Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được xem là cơ hội lớn giúp Việt Nam tăng trưởng GDP, thúc đẩy xuất khẩu...Với doanh nghiệp, lợi ích đến từ hiệp định này là rõ ràng, không bàn cãi. Còn đối với người dân, hiệp định này mang lại lợi ích gì?.. là điều luôn được dư luận quan tâm thời gian qua.

Người dân được lợi gì từ Hiệp định EVFTA?

20/04/2020, 11:59

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được xem là cơ hội lớn giúp Việt Nam tăng trưởng GDP, thúc đẩy xuất khẩu...Với doanh nghiệp, lợi ích đến từ hiệp định này là rõ ràng, không bàn cãi. Còn đối với người dân, hiệp định này mang lại lợi ích gì?.. là điều luôn được dư luận quan tâm thời gian qua.

Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ tăng việc làm và tiền lương cho lao động Việt Nam - Ảnh: minh họa

Với người dân, Bộ Công Thương cho biết về góc độ trực tiếp, EVFTA sẽ tác động tích cực đến lao động, việc làm, và an sinh xã hội. Cụ thể, EVFTA dự kiến sẽ tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU.

Các lĩnh vực sẽ được tăng thêm việc làm như: dệt may tăng 71.300 năm 2025 và 72.600 năm 2030, mức tăng tương ứng so với năm 2018 lần lượt là 1,2%, 2,3% và 2,4%. Trong khi đó, ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030. Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không tăng 1,5% vào năm 2025, vận tải thủy tăng 0,9% vào năm 2025.

Bộ Công Thương nhìn nhận EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm mà còn có khả năng tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI. Theo tính toán, mức lương của người lao động tại các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng gần 1% so với doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, do các nền kinh tế của các nước thành viên EU đều phát triển ở trình độ cao hơn Việt Nam và mang tính bổ sung đối với nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu từ các nước EU phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên với một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, Việt Nam có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia EVFTA.

Hiệp định EVFTA theo kế hoạch sẽ được Quốc hội xem xét phê chuẩn vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIV. Bộ Công Thương hiện đã hoàn tất bộ hồ sơ trình Chính phủ và Chính phủ cũng đã trình Chủ tịch nước để xem xét, quyết định trình Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA theo đúng các quy trình, thủ tục của luật hiện hành.

Để có thể đón đầu tốt những cơ hội từ thị trường EU, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định EVFTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và cam kết của EU, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Bên cạnh đó là các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất.... Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ và về tiêu chuẩn kỹ thuật của EU.

"Từ đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh, do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào thị trường EU", Bộ Công Thương cho hay.

Theo Hiệp định EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất trong các hiệp định FTA mà Việt Nam đã được ký kết.

Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân được lợi gì từ Hiệp định EVFTA?