“Người tiêu dùng chúng tôi rất đơn giản, chỉ mong muốn mua một sản phẩm đáng giá với số tiền đã bỏ ra. Thế nhưng, để làm được việc đó không hề dễ. Tôi bỏ ra 100 đồng nhưng mua lại sản phẩm chỉ đáng 1 đồng".

Người tiêu dùng sính ngoại là do bị lừa nhiều quá

Một Thế Giới | 21/09/2014, 06:19

“Người tiêu dùng chúng tôi rất đơn giản, chỉ mong muốn mua một sản phẩm đáng giá với số tiền đã bỏ ra. Thế nhưng, để làm được việc đó không hề dễ. Tôi bỏ ra 100 đồng nhưng mua lại sản phẩm chỉ đáng 1 đồng".

Ý kiến trên được một người tiêu dùng ngụ tại TP.HCM phát biểu, nhằm trao đổi thẳng thắn với các doanh nghiệp ngay tại hội thảo "Nâng cao niềm tin người tiêu dùng vào sản phẩm và dịch vụ Việt Nam nhằm hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ bền vững", diễn ra ngày 19.9 tại TP.HCM.
Người này còn nói thẳng: "Bây giờ người ta lừa chúng tôi nhiều quá, có nói gì đi nữa tôi cũng không tin ai được. Bây giờ, người tiêu dùng ở trong hoàn cảnh thông tin thì hỗn loạn, người lừa thì nhiều, đi đâu cũng lừa. 
Như người Nhật, trong trận sóng thần mà không ai lấy của nhau cây kim, sợi chỉ mà họ còn bảo vệ cho nhau. Còn ta thì hở ra là lừa nhau ngay. Tôi cảm thấy bi quan và mất niềm tin, cho dù chúng ta có tổ chức nhiều hội thảo như thế này đi nữa. Để người tiêu dùng có lòng tin, hài lòng thì tôi nghĩ “hãy đợi đấy"!". 

Phản biện tại nhận định trên, ông Bùi Việt Hà - chủ nhiệm mạng xã hội Sống xanh nói: “Ý thức người tiêu dùng Việt Nam so với người tiêu dùng các nước phát triển cách nhau rất xa. Bản thân người tiêu dùng cần nâng cao kỹ năng bền vững của cá nhân mình. Khi đi mua đồ cứ hy vọng mua đồ rẻ, không có nhãn mác thì tránh sao được việc doanh nghiệp hay quảng cáo họ lừa. Không muốn người ta lừa thì mình phải trang bị kiến thức trước.

"Bây giờ người ta lừa chúng tôi nhiều quá, có nói gì đi nữa tôi cũng không tin ai được. Bây giờ, người tiêu dùng ở trong hoàn cảnh thông tin thì hỗn loạn, người lừa thì nhiều, đi đâu cũng lừa". 

Xu hướng hiện nay là một bộ phận người tiêu dùng lại tin tưởng vào các sản phẩm thủ công, nhỏ lẻ, sản xuất ở gia đình như xà bông, dầu dừa... của người quen làm hơn là tin tưởng vào các doanh nghiệp lớn. Còn một bộ phận khác thì hoàn toàn không biết tin ai hết. Một người tiêu dùng bình thường không đủ kỹ năng để phân biệt mà muốn biết rõ thì cần sự chia sẻ từ cộng đồng với nhau”.

Tuy nhiên, đại diện công ty thực phẩm Ánh Hồng nói lại: “Chúng ta ai cũng nói người tiêu dùng phải ý thức khi đi mua sản phẩm. Thế nhưng, người tiêu dùng ý thức sao được? Không biết được sao ý thức? Trong số các quyền, người tiêu dùng có quyền lựa chọn. Nhưng phải có hiểu biết mới chọn được. Không biết chọn thì bị lừa, không muốn bị lừa phải giáo dục, tuyên truyền. Và đó không còn là trách nhiệm của doanh nghiệp nữa, mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Quyền của người tiêu dùng thì nhiều, có đến 8 quyền nhưng thực thi đến đâu? Trên thực tế thì đã có các quyền này hay chưa?”.

Đồng quan điểm, một người tiêu dùng khác chia sẻ, ai cũng nói người Việt Nam có tâm lý sính ngoại. Thực chất không phải vậy. Khi người tiêu dùng đi mua hàng thì mua trúng hàng giả, hàng kém chất lượng rồi dần dần mất lòng tin vào hàng trong nước. Như vậy, để đảm bảo chất lượng thì một bộ phận người tiêu dùng chọn mua hàng ngoại.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Patrick Gilabert, trưởng đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp Quốc (UNIDO) tại Việt Nam cho rằng, chính sản phẩm thiếu uy tín nên khách hàng mới thiếu sự tin tưởng. Các doanh nghiệp Việt Nam thiếu sự minh bạch trong việc công bố các sản phẩm. 
Vì vậy, người tiêu dùng thiếu các thông tin khách quan về nguồn gốc, xuất xứ, thành phần sản phẩm. Như thế mới có việc khoai tây Trung Quốc tẩm đất đỏ để đội lốt khoai Đà Lạt hay táo Trung Quốc gỡ bỏ nhãn mác và gắn mác táo Úc, Mỹ...
Con số thực tế lớn hơn nhiều lần
Theo số liệu từ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong năm 2013 hệ thống các văn phòng tư vấn đã tiếp nhận 1.036 vụ và giải quyết thành công 779 vụ khiếu nại.

Đáng lưu ý, số vụ khiếu nại về chất lượng hàng hóa (32%) và bảo hành hàng hóa, chất lượng dịch vụ (27%) chiếm tỉ lệ cao nhất. Kế đến là an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ phẩm và môi trường.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà Việt Nam (AVR) cho rằng con số này là quá ít: "Con số các vụ việc trong thực tế lớn hơn rất nhiều lần”.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
9 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người tiêu dùng sính ngoại là do bị lừa nhiều quá