Những cơn lũ bất thường giữa tháng 12.2016 đã cướp đi bao sinh mạng người dân miền Trung. Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, hàng ngàn người cũng đang lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi hoa màu cho dịp Tết bị cuốn trôi sạch.

Người dân Quảng Nam, Đà Nẵng mất Tết vì lũ

Lê Đình Dũng | 19/12/2016, 15:42

Những cơn lũ bất thường giữa tháng 12.2016 đã cướp đi bao sinh mạng người dân miền Trung. Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, hàng ngàn người cũng đang lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi hoa màu cho dịp Tết bị cuốn trôi sạch.

Làm bao nhiêu lũ cuốn bấynhiêu

Số liệu mới nhất do đợt mưa lũ từ ngày 13.12 đến nay ở các tỉnh miền Trung cho hay đã có 19.128ha lúa; 9.806ha hoa màu và 3.778ha cây trồng hàng năm bị ngập, hư hại. Nước lũ đã phá hỏng 74.750m kênh mương; 23.540m đê bối, bờ bao bị sạt lở; 5.946 m3 đất, đá kênh mương bị cuốn trôi.

Ở khắp các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận, 1.381 con gia súc bị cuốn chết; 62.346 con gia cầm bị trôi mất; trong đó tỉnh Bình Định: 55.900 con, Phú Yên: 3.901 con, Khánh Hòa: 1.200 con, Gia Lai: 1.345 con.

Tại Quảng Nam, nông dân đang điêu đứng vì đợt lũ chưa từng có này. Tại huyện Đại Lộc, vựa rau lớn của tỉnh Quảng Nam bên sông Vu gia, nơi cung cấp rau quả cho tỉnh và TP.Đà Nẵng, hàng ngàn ha cây trồng đã bị lũ cuốn sạch.

Lũ dồn dập về cuốn trôi làng mạc, nhà cửa

Thôn Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) có tới 300 hộ tham gia sản xuất trên vùng chuyên canh trồng rau quả. Ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch xã cho biết, trận lũ vừa qua vùng chuyên canh rau Bàu Tròn thiệt hại 164 ha, chủ yếu rau quả vụ đông.

Ngoài vùng rau Bàu Tròn, nhiều cánh đồng chuyên canh rau màu của các xã Đại An, Đại Nghĩa, Đại Hồng, Đại Lãnh… ven sông Vu Gia, Thu Bồn bị ảnh hưởng do mưa lớn kết hợp thủy điện xả lũ gây thiệt hại lớn. Riêng xã Đại Hồng bị thiệt hại hơn 200ha cây trồng, rau màu đông xuân các loại, 70% diện tích bị ngập úng là cây đậu phụng, còn lại là cây ớt và các loại cây trồng khác, ước tính thiệt hại gần 4 tỉ đồng.

Cánh đồng Bàu Tròn bị lũ cuốn sạch

Ngao ngán bên cánh đồng trắng nước lũ, ông Huỳnh Văn Bông (thôn Bàu Tròn) kể thảm: “Tính đến nay đã có 3 đợt lũ liên tiếp vào, đợt ngày 5.12 nó vào, rồi đợt ngày 11.12 chưa kịp rút thì ngày 13.12 nó vào tiếp, phá tan hết”.

Theo ông Bông, nhà ông có 7 sào ruộng trồng các loại đu đủ, ớt, đậu xanh, dưa leo. Mỗi sào như vậy chi phí đầu vào mất 4 tiệu đồng. Đợt lũ ngày 5.12, cả thôn bị cuốn trắng, tưởng đã hết lũ nên mọi người tiếp tục đầu tư lại thì bị cuốn sạch những ngày qua.

“Đầu tư từng đó để đến Tết này bán kiếm tiền sắm sửa. Giờ lũ nó cuốn sạch, Tết còn gì nữa”, ông Bông thở dài.

Ở cánh đồng bên kia, vợ chồng ông Phạm Văn Nam đang đi lượm cọc tre và lưới bao ruộng rau. Lũ đã cuốn trôi tất cả nên ông Nam chỉ đi vớt vát được những thứ này tận dụng cho mùa vụ sau.

