Dù biết tiền điện được tính theo cách tăng lũy kế, tức xài càng nhiều trả tiền càng nhiều, nhưng người dân miền Tây vẫn còn rất nhiều thắc mắc khi tiền điện tháng 4.2020 tăng một cách khó hiểu. Giữa dịch COVID-19, người dân càng bức xúc khi rút hầu bao trả tiền điện.

Người dân miền Tây ‘méo mặt’ đóng tiền điện

21/04/2020, 06:07

Dù biết tiền điện được tính theo cách tăng lũy kế, tức xài càng nhiều trả tiền càng nhiều, nhưng người dân miền Tây vẫn còn rất nhiều thắc mắc khi tiền điện tháng 4.2020 tăng một cách khó hiểu. Giữa dịch COVID-19, người dân càng bức xúc khi rút hầu bao trả tiền điện.

Tiền điện tăng trong thời điểm dịch COVID-19 gây nỗi bức xúc trong người dân - Ảnh: minh họa

“Xài điện cũng nhiêu đó, sao mà tiền tăng quá trời!”

Miền Nam đang vào mùa nắng nóng, trong mỗi căn nhà khi có người, chiếc máy quạt hay điều hòa phải hoạt động liên tục để giải nhiệt. Nhưng đó, không hoàn toàn là nguyên nhân để giá điện tăng một cách khó hiểu như thực trạng hiện nay. Câu chuyện tăng giá điện được bàn khắp nơi và đặc biệt là trên mạng xã hội..

Chị Lê Ngọc Thanh, ngụ P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, trình bày, nhà chị chỉ có 2 vợ chồng và 1 con nhỏ gần 3 tuổi. Hằng ngày chồng chị đi và về nhà 2 lần trưa - tối, còn chị ở nhà trông con. Ngoài ra vợ chồng chị cũng có 5 phòng trọ cho sinh viên thuê, nhưng do tình hình dịch bệnh, sinh viên về quê đã hết. Vậy mà tiền điện tháng 4 lại tăng một cách khó hiểu.

Giấy báo tiền điện của gia đình chị Thanh thể hiện giá điện tăng gấp đôi - Ảnh: Thanh Nguyên

Tin nhắn báo tiền điện của vợ chồng chị Thanh thể hiện hồi tháng 3.2020 (trả cho một phần tháng 2 và khoảng 10 ngày của tháng 3 - PV) là 282 kw với số tiền hơn 620.000 đồng. Đến kỳ tháng 4.2020 thì vọt lên hơn 500 kw với số tiền hơn 1.100.000 đồng.

“Sinh viên ở các phòng trọ của tôi đã về quê từ đầu tháng 3 đến nay chưa quay trở lại. Nhà tôi vẫn sinh hoạt bình thường, không có thêm bất cứ thiết bị điện nào mới. Vậy số tiền tăng gấp đôi, vậy là từ đâu?”, chị đặt vấn đề.

Việc chỉ mới tháng trước tháng sau mà tiền điện tăng bất thường được nhiều người phản ánh và bức xúc. Anh V. ở P.Thường Thạnh, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ, thốt lên:

“Không hiểu điện lực tính giá như thế nào”. Anh cho biết, tháng 1.2020 gia đình anh trả hơn 310.000 đồng tiền điện, tháng 2 là hơn 280.000 đồng, tháng 3 là hơn 370.000 đồng thì tháng 4 vọt lên gần 530.000 đồng.

“Giấy báo tiền điện thể hiện gia đình tôi sử dụng điện nhiều hơn. Nếu tính đúng như số kwh ghi trong giấy báo thì không sai. Nhưng gia đình tôi vẫn sinh hoạt bình thường như vậy thì làm gì để xài điện nhiều hơn?”, anh V. đặt vấn đề.

Giấy báo tiền điện của gia đình anh V. cũng tăng bất thường trong tháng 4.2020 - Ảnh: Thanh Nguyên

Số tiền điện của anh V., chị T. chỉ là sinh hoạt bình thường trong gia đình, còn đối với cơ sở sản xuất thì lại khủng hơn rất nhiều. Anh L. ngụ TT.Ngã Sáu, H.Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, đã tức muốn “nổ đom đóm mắt” khi nhận giấy báo tiền điện hơn 50.000.000 đồng vào tháng 4 này.

Anh cho biết, gia đình có 1 xưởng may nhỏ với vài chục công nhân làm việc mỗi ngày. Hàng tháng, anh đóng từ trên 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tùy theo tháng hàng nhiều hay ít. “Chứ không có tháng nào mà nhảy vọt một cái lên hơn 50.000.000 đồng như thế này. Tôi không hiểu nổi và đã khiếu nại lên điện lực của tỉnh, đến nay vẫn chưa có trả lời”, anh L. nói.

