Ứng dụng mạng xã hội dựa trên âm thanh Clubhouse đã chứng kiến sự bùng nổ của người dùng mới trong tuần trước, bao gồm cả người Trung Quốc thảo luận về chính trị.
Theo công ty phân tích di động Sensor Tower, Clubhouse đã được tải xuống 2,3 triệu lần vào ngày 31.1.2021. Ứng dụng trò chuyện miễn phí nhưng phải có lời mời thì người dùng mới tham gia được.
Lời mời tham gia Clubhouse đang được bán với giá từ 50 - 400 nhân dân tệ (7,73 USD - 69,59 USD) trên các trang thương mại điện tử phổ biến của Trung Quốc.
Do hai người Mỹ là Paul Davison và Rohan Seth phát triển, Clubhouse ra mắt vào tháng 5.2020 và trị giá gần 100 triệu USD. Ứng dụng cho phép người dùng tham gia và tạo các phòng trò chuyện âm thanh công cộng hoặc riêng tư.
Các cuộc trò chuyện không được ghi âm, điều này về mặt lý thuyết đảm bảo quyền riêng tư, song một số cuộc phỏng vấn những người nổi tiếng và những ai có sức ảnh hưởng được bí mật ghi âm và tải lên YouTube.
Những người chấp nhận lời mời ban đầu hầu hết là những nhà công nghệ và đầu tư ở Thung lũng Silicon (Mỹ), nhưng tính chất chỉ được mời của Clubhouse đã tạo ra sức hút khiến hàng loạt nhân vật nổi tiếng Mỹ tham gia, như diễn viên Oprah Winfrey, Ashton Kutcher, Jared Leto và Tiffany Haddish, rapper Drake, nhạc sĩ Azealia Banks.
Lượt tải xuống Clubhouse đã tăng hơn gấp đôi trong 2 tuần qua do các ông trùm công nghệ nổi tiếng như Elon Musk (CEO Tesla và SpaceX) và Mark Zuckerberg (CEO Facebook) tham gia Clubhouse để trả lời các cuộc phỏng vấn và chương trình trò chuyện.
Sau khi Elon Musk đăng tweet rằng ông sẽ phát biểu trực tiếp trên ứng dụng, cổ phiếu Clubhouse đã tăng 117% vào ngày 1.2.
Hiện Clubhouse chỉ khả dụng trên iPhone và vẫn có thể được truy cập ở Trung Quốc đại lục mà không cần sử dụng mạng riêng ảo (VPN) để vượt tường lửa lớn.
Nhiều phòng trò chuyện chuyển sang chế độ riêng tư hoặc đã bị xóa. Cuối tuần qua, hàng ngàn người dùng Trung Quốc đã tham gia các phòng trò chuyện trên Clubhouse để tự do thảo luận về các chủ đề bị coi là cấm kỵ ở nước này như biểu tình ở Hồng Kông, việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ trong Tân Cương, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Nhiều người dùng Trung Quốc chứng kiến cuộc trò chuyện bằng âm thanh trong các phòng trò chuyện của Clubhous đã lên Weibo thảo luận về những gì họ nghe.
Arendt HuTong cho biết đã nghe cuộc trò chuyện giữa người Duy Ngô Nhĩ, nhà báo và người Trung Quốc "chân thành và ôn hòa đến mức khiến anh muốn khóc". Ở cuộc trò chuyện khác, những thanh niên ở Trung Quốc đại lục đã lắng nghe những cập nhật mới nhất từ người dân Hồng Kông và bày tỏ sự đồng tình với họ.
"Với người dùng Trung Quốc, ý nghĩa lớn nhất của hội quán có lẽ là sự giao tiếp không bị kiểm duyệt giữa những người bình thường", Arendt HuTong viết.
Kaiser Kuo (người Mỹ) nói rằng các phòng trò chuyện chứa các bình luận "cực kỳ thẳng thắn". Anh cho biết đã nghe những người Trung Quốc đại lục thảo luận về bằng chứng vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ và liệu những gì chính phủ của họ đang làm có đúng hay không.
Trong khi một số ý kiến bênh vực Trung Quốc và bác bỏ vấn đề, vẫn có những nỗ lực lắng nghe giai thoại của những người khác, những người nói về việc bị giam giữ ở Tân Cương và tịch thu hộ chiếu.
Thế nên khó có khả năng chính quyền ông Tập Cận Bình tiếp tục cho phép truy cập vào Clubhouse lâu dài.
Dù hiện chỉ dành cho những người được mời, Clubhouse đã cung cấp một loạt các hoạt động dựa trên âm thanh, bao gồm dàn DJ trực tiếp, chương trình trò chuyện với người nổi tiếng và thậm chí cả hẹn hò nhanh.
Theo tờ New York Times, dẫu ít ai trong số này có thể kiếm tiền nhưng Clubhouse có kế hoạch biến những người dùng phổ biến thành những người có ảnh hưởng.
Hơn 40 người có ảnh hưởng trong Clubhouse đã được mời tham gia "Chương trình thử nghiệm nhà sáng tạo", nơi họ sẽ dự các cuộc họp thường xuyên với những nhà sáng lập ứng dụng và được cấp quyền truy cập đặc biệt vào các công cụ mới. Thế nhưng, Clubhouse cũng bị chỉ trích vì thiếu kiểm duyệt.
Bài viết vào tháng 12 trên Vulture tuyên bố rằng Clubhouse đang "gần mức độ nguy hiểm" với việc trở thành "vùng đất hoang internet mới" vì các cuộc trò chuyện có thể dễ dàng lạc đề khỏi chủ đề dự định của họ và các cuộc tranh luận có thể trở thành màn tấn công, thậm chí chống lại những người nổi tiếng, nếu người kiểm duyệt các phòng không cẩn thận.
"Vẫn còn phải xem liệu việc mở cửa cho công chúng có phá vỡ sự cân bằng bấp bênh giữa sự hỗn loạn và lạnh lẽo với ứng dụng đang yêu thích hay không. Liệu nhiều người nổi tiếng sẽ gắn bó khi tính độc quyền hết và bất kỳ ai cũng có thể đăng nhập rồi gọi cho họ vì những điều không nhất thiết. Quan trọng nhất, có thể chúng ta quan tâm đến ứng dụng âm thanh ở một mức độ nhất định, tái tạo trải nghiệm gặp gỡ người lạ trên các dòng trò chuyện của những năm 90, chủ yếu vì tất cả đều mắc kẹt ở nhà và cô đơn”, Craig Jenkins viết.