Việc lan truyền nhanh chóng coronavirus ở Trung Quốc đã kéo theo sự thiếu hụt nguồn lực y tế đang khiến người dân Trung Quốc phải tìm đến những cách chữa trị chưa được kiểm chứng khác như y học cổ truyền, hay lùng sục người bị HIV để xin thuốc điều trị. Dẫn đến cơ hội kiếm lời của một số bộ phận.
Tính tới thời điểm này, số các ca nhiễm coronavirus tại Trung Quốc đã lên con số gần 30.000 hầu hết ở thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc. Tổng số người thiệt mạng tại Trung Quốc do dịch bệnh tăng lên 563 và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Một số chuyên gia longại rằng sự thiếu hụt dụng cụ xét nghiệm dẫn đến khả năng có nhiều ca nhiễm vẫn chưa được phát hiện và công bố. Giới chức y tế Trung Quốc cho biết, hiện vẫn chưa có cách chữa trị hiệu quả cho dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng coronavirus mới gây ra.
Mặc dù chưa có bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết thuốc lopinavir, ritonavir (được bán dưới tên thương mại là Kaletra) dùng trong điều trị và phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS, có thể được sử dụng cho bệnh nhân nhiễm coronavirus, nhưng không đề cập tới cách chúng giúp ích ra sao.
Điều này đã tạo ra một cơn sốt thuốc điều trị HIV, đặc biệt đối với thuốc Kaletra, còn được gọi là Aluvia ở thị trường Trung Quốc. Aluvia được sản xuất và phân phối bởi AbbVie -một công ty dược phẩm sinh học có trụ sở tại Mỹ. Theo Reuters, công ty AbbVie cho biết hồi tháng trước rằng Trung Quốc đang thử nghiệm nó như là một phương pháp điều trị các triệu chứng coronavirus.
Giới chức y tế Trung Quốc cảnh báo rằng Kaletra vốn là thuốc bán theo toa, tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn và tổn thương gan. Bất chấp những khuyến cáo, nhiều người vẫn đổ xô đi mua và săn lùng thuốc từ những người đang bị nhiễm HIV. Động thái này đã tạo nên một cơn sốt thuộc trị HIV chưa từng có, mở ra không ít cơ hội kiếm tiền cho một số người.
Ngoài ra, một số phương pháp điều trị y học cổ truyền Trung Quốc cũng được áp dụng để chống lại coronavirus. Dù trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng không có phương pháp điều trị nào có hiệu quả đối với bệnh viêm phổi cấp do coronavirus, loại bỏ các báo cáo chưa được xác nhận về một đột phá nghiên cứu ở Trung Quốc.
“Không có bằng chứng cho thấy các phương pháp điều trị như vậy giúp chống lại coronavirus”, ông Gauden Galea, đại diện của WHO tại Trung Quốc, nói với Reuters.
Trang Nhung(theo Reuters)