Khi thấy giá điện “nhảy múa”, nhiều người dân mới hoảng hồn tìm giấy báo tiền điện của những tháng trước ra để so sánh, có người chạy ra đồng hồ điện để tìm kiếm sự bất thường thì cũng không phát hiện được gì. Hơn nữa, ở một số khu dân cư, đồng hồ điện được đặt tập trung, nhân viên ngành điện cũng đã ghi chỉ số điện từ xa không còn phải gõ cửa từng nhà nữa.

Giá điện - chuyện muôn năm cũ

Cách đây hơn 1 năm, Điện lực Việt Nam cũng đã gây sóng trong dư luận với đợt tăng giá bán lẻ 8,36%, bắt đầu từ ngày 20.3.2019. Dù tuyên bố chỉ tăng 8,36% thế nhưng số tiền mà người dân phải trả mỗi tháng tăng thực tế gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Cách tính giá điện xài càng nhiều tốn tiền càng nhiều đang đưa hàng triệu người dân sử dụng điện vào mê cung rối rắm. Người dân chỉ có thể lựa chọn có sử dụng điện hay không, và sử dụng thì phải trả tiền.

Ngành điện có biểu giá bán lẻ chia ra cụ thể cho từng đối tượng với các mức giá khác nhau. Đối với giá bán lẻ cho các đối tượng sinh hoạt bình thường sẽ có 6 bậc với 6 mức giá khác nhau cho mỗi kwh. Bậc 1 cho 50 kwh sử dụng đầu có giá 1.678 đồng, bậc 2 từ 51 đến 100 kwh tiếp theo có giá 1.734 đồng, bậc 3 từ 101 đến 200 kwh có giá 2.014 đồng, bậc 4 từ 201 đến 300 kwh có giá 2.536 đồng, bậc 5 từ 301 đến 400 kwh có giá 2.834 đồng, bậc 6 từ 401 trở lên có giá 2.927 đồng. Giá tiền trên được tính cho 1 kwh sử dụng.

Với cách tính giá điện như thế này khiến người dân vô cùng bức xúc, đó là chưa kể đến một bộ phận người dân sử dụng điện câu đuôi như sinh viên, công nhân ở trọ… Họ phải trả tiền điện theo như chủ trọ quy định. Điện luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống của người dân. Chính vì lẽ đó, người dân nên được quyền lựa chọn nhà cung cấp điện chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào 1 đơn vị cấp điện như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, như bây giờ.

Tiền điện tăng được bàn sôi nổi trên mạng xã hội - Ảnh: Thanh Nguyên

Để trả lời cho việc tiền điện tăng giá trong tháng 4 này, Tổng Công ty Điện lực miền Nam vừa có phúc đáp gửi đến các “thượng đế” của mình với nội dung cho rằng tiền điện tăng là do… thời tiết và người dân ở nhà nhiều. Điện lực miền Nam cho rằng, tại nhiều khu vực, nhất là các tỉnh phía Nam, theo quy luật thời tiết thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng.

Điển hình như tháng 3.2020 còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ. Trong thời gian này, các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn.

Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó. Cụ thể, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3.2020 tăng tới 8,55 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng TP.Hà Nội tăng 17% và TP.HCM tăng 13%. Một số tỉnh khu vực phía Nam như: Bến Tre tăng trên 9%, Tây Ninh tăng gần 6%, Trà Vinh tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2019.

Với cách trả lời như vậy của Điện lực miền Nam, không thể làm hài lòng các “thượng đế” đang mua điện được. Vì rất nhiều hộ gia đình không có nhiều thiết bị làm mát, không ở nhà nhiều để tránh dịch cũng dễ dàng so sánh được giá tiền điện của tháng này và những tháng trước đó. Việc tiền điện tăng chỉ có đơn vị bán điện là hiểu được và họ có muốn giải thích với các khách hàng của mình hay không.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, ở P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, nói: “Sao đổ cho việc giãn cách xã hội chỉ trong tháng rồi được? Con tôi, từ tết đến giờ ở nhà, vì trường đại học cho nghỉ phòng chống dịch. 2 tháng nay, nó đều xài điện, chứ đâu riêng mới đây”.

Thanh Nguyên

Bài liên quan
Tính giá điện hai thành phần, người dân liệu có lợi?
Giới chuyên gia nhận định khi được áp dụng, giá điện hai thành phần sẽ phát tín hiệu cho nhà sản xuất đảm bảo bù đắp chi phí vật tư và vận hành. Người dùng cũng biết mức sử dụng điện để điều chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân miền Tây ‘méo mặt’ đóng tiền điện