Một người đàn ông 53 tuổi ở Düsseldorf (Đức), đã được các bác sĩ tuyên bố chữa khỏi HIV sau khi cấy ghép tế bào gốc máu để điều trị bệnh bạch cầu.
Người đàn ông này được biết đến với cái tên là "Bệnh nhân Düsseldorf", là người thứ ba trên thế giới được chữa khỏi HIV nhờ phương pháp điều trị này. Ông đã ngừng dùng thuốc kháng vi rút trong 4 năm mà không tái phát bệnh.
"Bệnh nhân Düsseldorf" có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV vào năm 2008. Năm 2011, ông mắc bệnh bạch cầu và được điều trị bằng hóa trị, nhưng bệnh tái phát vào một năm sau đó. Vào năm 2013, các tế bào gốc máu trong tủy xương của người đàn ông tạo ra các tế bào miễn dịch - bao gồm cả tế bào ung thư - đã bị hóa trị tiêu diệt và sau đó được thay thế bằng tế bào gốc máu của người hiến tặng.
Điều quan trọng là các bác sĩ đã tìm thấy một người hiến tặng có đột biến vô hiệu hóa thụ thể CCR5 mà HIV sử dụng để lây nhiễm các tế bào miễn dịch. Việc cấy ghép này đã làm cho hệ thống miễn dịch của người đàn ông này kháng được HIV.
Vào năm 2017, các bác sĩ đã ngừng cho bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn chặn sự đào thải tế bào của người hiến tặng và thuốc kháng vi rút từ tháng 11.2018. Cho đến nay, sức khoẻ của bệnh nhân tiến triển khá tốt.
Hai người khác được điều trị ung thư trước đây đã được báo cáo là đã được chữa khỏi HIV theo cách tương tự. Tuy nhiên, việc cấy ghép không thể trở thành cuộc cách mạng trong việc điều trị HIV cho 37 triệu bệnh nhân trên toàn cầu hiện nay vì đó là một quy trình phức tạp, chứa đựng nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Một phương pháp thay thế đang được khám phá là sử dụng chỉnh sửa gien để biến đổi gien CCR5 trong hệ thống miễn dịch của những người dương tính với HIV.