Tối 22.7 (giờ Mỹ), Wikileaks đã đăng tải 19.252 email của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) theo đó có nhiều thông tin bất lợi cho bà Hillary Clinton, ứng cử viên sáng giá để đảng Dân chủ đề cử tranh chức Tổng thống Mỹ.
Cụ thể, số email vừa mới được Wikileaks tung ra dù không trực tiếp nhắm vào bà Clinton nhưng lại vẽ ra một cảnh tượng cho thấy các quan chức của DNC đã có nhiều thiên vị cho bà cựu ngoại trưởng trong vòng bầu cử sơ bộ.
Những tiết lộ của Wikileaks được đưa ra ngay thời điểm bà Clinton vừa mới công bố người sẽ liên danh tranh cử tổng thống với mình, trước khi Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ diễn ra.
Dự đoán, trong những ngày tới tác động của vụ rò rỉ thông tin mật này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sự đoàn kết bên trong đảng Dân chủ, nhất là khi có những thông tin thiên vị của các quan chức đảng này có thể khiến những người ủng hộ ông Sanders quay sang ủng hộ ứng viên của đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ông Trump đã không bỏ qua "cơ hội tốt" này để chỉ trích bà Clinton và xoáy sâu vào nỗi bất hòa trong đảng Dân chủ. Tỉ phú New York viết trên Facebook của mình: "Những email bị rò rỉ cho thấy một kế hoạch đánh bại Bernie Sanders. Chế nhạo tôn giáo của ông ấy và nhiều trò khác nữa. Những thông tin mà Wikileaks tung ra thật xấu xa".
Sau đó, ông Trump còn viết thêm lên Facebook rằng: "Những email mà Wikileaks tung ra hôm nay là tin quá xấu đối với Bernie Sanders. Sẽ là khó tin nếu ông ta hỗ trợ bà ta (bà Clinton), trừ phi ông ấy là một kẻ lừa lọc".
Đáng lưu ý là Wikileaks không cho biết làm sao họ có thể có được những email vừa được rò rỉ.
Franklin Foer, một nhà nghiên cứu chính trị tại New America Foundation đã rút ra một kết luận có khả năng về vụ rò rỉ email lần này của Wikileaks khi trước đó một số báo cáo cho thấy rằng tin tặc có liên hệ với chính phủ Nga đã tấn công vào cơ sở dữ liệu của DNC.
Cụ thể, theo thông tin của đảng Dân chủ và một nhóm chuyên gia an ninh mạng ngày 14.6 cho biết, 2 nhóm hacker được cho là làm việc cho chính phủ Nga đã hack hệ thống của DNC nhằm lấy đi các tài liệu mà đảng này định dùng để tấn công ứng viên Donald Trump.
Các nhóm tin tặc đã cài phần mềm gián điệp trên máy chủ của DNC từ mùa hè năm 2015, cho phép họ truy cập không hạn chế các thông tin liên lạc của đảng này trong khoảng 1 năm qua. DNC đã nhờ CrowdStrike, một công ty an ninh mạng điều tra vụ việc vào đầu tháng 6 vừa rồisau khi DNC bắt đầu nghi ngờ có xâm nhập vào hệ thống của mình.
Theo lời Dmitri Alperovitch - đồng sáng lập CrowdStrike, ông tin rằng hai nhóm hacker tấn công vào DNC có tên là Cozy Bear và Fancy Bearđều là những nhóm hacker có liên quan đến chính phủ Nga. Đặc biệt Fancy Bear được cho là làm việc dưới sự điều hành của GRU, cơ quan tình báo quân sự của Nga.
"Đây là một nhóm cực kỳ mạnh, họ tấn công rất bí mật. Thông tin nghi vấn chỉ xuất hiện khi nhóm thứ hai đến thực hiện ăn cắp các báo cáochống lại Trump", ông Alperovitch nói về nhóm hacker Cozy Bear, được xem là đã kiểm soát máy chủ của DNC gần 1 năm mà không bị phát hiện.
Ông Foer cho rằng chính phủ Nga đã rò rỉ những email của DNC cho Wikileaks để ủng hộ ứng cử viên Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ.
Ông Trump trước đây nhiều lần lên tiếng ủng hộ ông Putin trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, nhiều chuyên gia còn cho rằng ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa ngưỡng mộ nhàlãnh đạo nước Nga.
Chưa hết, quản lý cao nhất trong chiến dịch tranh cử của ông Trump lại là Paul Manafort, người từng là trợ lý cao cấp của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.
Dưới sự giúp đỡ của ông Manafort, đảng Cộng hòa đã thay đổi quan điểm cứng rắn chống lại Nga trước đó của đảng này bằng một quan điểm ôn hòa hơn.
Tuy nhiên, theo Vox News, một chuyên trang phân tích bình luận chính trị thì không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy ông Trump hay ông ông Manafort có quan hệ với chính phủ Nga.
Ngoài ra, động cơ được cho là thúc đẩy các tin tặc Nga rò rỉ email của DNC cũng không rõ ràng. Vì thực tế, cho đến nay vụ rò rỉ email này chưa có dấu hiệu làm tổn thương uy tín của bà Clinton trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới. Vì vậy, nếumục tiêu của tin tặc là giúp ông Trump, thì kết quả hiện tại cho thấy mục tiêu đó không đạt được.
Ngoài ra ôngTimothy B.Lee, chuyên gia phân tích chính trị của Vox News còn nhấn mạnh rằng báo cáo về vụ tin tặc Nga xâm nhập hệ thống của DNC là một chiều từ phía chính phủ Mỹ và không được kiểm chứng từ một tổ chức an ninh mạng độc lập.
Hồi tháng 6, phát ngôn viên Dmitry Peskov của điện Kremlin cũngđã bác bỏ thông tin về việc hacker Nga ăn cắp tài liệu mật của đảng Dân chủ. “Tôi hoàn toàn bác bỏ khả năng việc chính phủ hoặc các cơ quan chính phủ (Nga) đã tham gia vụ này“, ông Peskov nói.
Thiên Hà (theo Vox News)