Lâu nay, ngôi nhà của bà Hoàng đã trở thành “địa chỉ” trú thân của lũ mèo hoang. Bà thương mèo, không đành lòng thấy chúng nằm co ro đói lạnh nên thấy ai bỏ lại nhặt về nuôi, gần cả trăm con…

Người đàn bà nặng nợ với… mèo hoang

Thanh Dũng | 04/03/2017, 05:03

Lâu nay, ngôi nhà của bà Hoàng đã trở thành “địa chỉ” trú thân của lũ mèo hoang. Bà thương mèo, không đành lòng thấy chúng nằm co ro đói lạnh nên thấy ai bỏ lại nhặt về nuôi, gần cả trăm con…

Ở An Giang nói riêng và miền Tây nói chung có người vẫn nhận mèo con bị bỏ hoang về nuôi nhưng nuôi số lượng khủng như bà Hoàng không nhiều. Bà Hoàng nói vui, bà tuổi Quý Mão, năm nay 55 tuổi, không biết do năm sinh ứng với cái số hay sao mà từ nhỏ bà mê nuôi mèo cho đến lúc có chồng con cũng không thay đổi thói quen này.

Duyên số với mèo

Bà Huỳnh Thị Kim Hoàng là chủ 1 quán ăn nhỏ ở TT.An Châu (H.Châu Thành, tỉnh An Giang). Nhưng căn nhà của bà được người dân địa phương gọi là… nhà bà Mèo. Bởi trong căn nhà này, lúc nào cũng đông đúc bầy mèo lớn nhỏ đủ các loại màu lông. Mỗi khi bà Hoàng mở cửa ra, lũ mèo từ trong nhà chạy ào ào chạy ra đứng chật cả sân nghịch giỡn, lèo trèo lên cành cây, mái nhà...

Bà Hoàng nhớ, khoảng năm 2000, bà có nuôi vài con mèo trong nhà, rồi trong một đêm mưa gió, đang ngủ bà giật mình nghe bên ngoài có tiếng mèo con kêu gào liên hồi rất thảm. Bà Hoàng không ngủ được, mở cửa nhà ra nhìn, thấy một cái bọc to trong đó có bầy mèo 5 con vài ngày tuổi đang đói, lạnh run lẩy bẩy.

Bà Hoàng đang cho 1 con mèo bệnh uống thuốc

Thấy lũ mèo con khát sữa kêu khan bà thấy tội nên đưa chúng vào nhà, sưởi ấm cho chúng, lấy sữa tươi pha cho chúng uống. Lũ mèo hoang quấn quýt chân bà không rời, khi chúng vừa chớm lớn.

Vài ngày sau, bà lại nhặt được bầy mèo con khác, và lại quyết định về nuôi cho nhập bầy. Rồi lũ mèo lớn bắt cặp sinh mèo con, bà lại nuôi tiếp. Cũng từ đó, người ta biết bà Hoàng cưng mèo nên có mèo con hay mang quăng bỏ gần sân nhà bà.

Có lần, trong buổi chạng vạng tối, bà Hoàng bắt gặp người thanh niên đem bầy mèo con tới bỏ nên mắng té tát sao nhẫn tâm với loài vật. Bà cằn nhằn: “Mèo mẹ đuổi bắt chuột giúp, nhưng tới khi nó đẻ con sao bạc đãi đem con nó đi bỏ”, rồi vẫn nuôi luôn bầy mèo ấy…

Bà tâm sự: “Lũ mèo con có lúc nhiều quá, mấy chục con khát sữa kêu la, nên tôi và chồng con pha sữa cho chúng uống không kịp, rồi lớp nào chúng bệnh phải đưa đi trạm thú y chích thuốc, chích ngừa bệnh dại theo định kỳ. Cũng may là chồng con tôi đều cưng mèo nên không ai phản đối việc tôi ôm bầy mèo tự chuốc cái khổ vào thân”.

Chống trộm cho mèo

Bầy mèo đông đảo nhưng bà Hoàng đều nhớ rõ tên từng con, từng thói quen của chúng. Mỗi ngày, bả Hoàng nấu khoảng hơn 3 kg cơm cho lũ mèo ăn, mua cá điêu hồng về kho cho mèo. Bà cưng chúng đến nỗi, tránh nấu thức ăn cay vì sợ mèo ăn bị ngứa, bị bệnh rụng lông.

Lũ mèo ăn thứ tự, không tranh giành nhau

Bà chia sẽ: “Con mèo vậy chứ có tình cảm lắm, như con nào bị bệnh, đưa đi chích hay uống thuốc khi hết bệnh là chúng quấn quýt cọ cọ thân người vào chủ suốt ngày như cảm tạ”.

Mấy ngày trước, thấy bà nước mắt ròng rã, luôn lẩm bẩm: “Diệm ơi Diệm, con mất rồi, bà nhớ con quá”, làm nhiều người trong xóm xót lòng. Nghe qua, thoạt tưởng bà khóc than cho ai đó vắn số nhưng hóa ra khóc cho con mèo mang tên Diệm.

Đây là con mèo cộc đuôi có màu vằn vi như chó vện được bà nuôi từ bé, tính đến nay được 10 năm. Trong bầy, con Diệm tinh khôn nhất, biết nhổ cắn tóc bạc cho chủ nên bà cưng nó lắm. Mấy ngày trước, lúc bà mở cửa nhà, con Diệm phóng ra ngoài và bị xe tải cán chết.

