Omicron trông kỳ lạ, ngay cả đối với các nhà khoa học nghiên cứu các chủng coronavirus.

Omicron tồn tại thời gian dài trong động vật hay người nhiễm HIV trước khi bùng phát?

Sơn Vân | 05/12/2021, 06:25

Omicron trông kỳ lạ, ngay cả đối với các nhà khoa học nghiên cứu các chủng coronavirus.

Biến thể Omicron đã lan rộng đến 40 quốc gia kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên ở phía nam châu Phi khoảng ba tuần trước. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu về số lượng đột biến liên quan của Omicron và liệu nó có dễ lây truyền hơn so với Delta đồng thời khiến vắc xin kém hiệu quả hơn hay không. Hiện tại, đáp án cho các câu hỏi đó đang chờ nghiên cứu.

Omicron không giống các biến thể SARS-CoV-2 thông thường như Alpha hoặc Delta (vẫn đang là biến thể SARS-CoV-2 thống trị trên thế giới). Nó có nhiều đột biến kỳ lạ chưa từng được phát hiện trong các biến thể trước đây. Các nhà khoa học ước tính rằng tổ tiên gần nhất của Omicron có từ giữa năm 2020.

"Đó không phải là con trai hay con gái của Delta. Nó phân nhánh sớm hơn từ con người, vì vậy nó đã ở đâu đó một thời gian? Nơi chứa nó là đâu? Đó là một cá nhân hay một cá thể động vật; một quần thể động vật hoặc quần thể người chưa được lấy mẫu đúng cách?", Andrew Read, nhà nghiên cứu sự tiến hóa của các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), nói với trang Insider.

Các nhà khoa học đang tranh luận về câu trả lời

Một trong những giả thuyết hứa hẹn nhất là Omicron xuất hiện trong một vật chủ bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như người nhiễm HIV chưa được điều trị. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu là nơi chứa các đột biến phổ biến, vì cơ thể của họ thường phải vật lộn để loại bỏ vi rút nên mầm bệnh có thể tái tạo trong nhiều tháng.

"Lý thuyết này có thể giải thích tại sao Omicron lại chứa sự kết hợp đột biến kỳ lạ như vậy", theo Charity Dean, cựu quan chức tại Sở Y tế Công cộng California (Mỹ). Bà Charity Dean nói: “Có nhiều khả năng đây là kết quả của quá trình tiến hóa phân tử liên tục bên trong một vật chủ duy nhất đã tràn vào quần thể”.

omicron-song-trong-co-the-dong-vat-hay-nguoi-nhiem-hiv.jpg
Nhân viên y tế xét nghiệm HIV và giang mai cho một người di cư từ Haiti ở khu đô thị Ciudad Acuna, Mexico vào ngày 25.9 - Ảnh: Reuters

Thế nhưng một số nhà khoa học vẫn chưa sẵn sàng loại trừ ý kiến ​​cho rằng Omicron đã phát triển ở một loài động vật.

Robert Garry, Giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Y khoa Tulane (Mỹ), lưu ý trong tuần này rằng Omicron mang một số đột biến quan trọng có thể giúp coronavirus lây nhiễm ở loài gặm nhấm.

Martin Hibberd, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London, cho biết: “Có thể là vi rút đã di chuyển vào quần thể động vật hoang dã, sau đó chúng quay trở lại. Đó không phải là một giả thuyết điên rồ. Thế nhưng, chúng ta không có nhiều bằng chứng về điều đó".

Các biến thể SARS-CoV-2 khác có thể phát triển ở những người bị suy giảm miễn dịch.

Omicron chứa tổng cộng 50 đột biến, hơn 24 đột biến trong số đó là hoàn toàn mới. Các nhà khoa học cho biết, để phát triển nhiều đột biến đó, vi rút cần có nhiều cơ hội để tái tạo - dấu hiệu cho thấy Omicron có khả năng đã tiến hóa trong vật chủ bị suy giảm miễn dịch.

