Với thông tin ca sĩ Ngọc Sơn được phong giáo sư âm nhạc đã gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận và dấy lên thông tin phản đối chính Hội nghệ nhân và thương hiệu khi hội này tự cấp bằng khen ghi hẳn chức danh giáo sư cho ca sĩ này.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, đại diện Bộ VHTT-DL khẳng định việc một Hội tự cấp bằng khen cho một cá nhân, tập thể là hoàn toàn bình thường, tuy nhiên bằng khen với chức danh giáo sư thì phải do hội đồng phong hàm Phó giáo sư và Giáo sư do ông Trần Văn Nhung - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm chủ tịch. Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm xem xét đề nghị của các cấp cơ sở theo từng đợt, để phong tặng học hàm, học vị. Đây là cơ quan duy nhất của nhà nước được quyền làm việc này. Ngoài ra, không có một tổ chức cá nhân nào được phong học hàm, học vị cho bất kỳ cá nhân nào.
Trong chính lá đơn đăng ký gia nhập vào Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam, chính ca sĩ Ngọc Sơn đã tự xưng mình là giáo sư, danh ca…
Trong đơn đăng ký xin tham gia vào Hội, Ngọc Sơn cũng cam kết: “Sau khi nghiên cứu kỹ Điều lệ Hội Nghệ nhân và Thương hiệu, tôi hoàn toàn tán thành, tôn trọng và mong muốn đóng góp công sức của mình xây dựng và phát triển Hội ngày càng vững mạnh. Tôi làm đơn này tự nguyện đăng ký gia nhập Hội, cam kết tuân thủ Điều lệ và các quy định của Hội, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp của nhà nước. Tôi cam đoan về tính xác thực của những thông tin trên. Nếu sai, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Pháp luật và tổ chức Hội”.
Đơn xin gia nhập Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam của ca sĩ Ngọc Sơn mới được chấp thuận
Đơn đăng ký xin gia nhập Hội của ca sĩ Ngọc Sơn được viết ngày 3.8, đến ngày 6.8 thìchủ tịch Hội ký phê duyệt. Đến ngày 10.8 thì nam ca sĩ này đã được nhận bằng khen có ghi là Giáo sư âm nhạc. Như vậy, những cống hiến “lớn lao” của ca sĩ Ngọc Sơn đóng góp cho Hội chỉ diễn ra trong vòng mấy ngày. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Dũng, nam ca sĩ “đã có nhiều hoạt động xuất sắc trong công tác xây dựng thương hiệu vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Việt Nam”.
Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Vương Duy Biên cũng khẳng định chức danh giáo sư chỉ dành cho các công việcnghiên cứu chứ không hề có một ca sĩ nào được phong giáo sư cho việc nghiên cứu trong âm nhạc. Với bằng khen này, không hề có ý nghĩa gì trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc.
Theo luật di sản văn hoá thì thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích thuộc Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Luật thi đua khen thưởng quy định việc phong tặng danh hiệu nhà nước thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Vì thế việc Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam và Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tổ chức vinh danh và cấp bằng công nhận, bằng chứng nhận là trái với thẩm quyền của các tổ chức hội.
Các tổ chức hội không có chức năng, nhiệm vụ cấp bằng công nhận cây di sản, cấp bằng cho các hệ thống đền đạt chuẩn hóa đền thờ tam, tứ phủ theo nghi lễ văn hóa truyền thống Việt Nam. Các hội cũng không được cấp bằng chứng nhận nghệ nhân văn hóa dân gian, bằng chứng nhận tôn vinh nghệ nhân…
Chia sẻ với phóng viên, nhà phê bình Nguyễn Quang Long cho biết: Đứng về góc độ cá nhân, việc ca sĩ Ngọc Sơn tự nhận mình là giáo sư âm nhạc thì đáng chê trách, tuy nhiên trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam. Hội này phải có trách nhiệm thẩm định lại hồ sơ của chính hội viên và bằng khen từ phía Hội trao nên không thể đổ hết lỗi lên cho ca sĩ Ngọc Sơn để trốn tránh trách nhiệm của mình.
Dạ Thảo