Người tiêm vắc xin phát triển bởi Pfizer hợp tác BioNTech ít có nguy cơ mắc COVID-19 có triệu chứng hoặc bệnh trở nặng hơn người không tiêm.
Đây là kết luận của nhóm nghiên cứu Trung tâm Clalit - nhà cung cấp dịch vụ y tế lớn nhất Israel - sau khi xem xét 600.000 người tiêm đủ 2 liều vắc xin Pfizer/BioNTech. Họ ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh biểu hiện triệu chứng (sốt, khó thở) giảm 94%, tỷ lệ bệnh trở nặng (phải nhập viện, tiếp nhận chăm sóc đặc biệt, thở máy) giảm 92%.
“Điều này cho thấy vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech cực kỳ hiệu quả trong thực tế sau mũi thứ tiêm thứ 2, giống như trong thử nghiệm lâm sàng”, chuyên gia dịch tễ Ran Balicer thuộc Trung tâm Clalit khẳng định. Ông còn cho biết vắc xin thậm chí còn tăng hiệu quả sau khi tiêm đủ 2 liều 2 tuần.
Nghiên cứu nêu trên là nghiên cứu về vắc xin quy mô lớn nhất tại Israel. Trung tâm Clait dự định mở rộng quy mô xét nghiệm để có được đánh giá chính xác hơn nữa.
Tháng 12.2020, Pfizer công bố dữ liệu cho thấy vắc xin COVID-19 của mình đạt hiệu quả 95%. Nhiều quốc gia sau đó rất nhanh chóng phê duyệt sử dụng để triển khai tiêm chủng rộng rãi.
Israel thuộc số quốc gia triển khai tiêm chủng từ rất sớm. Tính đến giữa tháng 2 đã có 2,5 triệu người - tương đương 1/4 dân số nước này - tiêm đủ 2 liều, hơn 42% dân số đã tiêm mũi đầu.
Nỗ lực tiêm chủng gặp không ít trở ngại: tin giả, tâm lý nghi ngờ từ nhóm dân số theo Chính thống giáo và đạo Hồi, người trẻ tuổi nghĩ rằng họ sẽ không mắc bệnh nặng. Với mục tiêu sớm đạt miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế Israel chi ra hàng triệu USD cho chiến dịch tuyên truyền nâng cao ý thức về vắc xin.