Bất chấp giới chức Trung - Ấn đều nhất trí tránh làm leo thang căng thẳng biên giới, lời kêu gọi đáp trả vẫn đang bùng lên mạnh mẽ ở cường quốc Nam Á.

Người Ấn Độ nóng lòng trả đũa Trung Quốc

20/06/2020, 07:37

Bất chấp giới chức Trung - Ấn đều nhất trí tránh làm leo thang căng thẳng biên giới, lời kêu gọi đáp trả vẫn đang bùng lên mạnh mẽ ở cường quốc Nam Á.

Biểu tình đòi tẩy chay hàng Trung Quốc tại Ấn Độ - Ảnh: AP

Căng thẳng chưa kịp lắng dịu sau vụ ẩu đả hồi tháng 5 thì lại bùng lên vì vụ đụng độ tại thung lũng Galwan đêm 15.6. Hơn 20 binh sĩ lục quân Ấn Độ thiệt mạng - lần đụng độ giữa hai nước gây chết người đầu tiên kể từ năm 1975 đến nay.

Khi thi thể binh sĩ về đến quê nhà, người dân nhiều tỉnh thành tập trung chia buồn và biểu tình lên án Trung Quốc. Họ còn đòi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, cấm mọi nhà hàng bán thức ăn Trung Quốc.

Giáo sư quan hệ quốc tế Harsh Pant thuộc đại học King (London) đánh giá khủng hoảng hiện tại là bước ngoặt trong quan hệ song phương.

“Toàn bộ chính sách Trung Quốc của Ấn Độ dựa trên giả định rằng có thể tạm gác lại vấn đề biên giới để duy trì hợp tác rộng rãi. Nhưng diễn biến mới khiến giả định thay đổi, không thể duy trì quan hệ bình thường với Trung Quốc khi tình hình biên giới đang sôi sục”, theo giáo sư Pant.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm 17.5 đã trò chuyện, hai bên đổ lỗi cho nhau. Ông Jaishankar sau đó cho biết phía binh sĩ Ấn lựa chọn không sử dụng vũ khí được trang bị nhằm tránh làm leo thang căng thẳng.

Ngày 18.5 đến lượt quan chức quân sự cấp cao tìm cách hạ nhiệt căng thẳng bằng đối thoại. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng khẳng định hai nước thường xuyên liên lạc qua văn phòng đại diện ngoại giao lẫn cơ chế liên lạc cấp chỉ huy ở thực địa. Thủ tướng Narendra Modi ra tuyên bố nhấn mạnh nước này muốn hòa bình.

Chính quyền New Delhi chẳng có dấu hiệu nào cho thấy họ sắp hành động. Tuy nhiên giới truyền thông tiết lộ các quan chức đang cân nhắc hàng loạt cách thức gây khó khăn cho doanh nghiệp Trung Quốc: từ yêu cầu một đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông không sử dụng thiết bị Trung Quốc đến xét lại một số dự án hạ tầng giao cho nhà thầu Trung Quốc.

Mới đây, Tập đoàn Vận tải hàng hóa chuyên dụng Ấn Độ (DFCCIL, trực thuộc Bộ Đường sắt) quyết định chấm dứt hợp đồng trị giá 62 triệu USD với công ty Tín hiệu - Viễn thông Bắc Kinh do chậm tiến độ.

Căng thẳng biên giới Trung - Ấn bùng lên mạnh mẽ - Ảnh: News18

Giáo sư Pant cho rằng vụ đụng độ vừa xảy ra giải phóng chính sách đối ngoại Ấn Độ khỏi thế phải duy trì cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ. Chính quyền New Delhi nay có thể buộc Trung Quốc trả giá về kinh tế như loại Huawei khỏi nỗ lực xây mạng 5G quốc gia, cấm doanh nghiệp Trung Quốc đấu thầu dự án nhà nước, đặc ra hạn chế nhằm vào đầu tư từ Trung Quốc.

Ở phương diện địa chính trị, Ấn Độ có thể cảm thấy có động lực hưởng ứng nỗ lực lập liên minh chống Trung lẫn tham gia chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hơn.

Theo một chỉ huy Ấn Độ giấu tên từng làm nhiệm vụ ở biên giới, tình trạng thù địch nhiều khả năng còn kéo dài. Binh sĩ Ấn chắc chắn trả đũa.

Trung tướng về hưu Vinod Bhatia cảnh báo Trung Quốc sẽ ngày càng hung hăng hơn, vì vậy Ấn Độ cần tăng cường năng lực phòng vệ (xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, tuần tra nhiều hơn).

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan
Hạ Trung Quốc, Việt Nam thuận lợi trên đường tìm vé dự futsal World Cup
Sau khi để hòa Myanmar 1-1 trong trận ra quân tại VCK futsal châu Á, đội tuyển Việt Nam đã thắng Trung Quốc 1-0.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Ấn Độ nóng lòng trả đũa Trung Quốc