Do xuất hiện tin đồn tiêu cực liên quan đến dịch COVID-19, từ sáng sớm 14.7, nhiều người dân TP.HCM lại đổ xô đến siêu thị, cửa hàng để chờ gom mua thực phẩm.
Xếp hàng dài chờ mua thực phẩm
Sáng 14.7, thông tin về việc TP.HCM sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa theo phương án đóng cửa toàn thành phố lan truyền trên mạng xã hội. Nội dung kêu gọi người dân mua sắm, tích trữ hàng hóa do các nhân viên giao hàng (shipper) sẽ không thể mua giúp thực phẩm hoặc giao nhận hàng hóa trong những ngày tiếp theo. Tin đồn này dẫn đến việc nhiều người đổ xô đến siêu thị, cửa hàng mua thực phẩm tích trữ, khiến tình trạng khan hiếm thực phẩm.
Tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ngay từ sáng sớm, các quầy thực phẩm tươi sống nhanh chóng được người dân mua hết, dù nhân viên liên tục thêm hàng mới. Tại nhiều cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Bách Hoá Xanh, Vinmart, Co.op Food, Satra Foods... dòng người xếp hàng chờ mua sắm cũng nối dài. Nhiều người mệt mỏi vì phải chạy nhiều siêu thị mới mua đủ đồ ăn cần thiết cho gia đình.
Vào một số thời điểm, nhiều siêu thị phải đóng cửa tạm thời để giải tán bớt đám đông. Một số siêu thị phải nhờ công an phường, cảnh sát giao thông và bảo vệ dân phố tăng cường hỗ trợ, điều tiết tình hình. Đặc biệt, nhiều cửa hàng online cũng đang quá tải đơn hàng.
Trước tình trạng này, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương khẳng định hiện nay, hàng hoá thực phẩm vẫn được TP.HCM cung ứng tới người dân bình thường. Hàng hoá thực phẩm từ các nơi đang được tăng cường, vận chuyển về TP.HCM. Ngành công thương đang phối hợp cùng các doanh nghiệp bổ sung nguồn hàng, tăng hình thức phân phối để đưa hàng hoá đến tận tay người tiêu dùng.
Nguồn hàng không thiếu nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống hệ phân phối đang giảm do tình hình lây nhiễm dịch bệnh diễn ra phức tạp và nhanh chóng. TP.HCM chỉ còn hơn 50 chợ truyền thống hoạt động, nhiều siêu thị, cửa hàng cũng đóng cửa do liên quan đến ca nhiễm COVID-19. Điều này khiến việc cung cấp thực phẩm tươi sống phục vụ tiêu dùng hằng ngày cho người dân đổ dồn lên hệ thống phân phối hiện đại gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Tuy nhiên, các hệ thống phân phối bán lẻ hiện hữu sẽ tiếp tục mở cửa hoạt động bình thường, tăng nguồn cung hàng hoá lên gấp nhiều lần so với thời điểm chưa bùng phát dịch. Đặc biệt, ông nhấn mạnh không có chuyện đóng cửa siêu thị, nông sản thực phẩm không được vận chuyển vào TP.HCM như một số thông tin đồn thổi.
Cần bình tĩnh để ai cũng mua được thực phẩm
Trưa 14.7, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng cho biết lượng thịt tươi, trứng, rau củ quả đã thuận lợi nhập về cho gần 300 các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food tại TP.HCM tăng hơn 30% so với mấy ngày trước. Cộng với lượng dữ trữ lớn về gạo, mì, thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, thịt mát, hàng bình ổn giá… sẽ đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định hơn 3 đến 6 tháng tới.
Sau khi các thủ tục vận chuyển được các cơ quan liên quan gấp rút khai thông, lượng hàng hóa vận chuyển về các siêu thị bước đầu đã tăng lên đáng kể, cơ bản đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân TP.HCM.
Về phương án phân phối hàng hóa, bên cạnh việc bán hàng tại các siêu thị, Saigon Co.op còn tăng cường bán hàng trên các ứng dụng app, trang web https://cooponline.vn/, liên kết với hầu hết các ứng dụng công nghệ của các hãng và còn đang kết hợp các đoàn thể địa phương phát hành phiếu “đi chợ giúp người dân”. Đối với các khu vực phong tỏa, hệ thống này sẽ có phương án kết hợp tổ dân phố lập danh sách đi chợ giúp dân hoặc cung cấp “combo 5 – 10” mặt hàng thiết yếu đến từng gia đình.
“Có thể nói hàng hóa không bao giờ thiếu nhưng hệ thống siêu thị cần có sự phối hợp hỗ trợ mua sắm tiêu dùng hết sức trách nhiệm của từng người dân. Người dân nên mua sắm vừa phải, đúng nhu cầu để hạn chế tắc nghẽn, tuân thủ hướng dẫn an toàn mua sắm tại siêu thị để giảm thiểu nguy cơ, cũng như nên tham gia mua sắm online để giảm tải siêu thị, hưởng ứng giãn cách.
Việc tuân thủ 5K tại các nơi mua sắm nhu yếu phẩm trong giai đoạn này hết sức quan trọng bởi đây là phòng tuyến cung cấp lương thực thực phẩm quan trọng bậc nhất hiện nay. Vì vậy, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo tại các điểm bán này, hoặc các F0 tham gia mua sắm sẽ khiến siêu thị phải đóng cửa rà soát, xét nghiệm toàn bộ.
Thực tế cho thấy dù nhiều lần thực hiện giãn cách nhưng hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm vẫn được duy trì hoạt động xuyên suốt để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân. Thế nhưng, từng đợt giãn cách hầu như đều xuất hiện những thông tin đồn thổi thiếu kiểm chứng khiến người dân hoang mang, từ đó tạo làn sóng tích trữ hàng hóa dồn dập và tập trung đông người khiến hệ thống các điểm cung ứng lương thực thực phẩm đều quá tải, tắc nghẽn cục bộ.
Do vậy, người dân cần yên tâm là lương thực thực phẩm không bao giờ thiếu. Việc quan trọng nhất là cần bình tĩnh, mua sắm vừa phải, cần phối hợp và tuân thủ hướng dẫn của các siêu thị để lương thực thực phẩm được phục vụ đều cho càng nhiều người càng tốt”, đại diện Saigon Co.op thông tin.