đeo bám lằng nhằng vì đa số đàn ông khi ăn vụng, họ rất ngại xảy ra chuyện các cô nay nhắn tin thương nhớ, mai điện thoại hẹn hò, mốt than nghèo kể khổ, vòi vĩnh xin tiền".
nghe gai bao hinh anh 1
‘Nghề’ gái bao: Ai ‘bao’ em, em ‘biếu’ thân cho 
Câu chuyện giữa tôi và Vĩnh ngắt quãng vì ngay lúc đó, cánh cửa sắt kêu ken két rồi 3 cô "gái bao" va ly túi xách lỉnh kỉnh xuất hiện, có cô mặc váy ngắn đến nửa đùi và cũng có cô quần short, áo sơ mi, mặt mày cô nào cô nấy phấn son rực rỡ. Bật ghế lên, Cường kéo một cô vào băng sau, Vĩnh cùng một cô ngồi băng giữa với tôi, cô còn lại ngồi cạnh Lâm ở phía trước.

Xe nổ máy, Vĩnh mau mắn chỉ vào tôi giới thiệu: "Đây là bác Dũ, ông anh lớn của tụi anh - Vĩnh phát âm tiếng miền Nam từ V thành D (trước đó Vĩnh đã dặn Lâm, Cường chỉ gọi tôi là Dũ) - Còn đây là Liễu, Ngọc, Phương, bạn tụi em". Cô ngồi cạnh Vĩnh tên Ngọc nhìn tôi: "Ủa, ông anh mà sao kêu bằng bác?" rồi cô quay sang Vĩnh: "Ảnh có "đào" chưa? Nếu chưa em gọi thêm đứa nữa". Tôi nói: "Anh là người Bắc, bác là cách gọi theo lối miền Bắc, cũng có nghĩa là anh. Mấy em cứ tự nhiên, khỏi rủ thêm ai. Anh ra Vũng Tàu có công chuyện nên đi nhờ xe Vĩnh".

2. Gái "bao" là một hiện tượng của xã hội hiện đại và rất khó xác định là nó đã có từ bao giờ. Theo ông Quyền - một người bạn vong niên của tôi - trước tháng 4/1975 làm việc tại Nha Xã hội thuộc chính quyền Sài Gòn thì: "Hồi đó cũng đã có gái bao, phần lớn là những cô vũ nữ làm trong những snack bar - là nơi bán rượu, bia, nước ngọt, thức ăn nhẹ, có kèm theo nhảy nhót - sau này thường gọi tắt là "quán bar". Họ được một số tướng, tá, quan chức trong chính quyền Sài Gòn hoặc những thương gia giàu có "bao" trọn gói về cuộc sống, nghĩa là thuê nhà cho ở riêng - thậm chí có cô còn được tặng cả căn nhà, hàng tháng chu cấp một số tiền nào đó. Đổi lại, cô vũ nữ đó chỉ thuộc về riêng một mình người "bao" mà thôi.

Cũng có lắm "gái bao" vốn là nhân viên sở Mỹ, được lính tráng, quan chức Mỹ "bao" theo kiểu đổi tiền lấy tình". Ông Quyền nói tiếp: "Anh làm báo chắc anh cũng biết chuyện vũ nữ Cẩm Nh. bị tạt axít. Đó là hậu quả của "nghề gái bao".

Sau năm 1975, vì nhiều lý do, hiện tượng gái bao biến mất. Đến khi đất nước đổi mới, nền kinh tế ngày một khởi sắc, gió lành lẫn gió độc tràn vào, quán nhậu, quán bia ôm, karaoke ôm mọc ra như nấm sau cơn mưa rào, thì "gái bao" cũng theo đó ngoi lên. Phần lớn họ là những người có nhan sắc, thậm chí lắm cô đẹp chẳng kém gì hoa hậu; còn nghề nghiệp thì có cô là tiếp viên nhà hàng, quán bar, có cô là nhân viên văn phòng, là thợ gội đầu, hớt tóc, là sinh viên…

