Thủ tướng nhìn nhận, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn so với phiên họp trước, cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.
Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 20.4.
Thủ tướng đánh giá cao các địa phương đã vào cuộc quyết liệt, Ban Chỉ đạo quốc gia đã huy động trí tuệ của các chuyên gia, tham khảo nhiều ý kiến khác nhau để đưa ra chủ trương, biện pháp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và xử lý các vấn đề cụ thể.
Thủ tướng nhìn nhận, tình hình dịch bệnh có chuyển biến tốt hơn so với phiên họp trước, cần phải nới lỏng từng bước nhưng phải có kiểm soát đúng mức để không có tình trạng chủ quan, coi thường mà dịch bệnh có thể quay lại.
Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15.4 cho đến khi có chỉ đạo mới, dự kiến sẽ được đưa ra trong cuộc họp ngày 22.4. Tại cuộc họp tới, các nhóm địa phương nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp cũng sẽ được xem xét để điều chỉnh. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia báo cáo Thủ tướng về các nhóm nguy cơ này tại cuộc họp 22.4 để “chốt” lại. Nếu tình hình an toàn thì nhiều địa phương có thể được hạ thấp nguy cơ.
Thủ tướng lưu ý, khả khả năng lây nhiễm vẫn còn cao, tất cả các địa phương, hệ thống chính trị cũng như người dân vẫn phải tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng, chống dịch là phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả.
Từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, Thủ tướng nhắc lại, không được lơ là, chủ quan, thoả mãn.
Việc thực hiện biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 là đúng đắn, là giải pháp quan trọng trong ngăn ngừa dịch bệnh thời gian qua nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách.
Các biện pháp như đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung đông người khi không thật sự cần thiết, rửa tay thường xuyên… vẫn phải tiếp tục thực hiện.
Về các kiến nghị của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế sửa đổi Nghị quyết số 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 (theo hướng tăng cường xuất khẩu trên cơ sở chúng ta đã có cơ số dự trữ cần thiết).
Thủ tướng nhất trị việc tiếp tục giao nhiệm vụ cho Tổ 4 người (gồm Thứ trưởng các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng) phối hợp quyết định cho phép các chuyến bay đơn lẻ đón người về Việt Nam, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nhu cầu về nước của công dân Việt Nam, khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly và tổ chức các chuyến bay.
Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xác định cấp độ nguy cơ cụ thể của từng huyện, xã, thậm chí thôn, bản, khu vực dân cư địa phương và có hình thức áp dụng các biện pháp phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh tại địa phương.
Sẵn sàng ‘chung sống an toàn’ nhưng tuyệt đối không chủ quan
Trước đó, tại cuộc họp sáng 20.4, Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận một số nội dung chính: Khám chữa bệnh an toàn; đi học an toàn, đi lại an toàn; sản xuất, kinh doanh an toàn; du lịch an toàn…
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đề nghị các bộ ngành khẩn trương rà soát, bổ sung, cập nhật hoặc ban hành thêm các hướng dẫn, quy định để sẵn sàng “chung sống an toàn” nhưng tuyệt đối không chủ quan. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh trách nhiệm của các địa phương là hết sức quan trọng.
Mọi lĩnh vực, hoạt động đều phải có người chịu trách nhiệm
Các ý kiến cho rằng phải có sự điều chỉnh trong chỉ đạo để thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh. Mục tiêu là phải chung sống tuyệt đối an toàn, nhất định không được chủ quan, nhưng cũng tận dụng thời cơ kiểm soát được dịch bệnh để phát triển sản xuất, kinh doanh. Mọi lĩnh vực, hoạt động đều phải có người chịu trách nhiệm
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay các cơ sở y tế thực hiện biện pháp cao nhất trong phân luồng, tổ chức khu vực riêng biệt tiếp đón người đến khám, chữa bệnh, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cho nhân viên y tế, coi tất cả người đến khám là có nguy cơ lây nhiễm… tiến hành sàng lọc, xét nghiệm, đặc biệt là những người có triệu chứng ho, sốt, cúm. Bộ Y tế đã lập 2 đoàn thanh tra để kiểm tra, giám sát tất cả bệnh viện thuộc Bộ, phối hợp với các sở y tế để giám sát các cơ sở y tế địa phương, chấn chỉnh ngay những trường hợp không tuân thủ đầy đủ.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục rà soát thật chặt chẽ tất cả quy định liên quan đến tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Chính quyền địa phương căn cứ vào hướng dẫn của ngành y tế có quy định bổ sung và Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm.
