Pháp và Ukraine đang hợp tác điều tra về tội ác chiến tranh liên quan đến cái chết trong khi làm nhiệm vụ của Frédéric Leclerc-Imhoff, phóng viên ảnh đến Ukraine lần thứ 2 kể từ ngày 24.2 để đưa tin về cuộc chiến.

Ngoại trưởng Pháp ‘sốc nặng’ vì nhà báo Pháp tử nạn khi đưa tin về việc di tản thường dân ở Ukraine

Quỳnh Yên | 02/06/2022, 12:01

Pháp và Ukraine đang hợp tác điều tra về tội ác chiến tranh liên quan đến cái chết trong khi làm nhiệm vụ của Frédéric Leclerc-Imhoff, phóng viên ảnh đến Ukraine lần thứ 2 kể từ ngày 24.2 để đưa tin về cuộc chiến.

Hôm thứ hai 30.5 vừa qua, nhà báo trẻ 32 tuổi Frédéric Leclerc-Imhoff của Đài truyền hình Pháp BFM-TV, người tốt nghiệp học viện báo chí Bordeaux Aquitaine, đã tử nạn khi theo một đoàn xe nhân đạo để tường thuật về việc di tản thường dân hỏi vùng chiến sự ở gần thành phố Severodonetsk thuộc tỉnh Luhansk, vùng Donbas, miền đông Ukraine.

nhabaophap-copy.jpg
Phóng viên ảnh Frédéric Leclerc-Imhoff đã bị chết khi đến Ukraine lần thứ 2 để đưa tin về cuộc chiến, kể từ ngày 24.2.2022

Đây là nhà báo thứ 8 và là nhà báo Pháp thứ 2 tử nạn ở Ukraine kể từ khi nổ ra chiến sự, ngày 24.2.2022. Anh bị trúng một mảnh đạn pháo của quân Nga bắn trong khi đang ngồi trong một chiếc xe bọc thép cùng một đồng nghiệp khác của đài và một nữ thông dịch viên. Đồng nghiệp của anh, ngồi ở cuối xe, bị thương nhẹ ở chân trong khi thông dịch viên thoát nạn. Anh đã làm việc 6 năm cho đài truyền hình trên. Ban biên tập đài BFM-TV đã đưa tin về cái chết trong khi làm nhiệm vụ của phóng viên ảnh Frédéric Leclerc-Imhoff, người tốt nghiệp học viện báo chí Bordeaux Aquitaine và đến Ukraine lần này là lần thứ 2 kể từ ngày 24.2 để đưa tin về cuộc chiến.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã xác nhận tin này khi viết trên Twitter: “Frédéric Leclerc-Imhoff có mặt ở Ukraine để cho thấy thực tế của cuộc chiến. Trên một chiếc xe hoạt động nhân đạo, bên cạnh những người dân thường phải chạy trốn khỏi bom Nga, anh đã bị tử thương”.

president.png
Tổng thống Pháp viết về cái chết của nhà báo Pháp trên Twitter hôm 30.5

Cái chết của nhà báo Pháp khiến cho chuyến thăm Kyiv vừa khởi đầu cùng ngày của tân nữ Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nhuốm màu tang thương. “Đây là một tội ác kép, vừa nhắm vào một đoàn xe nhân đạo vừa nhắm vào nhà báo”, bà Ngoại trưởng Pháp tuyên bố. Bà nói cái chết của nhà báo Frédéric Leclerc-Imhoff gây “sốc nặng” và đề nghị mở cuộc điều tra minh bạch về hoàn cảnh dẫn đến cái chết của nhà báo.

Trước đó, trong buổi sáng, bà đã đến thăm Bucha, gần Kyiv, nơi đã diễn ra những vụ thảm sát dân thường mà Ukraine cáo buộc lính Nga gây ra.

