Gần như ngay sau khi bão lũ tàn phá miền Trung, giới văn nghệ sĩ lập tức lên tiếng quyên góp cứu trợ đồng bào gặp nạn. Tưởng rằng nghĩa cử cao đẹp này sẽ được hoan nghênh nhưng lại vấp phải nhiều ý kiến hoài nghi. Nhưng nhiều nghệ nghĩ đã bỏ ngoài tai những điều dị nghị để mang tấm lòng đến nơi cần đến.
Cho đến thời điểm hiện tại, ca sĩ Thủy Tiên là một người làm từ thiện được nhắc đến nhiều nhất. Chị là một trong số những người đầu tiên có mặt tại vùng lũ, lặn lội đến từng căn nhà ngập sâu trong nước, để tiếp sức với bà con đang oằn mình chống lũ. Đến hết ngày 18.10.2020, Thủy Tiên đã kêu gọi được hơn 60 tỷ đồng tiền đóng góp từ bà con trong và ngoài nước. Với số tiền này, rất nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo có được miếng cơm, tấm áo trong thời điểm "màn trời chiếu đất".
Ấy vậy mà, có rất nhiều người trên mạng xã hội hoài nghi về mục đích của Thủy Tiên. Có người cho rằng chị kêu gọi từ thiện để đánh bóng tên tuổi. Nhiều ý kiến khác “soi” vào các bộ phận cơ thể của Thủy Tiên để chê bai thay vì nói về việc chia sẻ cộng đồng. Những lời chê bai này có tác động nhất định đến Thủy Tiên, nhưng chị nhanh chóng quên đi để tiếp tục đến từng nhà và từng người.
Trấn Thành cũng là một “nạn nhân” của sự chỉ trích trong đợt bão lũ miền Trung 2020. Có nhiều ý kiến cho rằng vì sao Trấn Thành im lặng, không cứu trợ dù kiếm tiền rất nhiều. Trấn Thành gần như không đáp trả những bình luận này mà lẳng lặng mang 3 tỷ đồng giao cho MC Đại Nghĩa, người làm từ thiện miên mật quanh năm. Trấn Thành tin tưởng Đại Nghĩa nên nhờ đồng nghiệp của mình mang số tiền này đến với bà con vùng tâm bão.
Bản thân MC Đại Nghĩa vào mùa lũ trước cũng bị công kích dữ dội về sự minh bạch tài chánh quyên góp cứu giúp đồng bào sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Để công luận hiểu đúng sự việc anh đã công khai tất cả tài khoản đóng góp. Bị tiếng oan, Đại Nghĩa rất buồn có lúc anh muốn ngưng công tác từ thiện. Nhưng anh nghĩ lại, nếu anh không làm thì sẽ có nhiều mảnh đời không được cứu giúp. Thế là vượt qua nỗi buồn, Đại Nghĩa tiếp tục công việc của mình. Anh bỏ tiền và kêu gọi đóng góp cứu giúp bà con nghèo trong mùa COVID-19 qua ATM gạo, và nhiều hoạt động. Trong đợt lũ này, Đại Nghĩa đã nhiều lần trích quỹ giúp đồng bào miền Trung. Không chỉ vậy, anh còn lên kế hoạch cứu giúp bà con sau khi bão lũ kết thúc.
Hiện tại, có rất nhiều nghệ sĩ tổ chức các show âm nhạc để quyên góp cho đồng bào miền Trung. Họ âm thầm đóng góp sức mình chỉ với một mục đích duy nhất “lá lành đùm lá rách”. Một trong những hoạt động có thể kể ra là ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc công ty sách Firstnews – Trí Việt cùng nhà thiết kế Sỹ Hoàng tổ chức bán đấu giá chiếc xe hơi cổ Citroel 1936 tại café Hạt giống tâm hồn 142 Võ Thị Sáu, TP.HCM. Chiếc xe này vốn dĩ thuộc sở hữu của danh ca Út Trà Ôn. Cố nghệ sĩ tài danh đã bán lại cho nhà thiết kế thời trang Sỹ Hoàng trước khi nó về với ông Nguyễn Văn Phước.
Điều này cho thấy, nghệ sĩ bỏ ngoài tai các ý kiến chê khen, thị phi vì đây không phải là lúc để tranh cãi, giải thích, hay đắn đo. Nếu chậm một bước rất có thể nhiều người ở khúc ruột ngàn năm gặp nhiều nguy hiểm. Trong góc nhìn này, chúng ta nhận thấy tấm lòng nghệ sĩ rất đáng quý.
Dẫu biết rằng sự đóng góp của nghệ sĩ và các nhà hảo tâm chỉ là những gì rất nhỏ so với tổn thất rất lớn của đồng bào miền Trung. Dẫu vậy, nó cũng giải quyết được rất nhiều tình huống khẩn cấp và cần kíp. Hãy thử xem nếu ai cũng sợ bị tai tiếng và dị nghị và không làm gì cả, đồng bào miền Trung sẽ khốn khổ đến mức nào. Vì vậy, thật trân trọng những tấm lòng nhân ái.