Ông Phạm Văn Nam tức tối cho rằng thủy điện liên tục xả lũ đã cuốn trôi hết cây cối của người dân

“Nhà tôi 5 miệng ăn, 3 đứa con còn đi học. Cả nhà chỉ trông nhờ vào vụ rau này để tết đến có tiền mà sắm sửa, trang trải. Lũ cuốn hết rồi, tết thảm thôi. Mà giờ có muốn xuống giống cũng không được nữa”, vợ ông Nam buồn rầu.

Ở vùng hạ du xa hơn, các huyện thị như Duy Xuyên, TX.Điện Bàn, TP.Hội An cũng mất trắng nhiều diện tích rau màu.

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT Duy Xuyên, đợt mưa lũ xảy ra vào những ngày đầu tháng 12 đã làm 27ha lúa của người dân các xã vùng đông và gần 280ha hoa màu rau quả tại nhiều địa phương khác bị ngập úng, hư hại nghiêm trọng. Ngoài ra, toàn huyện còn có 2.340m kênh mương và 200m kè chống xói lở bờ sông bị hư hỏng nặng... Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 9,7 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo địa phương này, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến hàng trăm mét kênh mương bị cuốn trôi, ruộng đồng bị ngập nước nhiều ngày khiến người dân không thể làm công tác xuống giống. Chỉ riêng xã Duy Châu đã phải bỏ ra 250 triệu đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Chính quyền và phòng chuyên môn vừa lên phương án khắc phục lũ và triển khai nhanh vụ đông xuân thì lũ mới lại tiếp tục tràn về nên mọi chuyện phải gác lại. Cùng cảnh, bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết trong 2 đợt lũ trước đã có nhiều thiệt hại liên quan đến cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp như các vùng chuyên canh rau sạch, hoa quả.

Tài sản của dân bị nhấn chìm trong lũ

Theo báo cáo mới nhất, mưa lũ đợt mới đây đã làm 531 ha lúa ở tỉnh Quảng Nam bị ngập, úng; 33 ha mạ bị thiệt hại; 3.770 ha rau, hoa màu bị hư hỏng hoàn toàn; 55 con gia súc bị chết.

Thủy điện còn xả thì dân còn khổ

Khắp các cánh đồng Quảng Nam gần 1 tháng nay trắng hều màu nước lũ. Những ruộng rau bầm thối, các vườn cây ăn quả, rau củ bị hư hỏng hoàn toàn. Người dân phờ phạc chạy lũ, nay lại trắng tay khi ngày càng cận kề Tết, bao nhiêu tài sản gieo ra đồng mất trắng.

Mùa Tết năm nay, rau quả ở Quảng Nam sẽ khan hiếm vì bị lũ cuốn trôi hết

Bà Bùi Thị Huệ, thôn Bàu Tròn (xã Đại An) cho biết: “Trận lũ ngày 5.12 đã gây thiệt hại 5 sào rau quả, khoảng 20 triệu đồng tiền giống, phân bón đi tiêu. Lũ mới rút, tui tiếp tục xuống giống được mấy ngày thì lũ lại về, mất trắng”.

“Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, từ việc trang trải nợ nần, lo cho các con ăn học và các khoản chi tiêu khác. Vậy mà mất hết thật rồi chú ạ”, bà Huệ ngậm ngùi.

Cùng cảnh ngộ như bà Huệ, ông Lê Duy Minh tin rằng sau trận lũ đầu tháng cướp đi 6 sào rau sẽ không còn lũ nữa. Vậy là ông vay mượn tiền đầu tư canh tác 4 sào đậu phụng ven sông. Vậy mà hạt chưa kịp nảy mầm, lũ lại tràn về phá sạch. “Chìm hết rồi. Tất cả rồi. Đậu phụng bị thối hết rồi. Cứ mưa lũ như ri chắc gia đình tôi chết đói”, ông Minh đau đớn.

Lũ nhấn chìm tất cả ruộng vườn

Trước tình hình thiệt hại do mưa lũ, UBND tỉnh Quảng Nam đã có kiến nghị ra Chính phủ hỗ trợ mua giống cây trồng cấp cho địa phương phục vụ sản xuất với số tiền 8 tỉ đồng. Tỉnh này cũng đề nghị cấp thêm 20 tỉ đồng để khắc phục hư hỏng công trình thủy lợi.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người dân Quảng Nam, Đà Nẵng mất Tết vì lũ