Nữ bệnh nhân Mỹ mắc bệnh bạch cầu khỏi HIV sau khi được cấy ghép tế bào gốc từ một người hiến tặng có khả năng chống lại vi rút gây bệnh AIDS một cách tự nhiên.
Các nhà nghiên cứu cho biết một bệnh nhân Mỹ mắc bệnh bạch cầu đã trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người thứ ba được chữa khỏi HIV sau khi được cấy ghép tế bào gốc từ một người hiến tặng có khả năng chống lại vi rút gây bệnh AIDS một cách tự nhiên.
Trường hợp của một phụ nữ trung niên, được trình bày tại Hội nghị Retroviruses and Opportunisitic Infections ở thành phố Denver (Mỹ), cũng là ca đầu tiên liên quan đến máu cuống rốn, phương pháp mới hơn có thể giúp cho nhiều người được điều trị.
Máu cuống rốn (MCR) còn gọi là máu dây rốn hay máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn máu thai nhi và cung cấp chất bổ cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ, là phần máu còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé.
Kể từ khi nhận được máu cuống rốn để điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính của mình (căn bệnh ung thư bắt nguồn từ các tế bào tạo máu trong tủy xương), người phụ nữ đã thuyên giảm và không có vi rút trong 14 tháng mà không cần đến các phương pháp điều trị HIV mạnh mẽ được gọi là điều trị kháng retrovirus.
Hai trường hợp trước xảy ra ở nam giới, một người da trắng và một người Latinh, đã nhận được tế bào gốc trưởng thành, được sử dụng thường xuyên hơn trong cấy ghép tủy xương.
"Đây hiện là báo cáo thứ ba về việc chữa khỏi bệnh trong bối cảnh này và là báo cáo đầu tiên ở một phụ nữ sống chung với HIV", Sharon Lewin, đồng Chủ tịch của Hiệp hội AIDS Quốc tế, cho biết.
Trường hợp này là một phần của nghiên cứu lớn hơn được Mỹ hậu thuẫn do Tiến sĩ Yvonne Bryson thuộc Đại học California Los Angeles (UCLA) và Tiến sĩ Deborah Persaud thuộc Đại học Johns Hopkins ở thành phố Baltimore dẫn đầu. Nó nhằm mục đích theo dõi 25 người nhiễm HIV được cấy ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn để điều trị ung thư và các tình trạng nghiêm trọng khác.
Các bệnh nhân trong thử nghiệm đầu tiên trải qua hóa trị để tiêu diệt các tế bào miễn dịch ung thư. Sau đó, các bác sĩ sẽ cấy ghép tế bào gốc từ những cá nhân có đột biến di truyền cụ thể, trong đó chúng thiếu các thụ thể được vi rút sử dụng để lây nhiễm tế bào.
Các nhà khoa học tin rằng những cá nhân này sau đó phát triển một hệ thống miễn dịch kháng lại HIV.
Bà Sharon Lewin cho biết cấy ghép tủy xương không phải là một chiến lược khả thi để chữa khỏi cho hầu hết những người nhiễm HIV. Thế nhưng, báo cáo xác nhận rằng có thể chữa khỏi HIV và tăng cường hơn nữa việc sử dụng liệu pháp gen như một chiến lược khả thi để chữa khỏi HIV.
Nghiên cứu cho thấy một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công là việc cấy ghép các tế bào kháng HIV. Trước đây, các nhà khoa học tin rằng một tác dụng phụ của cấy ghép tế bào gốc phổ biến được gọi là bệnh ghép so với vật chủ, trong đó hệ thống miễn dịch của người hiến tấn công hệ thống miễn dịch của người nhận, đóng một vai trò trong việc có thể chữa khỏi HIV.
Bệnh ghép so với vật chủ (GvHD) là biến chứng y khoa sau khi nhận được mô cấy ghép từ một người khác về mặt di truyền. GvHD thường được kết hợp với cấy ghép tế bào gốc như những trường hợp xảy ra với cấy ghép tủy xương. GvHD cũng áp dụng cho các dạng mô cấy ghép khác như ghép tạng rắn.
“Tổng hợp lại, ba trường hợp chữa HIV sau cấy ghép tế bào gốc đều giúp tìm ra các thành phần khác nhau của cấy ghép, những thứ hoàn toàn quan trọng để chữa bệnh”, Sharon Lewin nói.