Ban Chỉ đạo nhấn mạnh trách nhiệm rất lớn của Bộ Công Thương đối với việc xây dựng, ban hành hướng dẫn sản xuất, kinh doanh an toàn cho các DN, đơn vị sản xuất, nhà máy, xí nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng việc duy trì hoạt động của các DN lớn thời gian qua là kinh nghiệm tốt để các DN khác tham khảo trước khi tổ chức sản xuất lại. Bộ Công Thương đã yêu cầu các DN xây dựng lại quy trình sản xuất kinh doanh, làm việc, đi lại, bảo đảm khoảng cách an toàn… trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Tuy nhiên, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo nêu thực tế các DN vừa và nhỏ, những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do, người bán rong… sẽ gặp rất nhiều khó khăn để có thể bảo đảm tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn, quy định an toàn khi hoạt động, làm việc trở lại.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn dự phòng COVID-19 trong cơ sở sản xuất; xây dựng bảng điểm về phòng, chống dịch bệnh trong nhà máy, xí nghiệp… Mặc dù vậy, để bảo đảm các DN thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh Bộ Công Thương phải tổ chức các đoàn kiểm tra, đồng thời, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, giám sát đơn vị sản xuất trên địa bàn.
Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ y tế đối với công nhân tại các khu nhà trọ; giám sát điểm trên các nhóm công nhân…
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương có văn bản chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn. Cụ thể đối với loại hình nhà máy, công xưởng cần hướng dẫn từ lúc công nhân đi vào, giao nhận ca, ăn uống, đến khi tan ca, đưa đón…. Tuỳ vào điều kiện thực tế, địa phương có thể bổ sung các quy định, hướng dẫn, bảo đảm cụ thể, đầy đủ, không được bỏ sót, bỏ lọt.
Bộ LĐ-TB&XH phải có quy định, hướng dẫn khung về đảm bảo an toàn cho người lao động tại các cơ sở sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp, hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, lao động tự do...
Đặc biệt, địa phương chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn, phòng, chống dịch đối với hoạt động của nhóm các siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ (ví dụ như sửa xe máy, cắt tóc…), lao động tự do, người bán hàng rong… trên địa bàn.
Bộ Công Thương cũng cần rà soát, bổ sung hướng dẫn, quy định để bảo bảo hoạt động lưu thông hàng hoá, tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Đồng thời, tiếp thu các vướng mắc khó khăn, kiến nghị của hệ thống phân phối để đề xuất hướng xử lý, hỗ trợ kịp thời.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn về bảo đảm an toàn trong các công sở, văn phòng…
Ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào giám sát
Thảo luận về nội dung đi lại an toàn, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết Bộ sẽ rà soát lại các hướng dẫn trước đây về bảo đảm an toàn trong hàng không, xe khách liên tỉnh, xe taxi…, cập nhật thêm các biện pháp phòng, chống mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế, và tuỳ theo các tỉnh sẽ có hướng dẫn trực tiếp.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và một số thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng để kiểm soát, đảm bảo hoạt động đi lại an toàn ngoài những biện pháp thông thường như kiểm tra trực tiếp thì cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giám sát sự tuân thủ quy định phòng, chống dịch trên các phương tiện giao thông như lái xe phải đeo khẩu trang, chở đúng số lượng hành khách (giảm khoảng 50% so với trước), khử khuẩn phương tiện sau khi khách xuống xe… Hành khách cũng có thể phản ánh việc tuân thủ quy định phòng dịch trên phương tiện giao thông bằng cách sử dụng phần mềm ứng dụng.
“Không chỉ đi lại an toàn mà đi học an toàn, làm việc an toàn, du lịch an toàn, khách sạn an toàn… đều có thể ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giám sát việc tuân thủ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Về vấn đề đi học an toàn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết bên cạnh hướng dẫn đã được ban hành trước đây về đi học an toàn, trường lớp an toàn, Bộ sẽ phối hợp với ngành y tế để bổ sung các biện pháp mới như đeo khẩu trang khi đi học, trong lớp học; chia nhỏ các lớp, học theo ca, bảo đảm khoảng cách an toàn cho học sinh trong lớp học. Bộ GD&ĐT cũng có hướng dẫn khung về chương trình, năm học để các địa phương có căn cứ triển khai, kết hợp học tại lớp và học trực tuyến.
Tương tự, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ thông tin các hướng dẫn về du lịch an toàn dành cho khách du lịch, hướng dẫn viên, công ty lữ hành, vận tải du lịch, khách sạn, điểm đến, cơ sở dịch vụ… do Bộ này ban hành trước đây sẽ được bổ sung thêm các biện pháp mới theo hướng dẫn chung của ngành y tế. Đồng thời, Bộ VHTT&DL chuẩn bị sẵn sàng các hướng dẫn đảm bảo an toàn cho các cơ sở du lịch, khu vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao… khi các cơ sở này được phép hoạt động trở lại.
Yêu cầu các bộ ngành khẩn trương rà soát, bổ sung hoặc ban hành thêm các hướng dẫn với những tiêu chí cơ bản, sẵn sàng cho “chung sống an toàn”, tuyệt đối không chủ quan, Ban Chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát và bổ sung thêm quy định cụ thể, chi tiết hơn tuỳ điều kiện địa bàn. Chúng ta không được bỏ sót, bỏ lọt lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng, hoạt động không có người chịu trách nhiệm.
Theo Chinhphu.vn