Nhưng dù làm nghề gì chăng nữa, hầu hết "gái bao" đều có cùng một mẫu số chung: Đó là số tiền kiếm được không đủ cho những nhu cầu về quần áo, trang sức, xe cộ, ăn chơi, hưởng thụ nên đã chấp nhận "trao thân" cho một người đàn ông giàu có nào đó, bất kể tuổi tác. Cũng có cô vì hoàn cảnh nên đành nhắm mắt làm gái bao để kiếm tiền giúp đỡ gia đình, nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo các chuyên gia tâm lý học, xã hội học, một số cô gái khi đã ý thức rằng mình đẹp, nhưng nghèo, ít học, lại không được gia đình quan tâm giáo dục chu đáo thì trong cô ta thường xuất hiện sự so sánh giữa mình với những người đồng trang lứa mà cụ thể là so sánh vật chất. Nhìn thấy họ có xe tay ga, có điện thoại di động đời mới, có quần áo, giày dép thời trang, có tiền tiêu xài thì cô ước ao mình cũng được như họ.

Tiến sĩ xã hội học Nguyễn Thị Minh Vân khi trao đổi với tôi đã nói: "Tuy nhiên, với khả năng của cô thì những thứ ấy chỉ là ước vọng xa vời nên không ít người chọn cách trở thành gái bao bởi lẽ nếu đi làm, các cô chỉ có thể làm những việc thuộc về lĩnh vực lao động phổ thông. Mà lương tháng của một lao động phổ thông thì biết bao giờ mới thỏa mãn giấc mơ vật chất".

Cô gái bao tên Ngọc chẳng hạn, trong 2 ngày ở Vũng Tàu, giữa những bữa nhậu, những lần cà phê, khéo léo hỏi han rồi chắp nối những câu trả lời rời rạc của cô, cộng với lời kể của hai cô kia, tôi biết quê cô ở miền Tây Nam Bộ, lên Sài Gòn học nghề uốn tóc, trang điểm lúc mới 16 tuổi. Một năm sau, Ngọc ra nghề, đi làm trong một tiệm vừa uốn tóc nữ, vừa hớt tóc nam. Tại đây, cô cặp với tay chủ tiệm để hàng tháng được cho tiền thuê nhà, đồng thời được ưu ái "làm đầu" cho những ông, bà khách "sộp", tiền "boa" hậu hĩ.

Trong số những ông khách "sộp", có một ông là chủ thầu xây dựng, tuổi đã xấp xỉ "6 bó", đầu "ánh bạc" nhưng túi lắm "ánh kim". Thấy cô thợ trẻ trung, tươi hơn hớn, ông làm quen bằng những tờ tiền "boa" và những lần đi ăn, đi uống. Một bữa, biết cha già này đã cắn câu nên khi nghe ông hỏi về quê quán, thân thế, về nơi ăn chốn ở, Ngọc sụt sùi: "Nhà em nghèo lắm anh ơi, anh muốn về thăm em cũng hổng dám mời anh về" nhưng nói vậy mà không phải vậy vì thực tế ông chủ thầu 58 tuổi, còn ba má của Ngọc chỉ mới… 40! Là "bạn" của Ngọc, nếu về thăm dĩ nhiên ông sẽ phải gọi cha mẹ Ngọc - ít nhất cũng là "chú, thím", xưng cháu chứ chẳng lẽ gọi anh, chị, xưng tôi. Mà ông "cháu" lại già hơn "chú, thím" những 18 tuổi thì coi sao được!

Thấy ông cứ hỏi tới, Ngọc lảng sang chuyện khác: "Em đang ở trọ chung với 3 người bạn. Tiền nhà tháng 2 triệu, mỗi đứa góp 500 nghìn nhưng cực lắm. Phòng thì ẩm thấp, mùa nắng nóng chẳng khác lò bánh mì, còn mùa mưa nước tràn vô như hồ bơi", trong lúc căn phòng mà tay chủ tiệm hớt tóc gội đầu thuê cho Ngọc, giá mỗi tháng 4 triệu đồng cũng chẳng đến nỗi tệ.

