Lãi suất cho vay bình quân trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống mức 0,66%/năm, thấp nhất trong vòng 4 tháng gần đây.
Lãi suất liên ngân hàng chạm đáy 4 tháng
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất bình quân liên ngân hàng ngày 20.8 giảm 0,3 - 0,5%/năm so với đầu tháng 8. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm còn 0,66%/năm, 1 tuần còn 0,74%/năm, 2 tuần còn 0,9%/năm, 1 tháng còn 1,21%/năm, 3 tháng còn 2,31%/năm, 6 tháng còn 2,61%/năm. Đây là mức lãi suất cho vay bình quân liên ngân hàng thấp nhất kể từ giữa tháng 4 đến nay, đồng thời đánh dấu tuần giảm thứ 4 liên tiếp của chỉ số lãi suất cho vay này.
Trung tâm Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research cũng ghi nhận xu hướng giảm thêm của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Cụ thể, trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không phát sinh giao dịch mới trên thị trường mở, trong khi các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn của cơ quan quản lý hồi đầu năm tiếp tục được thực hiện, giúp nguồn cung tiền VNĐ trên thị trường cải thiện.
Điều này khiến lãi suất liên ngân hàng tuần qua giảm nhẹ 0,03-0,05%, kết thúc tuần ở mức 0,84%/năm cho kỳ hạn qua đêm và 1,01%/năm kỳ hạn 1 tuần. Các yếu tố trên cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đang duy trì trạng thái dồi dào hơn so với tháng 5 và 6.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc lãi suất liên ngân hàng đi xuống nhờ thanh khoản của hệ thống dồi dào. Tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng trưởng đều đặn trong khi nhu cầu tín dụng giảm sút trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Tiền gửi thậm chí còn tăng hơn giai đoạn trước bởi nhiều doanh nghiệp không hoạt động được hoặc hoạt động cầm chừng, phải đem tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng lấy lãi.
Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn tiếp tục giảm
Thời gian qua, trước khó khăn của các doanh nghiệp và người dân do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn về việc thực hiện giảm lãi suất cho vay và miễn phí dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc các ngân hàng thương mại thực hiện các cam kết giảm lãi suất một cách thực chất. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và có chính sách khuyến khích hoặc hạn chế một số nội dung trong hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm 2022.
Tuần qua, Vietcombank và BIDV đã công bố thêm gói hỗ trợ lãi suất trị giá 1.000 tỉ đồng/đơn vị dành cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, với mức giảm lãi suất 0,3-1,5%/năm. Các chuyên giá tại SSI Research nhận định điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ thời gian tới, trong khi đó lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động.
Trong khi đó, theo chuyên gia Công ty Chứng khoán VN Direct, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Một trong các chính sách mà Ngân hàng Nhà nước có thể áp dụng cho nửa cuối năm nay là nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng.
VN Direct cho rằng với xu hướng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay, cơ quan quản lý có thể nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay của ngành ngân hàng lên mức 13%, cao hơn so với năm 2020. Ngoài ra, với động thái cắt giảm lãi suất cho vay trong tháng 7 của các ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động nửa cuối năm có thể tăng chậm lại, chỉ ở mức 0,1-0,15 %/năm thay vì mức tăng 0,25-0,3%/năm như dự báo ban đầu.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ cởi mở hơn trong việc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng cho năm 2021 là 13%. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng lãi suất tín dụng sẽ giảm hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là đối với các ngành và khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19”, chuyên gia VN Direct dự báo.
Trước đó, trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Sau đó, một số ngân hàng đã thông báo hạ lãi suất cho vay.
Cụ thể, nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã thông báo cắt giảm 0,5-1% lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay hiện hữu của các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, giáo dục, lưu trú và dịch vụ ăn uống.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại tư nhân như ACB, MB Bank, VIB… cũng cam kết cắt giảm lãi suất cho vay từ 0,8-2% đối với dư nợ của các khách hàng bị đại dịch.