Rồi con Hươu cũng bị xe tải cán chết. Con Hươu rất khôn, ban đêm nằm ngủ nghe tiếng chân lạ rình rập quanh nhà là nó vào cào cào người bà Hoàng báo hiệu có người rình bắt mèo. Bà Hoàng nói, do nhà gần đường lộ lớn nên lũ mèo chạy giỡn dưới lề đường hay bị xe tải, xe honda cán chết.

Nhưng thứ bà lo nhất là trộm mèo, kẻ xấu biết nhà bà nuôi nhiều mèo nên trong đêm hay rình rập quanh nhà gài bẫy bắt mèo bán cho các quán nhậu. Có đêm, cả chục con mèo bị trộm. Lúc trước có con Hươu cảnh báo, nay nó mất, nên bà Hoàng và các con phải giăng mùng ngủ sát sân nhà để canh chừng trộm mèo.

“Cưng lắm, sao bán được?”

Chiều tối, bà Hoàng đã nấu cơm xong cho mèo ăn. Nghe tiếng bà kêu về ăn, lũ mèo ngoan ngoãn ngoắt đuôi chạy về. Chúng đứng trật tự ăn lặng lẽ, con lớn không ỷ lại bắt nạt giành phần ăn với mèo nhỏ.

Bà nói, lũ mèo như biết thân phận nên thương nhau. Bà lượm mèo nhỏ về nuôi chúng hòa nhập với bầy mèo lớn rất nhanh, còn lũ mèo lớn ít khi nào cắn, hiếp đáp mèo con.

Lũ mèo xúm xít trong nhà

Bà Hoàng nói, hiện bầy mèo đã trên 70 con, nếu không bị trộm bắt, xe cán hay chó vồ chết thì bầy mèo trên cả trăm con. Trong bầy mèo bà cưng con mèo cái lai có màu xám xầy nhìn rất đẹp nên đặt tên nó là Xám Sầy.

Nhiều người thấy con mèo đẹp quá nên trả giá mua con nó 10 triệu đồng nhưng bà cười cười từ chối, bởi bà nuôi mèo chứ không bao giờ bán. Bà nhẩm tính, 1 năm nuôi mèo tốn kém tiền thức ăn, tiền thuốc men cho mèo gần cả trăm triệu đồng.

Chăm sóc bầy mèo cực khổ, tốn kém nhiều tiền không mạng lại lợi lộc gì nhưng bà Hoàng chưa bao giờ đem mèo bỏ gì sợ không ai nuôi chúng bị đói khát hay bị chó cắn chết. Ngay cả những con mèo bệnh nặng, những con mèo bị xe gắn máy cán bị thương nặng bà vẫn không bỏ rơi, nuôi chúng cho đến lúc cuối đời.

Như con Lết, mới 3 năm tuổi, 3 tháng trước bị xe tải cán gãy 2 chân sau không đi được chỉ lê lết quanh sân nhà. Tới giờ ăn, ngày 2 buổi, bà Hoàng lại đem cơm cá đến cho nó ăn…

Bà tâm sự: “Tôi và chồng con còn hơi sức là còn nuôi chúng, không để chúng đói. Có nhiều người xin mèo về nuôi nhưng tôi không cho, phần gì quyến luyến chúng, phần vì sợ người ta xin về bỏ đói hay bạc đãi, tội nghiệp chúng. Chưa kể, có người xin nói là mang về nuôi, nhưng bắt được mèo là họ đem bán lấy tiền, còn mèo thì bị làm thịt”.

Con mèo cưng của bà Hoàng, có người trả giá 10 triệu đồng

Có lẽ nhờ tấm lòng với mèo này mà quán ăn của bà Hoàng luôn đắt khách hàng. Cũng nhờ quán ăn này mà bà Hoàng nhẹ bớt phần ăn nuôi mèo, bởi bà sử dụng thức ăn thừa cho mèo ăn. Bà kể, từ lúc nuôi mèo hoang, khi mèo cái đẻ chúng đều tìm cách mang cục nhau (nhau thai) đến tặng bà như để đền ơn nặng cưu mang.

Theo quan niệm của nhiều người, thì nhau mèo đem lại rất nhiều may mắn cho người nhận được nó… Bà trân trọng cất giữ, và gom lại đã được khoảng 15 cái nhau.

Chuyên gia thú y Nguyễn Tấn Phát (thành viên Hội Bảo vệ động vật chó - mèo) cho biết: “Nhau mèo được ứng với sự may mắn, có lẽ do quan niệm cái gì hiếm thì quý. Nhau mèo là bộ phận đặc biệt ở dạ con, có chức năng trao đổi chất dinh dưỡng giữa cơ thể mèo mẹ và thai mèo. Nhau mèo có kích thước rất nhỏ, bề ngang khoảng 2 ngón tay.

Trên thực tế, mèo đẻ xong sẽ ăn sạch nhau nên khó kiếm được. Thỉnh thoảng chỉ có một vài trường hợp lấy được nhau mèo do mèo mẹ chưa ăn kịp. Nếu nói lần nào mèo đẻ cũng lấy được nhau và sở hữu hàng chục cái là rất hiếm và khó tin!”.

Phi Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người đàn bà nặng nợ với… mèo hoang