Các tour du lịch bị hủy bỏ khiến nhiều công ty, đơn vị lữ hành lao đao, thiệt hại nặng nề thậm chí phải cho nhân viên nghỉ việc vì không có doanh thu. Tình cảnh này khiến nhiều nhân viên "khóc dở" vì phải bon chen đi kiếm việc khác để trang trải cuộc sống.

Nghỉ việc vì COVID-19: Nhân viên khách sạn, công ty du lịch 'đau đầu' tìm việc khác

06/03/2020, 05:54

Các tour du lịch bị hủy bỏ khiến nhiều công ty, đơn vị lữ hành lao đao, thiệt hại nặng nề thậm chí phải cho nhân viên nghỉ việc vì không có doanh thu. Tình cảnh này khiến nhiều nhân viên "khóc dở" vì phải bon chen đi kiếm việc khác để trang trải cuộc sống.

Nhiều nhà hàng, khách sạn phải cắt giảm nhân viên vì không có khách - Ảnh: TN

Chị B. Hân - nhân viên lâu năm tại một công ty du lịch có tiếng ở Hà Nội - chia sẻ một tháng nay, công ty không có khách đặt tour nên lãnh đạo cắt 50% lương để chi trả các khoản chi phí khác và bù lỗ. Với vị trí và kinh nghiệm hiện nay, chị B. cho biết thu nhập của chị một tháng cũng khoảng 12 triệu đồng. Tuy nhiên, lương bị cắt giảm một nửa khiến chị phải kiếm việc làm thêm để có thêm thu nhập trang trải chi phí gia đình 4 người.

"Lúc công ty cắt giảm lương mình cũng hoang mang lắm, vì nghĩ không biết kiếm gì làm thêm. Do tìm kiếm công việc cũng khó khăn nên mình quyết định tự làm trà sữa và các loại bánh kem để bán thêm qua mạng. Khách đặt cũng nhiều vì tâm lý mọi người ngại đi ra ngoài ăn uống, cà phê vì sợ dịch bệnh. Ở công ty mình, các anh chị em khác cũng đều kiếm việc làm thêm như: dịch bài, bán đồ qua mạng, nhận làm sổ sách kế toán... Nói chung ai cũng tranh thủ kiếm việc khác không thì chết đói", chị B. Hân nói.

Trong khi đó, anh Minh mới chuyển sang làm ở khách sạn khoảng 1 năm buồn bã nói: "Tôi đang kiếm việc khác để làm vì trong tháng này công ty sẽ cắt giảm 50% nhân sự, tôi sợ mình trong diện phải cắt giảm vì còn là nhân viên mới. Giờ kiếm việc cũng khó vì hầu hết các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 nên thất thu, cũng không có nhu cầu tuyển nhân viên".

Theo anh Minh, ở khách sạn anh làm hầu hết mọi người đã kiếm việc làm thêm, có người xin chuyển hẳn sang một đơn vị khác làm vì tâm lý lo sợ dịch bệnh kéo dài, khách sạn không thể trụ được.

Mảng khách sạn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, công suất đặt phòng của các khách sạn 3-5 sao cũng bị giảm khoảng 50-70%, tổng doanh thu của cơ sở lưu trú du lịch giảm 60-70% so với cùng kỳ 2019. Để bù bắp các khoản doanh thu giảm này, doanh nghiệp đã tính phương án giảm nhân sự đến mức tối đa, chia ca làm việc để giảm chi phí tiền lương.

Vào khoảng cuối tháng 2 vừa qua, lãnh đạo một khách sạn ở Hà Nội cho biết công ty quản lý 9 khách sạn, hiện 4 cơ sở đã đóng cửa vì không có khách nên công ty đã phải cho 40 nhân viên tạm thời nghỉ việc.

Chuỗi khách sạn này đã hoạt động đến nay hơn 20 năm nhưng thời điểm này được xem là lúc khó khăn nhất vì không có khách. Khách hàng của khách sạn có 70% là khách Hàn Quốc, sau đó là Nhật Bản và Trung Quốc.

"Giờ phút này không còn phân biệt chức vụ hay cấp bậc nữa, đây là lúc chúng ta sống như nhau và được đối xử như nhau. Anh bếp trưởng bình thường 20 triệu giờ cũng 4 triệu, nhân viên bellman lương 4 triệu rưỡi giờ cũng nhận 4 triệu. Đây là mức công ty đã cân đối, đủ để cho mọi người ăn, để sống qua ngày. Đây là lúc mình cần sự chia sẻ, chia sẻ với những người khó khăn hơn mình. Chính sách của công ty sẽ được áp dụng ngay từ 1.3", lãnh đạo chuỗi khách sạn nói.

Chia sẻ tại cuộc họp với đại diện các đơn vị lữ hành, lưu trú, điểm đến trên địa bàn Thủ đô Hà Nội vào tháng 2 vừa qua, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết quốc tế đến Hà Nội đang trên đà giảm mạnh, giảm gần 50%. Điều này cho thấy tác động của dịch COVID-19 tới du lịch sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến cả các thị trường nguồn khách khác. Ông Hải cũng cho rằng, những tổn thất của ngành Du lịch nói chung và du lịch Thủ đô nói riêng có thể sẽ còn tăng, khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp hơn.

Ở một lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp khác là hàng không, lương lãnh đạo và nhân viên cũng đồng loạt giảm vì doanh thu sụt giảm kỷ lục. Ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 là "chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không". Ông cho biết dịch bệnh kéo lùi ngành hàng không chậm lại 3-4 năm, khiến tích lũy của 4-5 năm trước coi như về 0.

Tại Tổng công ty, lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị, lãnh đạo Tổng Công ty sẽ giảm lương 40%, cấp dưới hơn là 30%, dưới nữa là 20%, nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương.

Tổng cục Du lịch cho biết theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 2.2020 có trên 1,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 37,7% so với tháng 1.2020 và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng cục Du lịch dự báo, trong thời gian tới, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới ngành du lịch sẽ còn nghiêm trọng hơn, bởi hai thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 56% tổng số khách năm 2019, có thể sẽ giảm hơn 90% thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 3.3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - người phát ngôn Chính phủ cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến ngành du lịch Việt Nam. Cụ thể, lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, khách du lịch giảm 2 con số. Theo thống kê, ngành du lịch mất khoảng 7 tỉ USD do dịch bệnh.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghỉ việc vì COVID-19: Nhân viên khách sạn, công ty du lịch 'đau đầu' tìm việc khác