"Hiện tại, chúng ta không biết rõ bất kỳ chi tiết nào về việc nhiễm trùng có thể tồn tại ở từng cá thể động vật thuộc bất kỳ loại nào, trong khi chúng tôi biết rằng những người bị suy giảm miễn dịch có thể nhiễm trùng mãn tính", Tiến sĩ Andrew Read, người nghiên cứu sự tiến hóa của các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Bang Pennsylvania (Mỹ), nói với trang Insider.

Nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Tạp chí Y học New England cho thấy coronavirus tồn tại trong 5 tháng ở một người đàn ông 45 tuổi mắc hội chứng antiphospholipid, một chứng rối loạn miễn dịch. Trong thời gian đó, nó đã phát triển các đột biến quan trọng được tìm thấy trong các biến thể đáng lo ngại như Delta, Alpha và Gamma.

Hội chứng antiphospholipid hay hội chứng kháng phospholipid (APS hoặc APLS) là bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch sản xuất các tự kháng thể kháng phospholipid trong máu, từ đó tạo ra các cục máu đông trong lòng mạch. Điều này có thể gây nguy hiểm khi có cục máu đông ở chân, thận, phổi và não.

Các nhà nghiên cứu cũng nghi ngờ rằng biến thể Alpha phát triển ở một người bị suy giảm miễn dịch.

Omicron nhắc nhở tôi một chút về cách biến thể Alpha phát sinh ở Anh. Đó là lý do tại sao mọi người nghĩ về điều này có lẽ bắt nguồn từ một bệnh nhân suy giảm miễn dịch", Martin Hibberd nói.

omicron-song-trong-co-the-dong-vat-hay-nguoi-nhiem-hiv1.jpg
Một con chồn đi dọc theo mép nước trong đầm lầy muối Nam Carolina vào ngày 20.1 - Ảnh: Getty Images

Lý thuyết động vật có thể giải thích nguồn gốc ban đầu của biến thể

Các nhà khoa học nói rằng về mặt lý thuyết coronavirus có thể lây nhiễm cho động vật. Các đợt bùng phát dịch COVID-19 ở hươu đuôi trắng vào mùa đông năm ngoái và các trang trại nuôi chồn hương ở Hà Lan vào tháng 6.2020 là bằng chứng về điều đó, mặc dù Martin Hibberd và những người khác vẫn hoài nghi.

Martin Hibberd nói: “Tôi không hiểu tại sao coronavirus lại có cơ hội sống trong động vật dễ dàng hơn người. Chúng tôi đã thấy một chút ở châu Âu với đợt lây nhiễm coronavirus trong chồn và chúng tôi lo lắng về những biến thể đã vượt qua đợt bùng phát dịch đó, nhưng cuối cùng không tỏ ra có lợi thế hơn các chủng hiện tại".

Tuy nhiên, lý thuyết động vật có thể giúp giải thích tại sao các nhà khoa học phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên vào ngày 9.11, khi dòng dõi của biến thể này có từ năm ngoái. Nếu Omicron ẩn nấp trong các loài động vật thì sẽ rất khó phát hiện ra.

Andrew Read cho biết: “Việc giám sát Omicron ở người chỉ mới tăng lên gần đây mà chúng ta đã thấy lúng túng. Việc giám sát động vật còn lâu mới thực hiện được".

Có lẽ đã quá muộn để tìm thấy bệnh nhân số 0. Các nhà khoa học có thể không bao giờ biết nguồn gốc của Omicron.

Bài liên quan
Bệnh tình của 70 ca nhiễm Omicron ở châu Âu: Vi rút này có thành mối đe dọa theo mùa?
Trong số 70 ca nhiễm Omicron được báo cáo ở châu Âu, một nửa số bệnh nhân không có triệu chứng và một nửa có các triệu chứng nhẹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Omicron tồn tại thời gian dài trong động vật hay người nhiễm HIV trước khi bùng phát?