Triều Tiên từng rút khỏi vòng loại World Cup 2022 do còn duy trì biện pháp đóng cửa biên giới chống dịch COVID-19. Tuy nhiên đài truyền hình trung ương nước này (KCTV) vẫn phát sóng các trận đấu World Cup – dịp hiếm hoi để người dân nhìn ra thế giới bên ngoài dù vẫn có một số hạn chế.
Thông thường KCTV không phát sóng trực tiếp bất kỳ sự kiện thể thao nào nhằm đảm bảo kiểm duyệt thông tin tuyệt đối. Trận đấu mở màn World Cup 2022 giữa Ecuador và Qatar được phát lại vào sáng 22.11, trong bản tin tối 21.11 đài chỉ tường thuật ngắn gọn về lễ khai mạc và trận đấu.
Theo nhà báo Martyn Williams (Trung tâm Stimson): “Hầu hết chương trình truyền hình Triều Tiên đều tuân theo chỉ thị từ Bộ Tuyên truyền. Thể thao thì không cần phải thế bởi ít rủi ro hơn. Nhưng về lý thuyết phát sóng trực tiếp vẫn tồn tại rủi ro là mang tới cho người dân Triều Tiên hình ảnh mà giới lãnh đạo không muốn họ xem”.
Thử nghiệm phát sóng trực tiếp
Truyền thông Triều Tiên từng thử nghiệm phát sóng trực tiếp và ngay lập tức phải hối hận.
Sau khi đội tuyển quốc gia thi đấu tốt hơn mong đợi trước Brazil ở World Cup 2010, KCTV phát trực tiếp trận đấu giữa Triều Tiên với Bồ Đào Nha. Kết quả là toàn đất nước chứng kiến đội tuyển thua đến 7 - 0. Có thông tin cầu thủ Triều Tiên bị chỉ trích công khai tại Bình Nhưỡng.
Nhà báo BBC Alistair Coleman cho rằng giới chức Triều Tiên đã học được bài học nên không phát trực tiếp sự kiện từ nước ngoài nữa.
Thể thao là chương trình chính
Nhà báo Williams cho biết thể thao, đặc biệt bóng đá, là chương trình chính trên truyền hình Triều Tiên.
“Thể thao đã trở thành chương trình thường xuyên vào buổi chiều trên KCTV. Và kể từ khi thời lượng chương trình được kéo dài vào đầu năm nay thì thể thao cũng được phát vào buổi sáng”, theo nhà báo Williams.
Ngoài giải đấu quốc tế lớn như World Cup hay Olympic, KCTV còn phát sóng giải bóng đá hay quần vợt nước ngoài, chẳng hạn Wimbledon, nhưng muộn hơn vài tuần thậm chí vài tháng do cần chỉnh sửa nội dung không mong muốn và thêm bình luận bằng tiếng Triều Tiên.
Cũng vì lý do trên mà phát sóng trận đấu World Cup 2022 trễ hơn nửa ngày hoặc một ngày. Bản phát sóng làm mờ biểu tượng nhiều nhà tài trợ, trong đó có Coca-Cola.
KCTV lấy nguồn từ nhiều đài Hàn Quốc như SBS, KBS, MBC, khi phát sóng lại cũng làm mờ biểu tượng các nguồn này.
Tuy nhiên ngoài trận mở màn và trận Argentina - Ả Rập Saudi, KCTV lại không xóa biểu tượng nhà đài gốc ở các trận đấu khác. Biểu tượng Coca-Cola cũng hiện rõ trong trận Anh - Iran (có thể do chỉnh sửa thiếu sót).
Ngoài KCTV, người dân Triều Tiên còn có thể xem thể thao trên Sport TV – kênh kỹ thuật số ra mắt năm 2015.
Thể thao và chính trị
Các môn thể thao phù hợp với tư tưởng mà giới chức Triều Tiên tuyên truyền thường có thể tiếp cận với người dân. Nhân vật lập quốc Kim Nhật Thành tại đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần 6 năm 1980 từng yêu cầu phổ biến văn hóa và thể thao để nâng cao thể chất. Thể thao còn từng được đưa vào nội dung tuyên truyền.
Theo một nguồn tin của trang NK News, tình yêu dành cho bóng đá của Triều Tiên có chút giảm sút kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un (một người hâm mộ bóng rổ) lên nắm quyền. Nhưng bóng đá vẫn xuất hiện thường xuyên trên truyền hình.
Hai nhà báo Williams và Coleman cho biết ngoài phù hợp với tư tưởng giới chức tuyên truyền, thể thao còn được đánh giá ít liên quan đến chính trị nên an toàn khi cho người dân xem hơn.
Dù cởi mở với thể thao, Triều Tiên vẫn giữ thái độ thù địch với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Trận đấu có Hàn Quốc hay Nhật đá trong khuôn khổ World Cup 2014 đều không được KCTV phát sóng, trận đấu Bỉ - Nhật tại World Cup 2018 cũng vậy.
Ở kỳ World Cup hiện tại, trận Mỹ - xứ Wales không được phát sóng. Những trận đấu có Hàn Quốc hoặc Nhật chắc chắn chịu số phận tương tự.