Chủ tịch Hội nhà báo Ukraine, Serhiy Timolenko cho biết nhà chức trách Ukraine đang bàn cách hồi hương thi thể nhà báo tử nạn về Pháp nhưng trong điều kiện đang có giao tranh và pháo kích liên tục, việc này gặp rất nhiều khó khăn.

Ông nói tiếp: “Các nhà báo đang trả giá bằng mạng sống của mình để phục vụ quyền được biết sự thật về những gì đang diễn ra trong cuộc chiến tranh tại Ukraine”.

Phát biểu trên đài France Inter, Tổng thư ký tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) nói rằng kể từ đầu cuộc chiến các nhà báo đưa tin ở Ukraine đã bị quân Nga nhắm bắn “như bắn thỏ” dù có đeo phù hiệu “Báo chí”.

Tổng giám đốc Tổ chức Văn hóa-Khoa học-Giáo dục của LHQ (UNESCO), bà Audrey Azoulay cũng đã ra tuyên bố nói: “Tôi lên án việc giết Frédéric Leclerc Imhoff và kêu gọi mở cuộc điều tra để xác định và đưa ra xét xử những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác này”.

nhabaophap-2-.jpg
UNESCO lên án việc giết nhà báo Frédéric Leclerc-Imhoff

Trong khi đó, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin về sự kiện này viết: “Có thể xem người Pháp chết trong vùng Donbas là lính đánh thuê. Ít có khả năng công dân Pháp chết trên lãnh thổ Cộng hòa nhân dân Luhansk có liên quan tới báo chí, nhưng anh ta có thể lo việc chuyển đạn dược tới các vị trí của quân đội Ukraine – sĩ quan dân quân Cộng hòa nhân dân Luhansk A. Marotchko tuyên bố với TASS”.

Theo BFM-TV, trước kiểu đưa tin “lố bịch” của TASS, vào ngày hôm sau cái chết của con, người mẹ của Frédéric đã lên tiếng đáp trả, bà ca ngợi “sự dấn thân nghề nghiệp và dấn thân cá nhân” của con trai “vì dân chủ, sự tôn trọng con người, và nhất là vì một nền thông tin tự do, vô tư và trung thực”.

Bà viết: “Gửi TTX TASS và nhà chức trách CHND Luhansk (tự xưng). Xin chào. Tôi là mẹ của nhà báo trẻ mà các ông đã giết hôm qua. Bản tin của các ông khiến tôi nôn mửa. Tất nhiên các ông hèn nhát tìm cách trốn tránh trách nhiệm nhưng nên biết rằng các ông sẽ không bao giờ bôi nhọ ký ức về con tôi được. Mọi người ở đây đều biết sự dấn thân nghề nghiệp và dấn thân cá nhân của con tôi vì dân chủ, sự tôn trọng con người và nhất là vì một nền thông tin tự do, vô tư và trung thực – những khái niệm dường như rất xa lạ với những gì thúc đẩy các ông. Ngày hôm nay, tôi nghĩ tới tất cả những người mẹ Ukraine khóc mất con, tất cả những trẻ em Ukraine khóc mất mẹ cha và tất cả những người mẹ Nga tiễn con mình đi lính quá sớm để rồi không được gặp lại con và tự hỏi tại sao”.

Trong khi đó, BFM-TV ngày 1.6 đưa tin, Viện Công tố quốc gia Pháp phụ trách điều tra về khủng bố đã ra thông báo mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh để làm sáng tỏ cái chết của nhà báo Frédéric Leclerc-Imhoff ở Ukraine. Các cuộc điều tra về những gì xảy ra trên lãnh thổ nước ngoài (Ukraine) sẽ được tiến hành với sự hợp tác của nhà chức trách Pháp và Ukraine. Cuộc điều tra được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải tiến hành dưới bom đạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngoại trưởng Pháp ‘sốc nặng’ vì nhà báo Pháp tử nạn khi đưa tin về việc di tản thường dân ở Ukraine