Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao. Nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, rất có thể người mua không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu, gồm cả gốc lẫn lãi.

Người mua trái phiếu có thể mất trắng nếu doanh nghiệp gặp khó

05/07/2020, 12:57

Nhà đầu tư không nên mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao. Nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, rất có thể người mua không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu, gồm cả gốc lẫn lãi.

Nhiều rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh: Internet

Thời gian vừa qua, do ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực bất động sản nên nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực này có xu hướng phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động thêm nguồn vốn. Tuy nhiên, tỷ lệ nhà đầu tư là cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng tăng cao nên tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đầu tư vào loại hình này.

Theo Bộ Tài chính, nếu như cả năm 2019 trên thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp, tổng dư nợ trái phiếu mà nhà đầu tư cá nhân mua chỉ chiếm 8,8% giá trị toàn thị trường thì 4 tháng đầu năm 2020 đã tăng lên 26,8%.

Trong tháng 4.2020, doanh nghiệp bất động sản có lượng phát hành lớn với hơn 9.650 tỉ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm dòng vốn huy động qua kênh trái phiếu của nhóm này đạt trên 29.200 tỉ đồng.

Đáng chú ý, nếu so sánh với gửi tiết kiệm ngân hàng kỳ hạn 12 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ với lãi suất cao nhất hiện nay là 8%/năm thì mua trái phiếu doanh nghiệp thời hạn tương tự sẽ được hưởng lãi suất từ 12%/năm trở lên, một mức lãi rất cao.

Trong khi đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng cho biết khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 5 là 27.061 tỉ đồng. Tính chung tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 5 tháng đầu năm 2020 là 91.616 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, đáng chú ý là các doanh nghiệp bất động sản gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua trái phiếu doanh nghiệp. Còn công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân.

Trước tình trạng này, Bộ Tài chính vừa tiếp tục đưa ra những khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, tổ chức phân phối trái phiếu khi đầu tư, phát hành, cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp. Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong vòng 2 tháng, Bộ Tài chính cảnh báo về vấn đề này.

Theo Bộ Tài chính, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu. Trước khi quyết định đầu tư, cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Đó là các thông tin về tình hình huy động vốn trái phiếu, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu…

“Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, mới nên mua trái phiếu. Không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, bởi có thể không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn”, Bộ Tài chính cảnh báo.

Về phía tổ chức phân phối, Bộ Tài chính khuyến nghị không chào mời phân phối trái phiếu bằng mọi giá cho nhà đầu tư, có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành… Những tổ chức này cũng cần có biện pháp quản lý để tuân thủ đầy đủ, đúng hạn cam kết về mua lại trái phiếu với nhà đầu tư khi phân phối trái phiếu.

Bộ Tài chính nói rằng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát, trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 15.5, Bộ Tài chính cũng đã phát đi thông tin về thị trường trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2020 và đưa ra những khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người mua trái phiếu có thể mất trắng nếu doanh nghiệp gặp khó