Thời gian gần đây, người nuôi gà liên tục kêu lỗ vì giá gà xuất chuồng rẻ như cho. Có thời điểm giá gà tại trại chăn nuôi giảm kỷ lục chỉ còn 8.000 đồng/kg, khiến các hộ chăn nuôi "điêu đứng". Tuy nhiên, một nghịch lý hiện nay là dù giá gà tại các hộ chăn nuôi có giảm bao nhiêu đi nữa thì người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt gà giá cao.

Người nuôi gà kêu lỗ vì giá rẻ 'bèo', người tiêu dùng vẫn phải ăn gà giá cao

15/05/2020, 06:28

Thời gian gần đây, người nuôi gà liên tục kêu lỗ vì giá gà xuất chuồng rẻ như cho. Có thời điểm giá gà tại trại chăn nuôi giảm kỷ lục chỉ còn 8.000 đồng/kg, khiến các hộ chăn nuôi "điêu đứng". Tuy nhiên, một nghịch lý hiện nay là dù giá gà tại các hộ chăn nuôi có giảm bao nhiêu đi nữa thì người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt gà giá cao.

Giá gà tại chuồng liên tục giảm sâu - Ảnh T.N

Giá thịt gia cầm tại các trang trại chăn nuôi những ngày gần đây đang ở mức rất thấp, thậm chí dưới giá thành. Hiện tại, giá gà công nghiệp khoảng 18.000 - 22.000 đồng/kg, gà Tam hoàng 27.000 - 28.000 đồng/kg, gà lông màu chăn thả khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg. Với mức giá trên, người nuôi có lãi rất thấp, thậm chí gà công nghiệp bị lỗ từ 4.000 - 6.000 đồng/kg.

Các hộ chăn nuôi đều nhận định chưa bao giờ giá gà lại bấp bênh như thời điểm hiện tại, nếu gà xuất bán 23.500 đồng/kg thì người chăn nuôi mới hòa vốn, tuy nhiên giá bán liên tục giảm từ cuối năm 2019 khiến các hộ chăn nuôi "điêu đứng". Nhiều hộ chăn nuôi gia cầm ở phía Nam từ đầu năm 2020 đến nay đã lỗ hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, giá thịt gà tại chợ hiện nay bán đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao. Theo khảo sát của PV tại các chợ dân sinh tại Hà Nội ngày 14.5, giá thịt gà công nghiệp bán nguyên con khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg, giá thịt đùi (tỏi) và cánh: 75.000 - 80.000 đồng/kg. Lườn có giá 65.000 - 70.000 đồng/kg. Giá gà ta cũng ở mức cao, khoảng 120.000 -130.000 đồng/kg, chênh lệch so với giá bắt tại chuồng khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg. Tại siêu thị, giá đùi và cánh gà có giá khoảng 100.000 đồng/kg, chân gà 50.000-53.000 đồng/kg...

Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nguyên nhân khiến giá gia cầm giảm sâu trên toàn quốc là do lượng chăn nuôi đang vượt quá nhu cầu tiêu dùng, bởi thông thường vào thời điểm này, đàn gia cầm sẽ tăng cao nhất trong năm với khoảng trên dưới 6%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thừa nhận chưa bao giờ Việt Nam có quy mô đàn gia cầm lớn như hiện nay, lên tới gần 500 triệu con, dự báo trong năm 2020, tổng sản lượng thịt gia cầm ước đạt 1,42 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2019; trứng đạt 14,6 tỉ quả, tăng 9,6%.

GS.TS Nguyễn Duy Hoan - Trưởng Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên Nguyễn Duy Hoan) lý giải thêm, khó khăn về nuôi lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi thời gian qua khiến người chăn nuôi đổ xô vào nuôi gà theo trào lưu chung dẫn tới nguồn cung bị dư thừa như hiện nay. Tuy nhiên, sản lượng nhập khẩu thịt gà thời gian qua liên tục tăng mạnh, khiến giá thịt gà càng giảm sâu hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2020, nước ta đã nhập khoảng 40.000 tấn thịt gà, tăng khoảng 36% so với năm 2019 dẫn tới nguồn cung thịt gia cầm tăng mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại giảm. Các chuyên gia nông nghiệp cũng đưa ra cảnh báo, việc tiêu thụ gia cầm sẽ còn rất khó khăn và người chăn nuôi cũng sẽ gặp nhiều rủi ro trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, GS.TS Nguyễn Duy Hoan đề xuất cơ quan quản lý cần xây dựng chiến lược an ninh thực phẩm song song với an ninh lương thực vì các mặt hàng thực phẩm chiếm tỷ trọng không nhỏ liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, là mặt hàng thiết yếu hàng ngày với mọi gia đình. Bên cạnh đó là sớm đưa mặt hàng thịt gà vào nhóm hàng được nhà nước bình ổn giá. Nghiên cứu thành lập cơ quan dự báo giá cả thị trường sản phẩm nông nghiệp...

Về phía người chăn nuôi, cần chủ động trong việc nắm bắt thông tin dự báo thị trường, giá cả, qua đó quyết định chủng loại, quy mô và thời điểm xuống đàn hợp lý, tránh tâm lý bắt chước đám đông như vẫn tồn tại bấy lâu nay; Chủ động liên kết với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các doang nghiệp giết mổ, bán hàng để hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các thương lái.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người nuôi gà kêu lỗ vì giá rẻ 'bèo', người tiêu dùng vẫn phải ăn gà giá cao