Kinh ngạc trước tốc độ tăng giá của nhiên liệu, thực phẩm cùng nhiều mặt hàng gia dụng khác ở Nhật Bản thời gian gần đây, nhà văn tự do Kantaro Suzuki quyết định đối phó lạm phát bằng cách đi bộ.

Người Nhật thay đổi thói quen hàng ngày vì lạm phát

Cẩm Bình | 21/11/2021, 09:30

Kinh ngạc trước tốc độ tăng giá của nhiên liệu, thực phẩm cùng nhiều mặt hàng gia dụng khác ở Nhật Bản thời gian gần đây, nhà văn tự do Kantaro Suzuki quyết định đối phó lạm phát bằng cách đi bộ.

Tăng cân vì không đi ra ngoài trong quãng thời gian chính phủ khuyến khích ở nhà phòng dịch vào đầu năm, nhà văn Suzuki nay lo lắng về số tiền ông phải bỏ ra nếu mua quần áo cỡ lớn hơn.

“Tôi không đủ khả năng đổi hết toàn bộ quần áo, đặc biệt khi giá cả bắt đầu tăng. Vì vậy tôi quyết định đi bộ và chạy bộ”, nhà văn Suzuki chia sẻ.

Còn với bà Yuuki Bando - chủ một doanh nghiệp ở thành phố Tokushima trên đảo Shikoku, nỗi lo lớn nhất là giá nhiên liệu tăng. Bà cân đối chi phí bằng cách mua nhiều loại rau theo mùa có giá hợp lý hơn ở siêu thị.

“Tôi phải dùng ô tô mỗi ngày mà giá nhiên liệu lại tăng đáng kể so với vài tháng trước. Tôi chẳng có lựa chọn nào khác, tôi sống ở vùng nông thôn nên cần ô tô đi làm”, bà Bando cho biết.

Sau hơn 2 thập kỷ giảm phát khiến nhiều doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm để thúc đẩy tiêu dùng, nay người tiêu dùng Nhật cảm thấy sốc khi chi phí sinh hoạt gia đình tăng. Giá cả bắt đầu tăng vào tháng 9 - lần đầu tiên sau 18 tháng. Trang Bloomberg xác định lạm phát cơ bản vào khoảng 1,4%.

njapan.jpg
Người dân Nhật chịu cảnh lạm phát sau hơn 2 thập kỷ giảm phát - Ảnh: SCMP

Doanh nghiệp buộc người tiêu dùng chi trả nhiều hơn, trong số đó có Nisshin Seifun. Công ty sản xuất bột mì này thông báo quyết định tăng giá kèm theo thông tin giải thích bằng biểu đồ tỷ giá USD - yên Nhật và biểu phí vận chuyển gia tăng trên web.

Ngày 12.11, doanh nghiệp thực phẩm hàng đầu Kikkoman thông báo tăng 10% giá nước tương - một thành phần quan trọng trong ẩm thực Nhật. Đây là lần tăng giá nước tương đầu tiên của Kikkoman kể từ năm 2008 đến nay vì chi phí nguyên liệu thô cùng chi phí kho vận tăng. Công ty cũng sẽ tăng giá sữa đậu nành thêm 5-6%.

Một ngày trước đó, ngân hàng Nhật Bản cho biết giá bán buôn trong tháng 10 đã tăng đến 8% so với 1 năm trước - mức tăng mạnh nhất trong hơn 4 thập kỷ. Nguyên nhân do giá dầu thô tăng cao còn đồng yên yếu đi làm tăng chi phí hàng nhập khẩu.

Các hộ gia đình Nhật ghi nhận tiền điện, nước, ga đều tăng gần 11%. Chính phủ nước này cố gắng giảm áp lực lạm phát bằng một gói kích thích kinh tế 448 tỉ USD.

Nhiều nhà kinh tế trấn an người dân Nhật rằng họ không cần phải quá lo lắng vì gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, các quốc gia xuất khẩu nhiên liệu dự kiến tăng sản lượng trong vài tháng tới.

Martin Schulz - nhà kinh tế thuộc đơn vị phân tích thị trường toàn cầu công ty Fujitsu (chuyên cung cấp giải pháp công nghệ doanh nghiệp) - nhận xét Nhật đã tránh được tình cảnh lạm phát nghiêm trọng hơn đang xảy ra như nơi khác đặc biệt là Bắc Mỹ và châu Âu. Ở lĩnh vực năng lượng, chính thói quen chuộng ký hợp đồng dài hạn của các nhà nhập khẩu Nhật giúp kiềm chế giá.

“Nếu lạm phát không phải vấn đề ngắn hạn mà kéo dài quá 2 năm, chúng ta sẽ chứng kiến giá cả tăng hơn nữa. Nhưng theo tôi thì loạt vấn đề trong chuỗi cung ứng sắp được giải quyết vào năm tới khiến giá cả hạ nhiệt. Tôi hy vọng các nhà sản xuất xăng dầu tăng sản lượng vào mùa đông”, theo nhà kinh tế Schulz.

Ông chỉ ra một vấn đề đáng lo khác: “Nhiều doanh nghiệp Nhật đang nhập khẩu với chi phí cao hơn nhưng vì e ngại tư duy giảm phát của người dân nên còn chần chừ chưa chuyển chi phí đó sang người tiêu dùng. Ở châu Âu và Mỹ ghi nhận chi tiêu gia tăng sau khi dịch bệnh qua đi, tuy nhiên tại Nhật mọi người vẫn còn e ngại chi tiêu như thể họ còn sống trong thời kỳ tình trạng khẩn cấp vậy”.

“Nếu chi phí không được chuyển sang người tiêu dùng, lợi nhuận doanh nghiệp có thể chịu thiệt hại lớn. Doanh nghiệp sẽ cẩn thận hơn khi đầu tư, qua đó làm chậm quá trình phục hồi kinh tế”, nhà kinh tế Schulz phân tích.

Ở tỉnh Saitama, bà nội trợ Ayako Ueda dự tính trồng rau trong khu vườn nhỏ cạnh nhà. “Chúng tôi cố ăn uống lành mạnh với rau và trái cây, nhưng tôi nhận ra thay đổi lớn về giá những tuần gần đây. Tôi chưa từng thử trồng rau, tuy vậy vẫn quyết định thử trồng vài loại”, bà Ueda cho biết.

“Tôi cùng chồng còn giảm số chuyến đi chơi cuối tuần vì liên tục thấy tin tức giá nhiên liệu tăng. Chúng tôi mong mọi thứ tốt hơn vào mùa xuân tới”, bà Ueda nói.

Nhà văn Suzuki cũng cắt giảm số chuyến đi chơi cùng vợ lẫn số tiền chi cho đồ uống có cồn: “Chúng tôi đã sống với tình trạng giảm phát hoặc giá cố định quá lâu. Nhưng những người tôi quen biết nay đột nhiên thay đổi cách họ chi tiêu”.

Bài liên quan
Chủ tịch nước gặp Thủ tướng Nhật Bản nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2024
Sáng 16.11 (giờ địa phương), nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Lương Cường đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
28 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Nhật thay đổi thói quen hàng ngày vì lạm phát