Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, từ cuối tháng 2 đến nay, lãi suất tiết kiệm cũng đồng loạt giảm theo.

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất vì dịch COVID-19

05/03/2020, 19:50

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, từ cuối tháng 2 đến nay, lãi suất tiết kiệm cũng đồng loạt giảm theo.

Lãi suất đồng loạt để hỗ trợ nền kinh tế do ảnh hưởng COVID-19 - Ảnh: Internet

Đồng loạt giảm lãi suất huy động

Ngày 2.3, VPBank chính thức triển khai biểu lãi suất huy động mới, giảm các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên so với biểu lãi suất công bố ngày 7.2. Theo đó, lãi suất 13 tháng của nhà băng này giảm 0,2%/năm, 15 tháng giảm 0,4%/năm, 18 tháng giảm 0,3%/năm, 24 tháng giảm 0,2%/năm và 36 tháng giảm 0,1%/năm.

Còn tại ngân hàng SCB, từ ngày 24.2, mức ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng trung niên của ngân hàng này cũng đã giảm từ 0,03/năm xuống 0,02%/năm. Lãi suất tăng thêm dành cho khách hàng VIP cũng điều chỉnh giảm, tùy nhóm khách hàng. Chứng chỉ tiền gửi dài hạn kỳ hạn 469 ngày của SCB giảm lãi suất từ 8,9%/năm xuống 8,75%/năm.

Tại LienVietPostBank, từ ngày 24.2, lãi suất huy động ngân hàng này giảm từ 0,1-0,6%/năm đối với các kỳ hạn từ 9-48 tháng. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm từ 6,2%/năm xuống 6,1%/năm; kỳ hạn 10 tháng và 11 tháng giảm 0,2%/năm xuống 6,1%/năm. Các kỳ hạn 13, 15 và 16 tháng cùng giảm 0,2%/năm xuống tương ứng 6,8%/năm, 6,9%/năm và 6,9%/năm. Kỳ hạn 18 tháng giảm 0,3%/năm xuống 6,9%/năm; kỳ hạn 24 tháng giảm 0,4%/năm xuống 6,9%/năm; kỳ hạn 25 và 36 tháng giảm 0,5%/xuống 6,9%/năm và mức giảm sâu nhất đến 0,6%/năm của kỳ hạn 48 tháng xuống 6,9%/năm.

Tương tự, tại VIB, từ ngày 28.2, mức cộng thêm lãi suất từ 0,1-0,3%/năm vào lãi suất cố định của ngân hàng này đã giảm về mức từ 0,1 - 0,2%/năm. Từ ngày 26.2, SHB bắt đầu giảm lãi suất từ 0,1-0,2%/năm cho các kỳ hạn 6-36 tháng. VietA Bank giảm lãi suất kỳ hạn 7 tháng từ 8,3%/năm xuống 8,2%/năm; 13 tháng xuống 8,6%/năm, thay vì 8,75%/năm trước đây.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các nhóm ngân hàng đều có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 2. Cụ thể, lãi suất của nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm trung bình 0,1%, nhóm ngân hàng thương mại có vốn trên 5.000 tỉ đồng giảm 0,07%, nhóm ngân hàng thương mại có vốn dưới 5.000 tỉ đồng giảm 0,01%.

Chuyên gia công ty này dự báo nếu dịch COVID-19 nằm trong tầm kiểm soát với số ca nhiễm và tử vong không lớn, GDP trong quý 1/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5%, thấp hơn 0,2-0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu vay vốn để mở rộng kinh doanh, sản xuất có thể sẽ giảm khiến nhu cầu về vốn của ngân hàng không chịu áp lực lớn. Trong kịch bản này, sau giai đoạn nửa đầu năm có lạm phát cao, lãi suất huy động có thể giảm nhẹ để kích thích tăng trưởng nền kinh tế.

Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, lãi suất huy động bằng VND đang phổ biến ở mức 0,2-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.

Ngân hàng giảm lãi cho vay hỗ trợ doanh nghiệp

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện giảm lãi vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi bệnh dịch.

Sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng quyết định giảm suất cho vay. Cụ thể, ACB mới tung ra gói tín dụng ưu đãi quy mô 25.000 tỉ đồng từ nay đến 30.6 để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó 13.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân và 12.000 tỉ đồng cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Với khách hàng là cá nhân, lãi suất tối thiểu từ 7,5%/năm cho các khoản vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và 8,5%/năm cho các khoản vay trung - dài hạn. Các khoản vay bổ sung vốn ngắn hạn có mức lãi suất vay ngắn hạn từ 6,5%/năm, vay đầu tư mua sắm/sửa chữa máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng, văn phòng… lãi suất vay trung - dài hạn từ 8,5%/năm và có thể cố định lãi suất kỳ đầu trong 24 tháng.

Tương tự, Sacombank cũng triển khai gói tín dụng 10.000 tỉ đồng với lãi suất giảm tới 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vay phục vụ sản xuất - kinh doanh. Căn cứ vào phương án kinh doanh và sử dụng nguồn vốn, khách hàng có thể vay vốn ngắn hạn với lãi suất tối thiểu 6,5%/năm đối với doanh nghiệp và 8,5%/năm đối với cá nhân.

Eximbank dành 4.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay ưu đãi với lãi suất từ 6,99%/năm, đồng thời sẽ triển khai gói tín dụng khoảng 3.000 tỉ đồng lãi suất từ 5,5%/năm cho doanh nghiệp lớn.

Nam A Bank triển khai chương trình ưu đãi lãi vay với mức giảm lãi suất 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với VND và USD. Chương trình kéo dài từ nay đến khi Chính phủ có thông báo kết thúc dịch, dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, dư nợ từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch tính đến thời điểm này vào khoảng 925.000 tỉ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất vì dịch COVID-19