Và thế là chỉ một tuần sau, Ngọc dọn về căn nhà 3 tầng nằm ngay mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt đồng thời bỏ luôn công việc hớt tóc gội đầu. Căn nhà này, ông chủ thầu xây dựng sau khi hoàn tất việc thi công thì gia đình chủ nhà làm ăn thua lỗ, không còn tiền để thanh toán. Thế nên ông chốt lại, khi nào trả hết tiền cho ông, ông mới giao nhà. Thấy mặt bằng tầng trệt bỏ không, Ngọc ỉ ôi với người tình già, cho một công ty vận tải thuê làm văn phòng đại diện, tháng 5 triệu. Được ít lâu chủ nhà phát hiện, họ kéo đến la lối ầm ĩ, rằng "chưa thanh toán tiền xây dựng thì đơn vị thi công có quyền chốt nhà nhưng không được quyền dùng tài sản của họ để kinh doanh".

Phương, là một trong ba cô "gái bao" đi Vũng Tàu với chúng tôi nói: "Vậy là con Ngọc phải hủy hợp đồng. Bù lại, nó rủ hai đứa tụi em đến, mỗi đứa một phòng, tháng đưa nó 2 triệu". Tôi hỏi vậy "anh" chủ thầu chu cấp cho Ngọc mỗi tháng bao nhiêu? Phương nhíu mắt: "Em không biết vì nó không nói nhưng em đoán khoảng 10 triệu".

3. Là gái bao, hàng ngày Ngọc chẳng làm gì cả. Sáng cô ngủ tới 11 giờ nếu không ai gọi. Thức dậy, trang điểm, ăn uống xong, cô lên mạng đọc báo hoặc vào Yahoo chat gẫu với bạn bè. Mỗi tuần 1 hoặc 2 lần, ông chủ thầu đến với cô vài tiếng. Theo lời Phương thì trước khi đến, ông điện thoại để Ngọc chuẩn bị: "Con Ngọc xuống lầu, mở cửa sẵn. Từ ngoài đường, ổng lao xe SH vào nhà như tên bắn rồi nó kéo cửa lại liền vì ổng sợ người quen nhìn thấy". Chỉ khi đi thi công những công trình ở tỉnh, ông mới lẻn về ngủ với Ngọc cả đêm.

Quá thừa thời gian, Ngọc đem cái "vốn tự có" của mình ra "kinh doanh" bằng cách làm gái bao ngắn hạn cho một số người khác. Chả thế mà lúc xe vừa qua khỏi đường cao tốc Sài Gòn Long Thành và khi thấy người tình già điện thoại, Ngọc kêu Lâm bấm còi 5, 6 tiếng, cốt để cho ông kia nghe rồi nói dối trơn tru: "Dạ, em đang trên đường về quê. Hồi sớm má em gọi, nói ba em phải vô bệnh viện cấp cứu. Vội quá nên em chưa kịp cho anh hay. Tối Chủ nhật em lên, anh đừng buồn em nhé".

Cũng như Ngọc, Phương là gái bao của một chủ vựa mua bán phế liệu: "Cha này dù có tắm rửa sạch sẽ, xức dầu thơm nhưng người lúc nào cũng hôi như cú" - Phương nói. Tôi hỏi vậy sao em còn cặp với ông ta làm gì? Liễu xen vào: "Người chả hôi nhưng tiền của chả thơm lắm bác ơi" rồi cô vừa cười rũ rượi, vừa nhại lời bài hát Hàn Mặc Tử: "Ai bao em, em biếu thân cho".

Lâm, lái xe và cũng là người "bao" Liễu trong chuyến đi này cho tôi biết: "Cha chủ vựa phế liệu mỗi tháng đưa con Phương 6 triệu, vừa tiền ăn, vừa tiền nhà. Cứ 2-3 ngày, chả lại đến với nó một bữa". Do "thu nhập" ít nên Phương "chạy show" liên tục. Nhiều lần bị người tình già chất vấn vì giờ giấc đi, về bất thường của cô, Phương lật bài ngửa: "Bộ anh tưởng 6 triệu của anh là lớn lắm sao! Anh ngon anh cho tui tháng 12 triệu đi, tui đóng cửa nằm trên giường đợi anh 24/24 giờ liền, còn không thì đừng bày đặt ghen tuông vớ vẩn…".

Vũ Cao (theo ANTG)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
7 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Nghề’ gái bao: Ai ‘bao’ em, em ‘biếu’ thân cho