Cuộc không kích giết chết tướng Qassem Soleimani có thể khiến Iran sớm đạt mục tiêu đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq.
Nỗi lo chiến tranh nổ ra khiến nhiều công nhân dầu mỏ Mỹ vội vàng rời thành phố Basra vào ngày 3.1. Tại thành phố Karbala, tín đồ Hồi giáo Shiite hô vang “Cái chết cho Mỹ”. Quảng trường Tahrir ở thủ đô Baghdad xuất hiện biểu ngữ “Giữ xung đột của các người tránh xa Iraq” - thông điệp gửi đến cả Iran lẫn Mỹ.
Những phe phái chính trị cũng phản ứng. Lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn quyết báo thù, Thủ tướng Adel Abdul Mahdi lên án cuộc không kích là hành động xâm phạm chủ quyền Iraq, Quốc hội nước này chuẩn bị tổ chức cuộc họp thảo luận về hiện diện quân sự Mỹ trong tương lai.
Tiến sĩ Mohammad Shabani thuộc Học viện nghiên cứu phương Đông và châu Phi (đại học Luân Đôn) đánh giá: “Cái chết của tướng Soleimani đặt dấu chấm hết cho hiện diện quân sự Mỹ tại Iraq. Tôi nghĩ Iran chấp nhận hy sinh để đạt mục tiêu”.
Mỹ hiện có khoảng 5.000 lính đồn trú Iraq. Dù họ ra đi hay ở lại thì sức mạnh của Mỹ tại đây chắc chắn suy giảm.
Cựu quan chức ngoại giao Mỹ Richard N.Haass cũng bi quan nhận định: “Thời kỳ hợp tác đã kết thúc. Chính quyền Baghdad sẽ yêu cầu chúng ta rời khỏi, dẫn đến hệ quả Iran mở rộng ảnh hưởng, chủ nghĩa khủng bố, Iraq đấu đá nội bộ”.
Sau hơn 16 năm sau khi Mỹ xâm lược, Iraq hiện nằm dưới tầm ảnh hưởng to lớn của quốc gia láng giềng Iran. Nếu chính quyền Washington có chiến lược hợp tác giúp xây dựng Iraq ổn định thịnh vượng thì cuộc không kích cướp đi sinh mạng tướng Soleimani sẽ đem lại lợi ích.
Cựu quan chức CIA Kenneth M. Pollack phân tích vụ sát hại giúp giới chính trị gia Iraq bớt e ngại Iran và nghe lời Mỹ hơn, không những vậy, lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn mất nhân vật lãnh đạo sẽ mất phương hướng một thời gian. Tuy nhiên, Mỹ dường như chẳng có chính sách gì ngoài sử dụng Iraq như căn cứ đối phó Iran - biến nỗ lực giết Soleimani thành bước đi mang tính chiến thuật chẳng có tầm chiến lược.
Thủ lĩnh một nhóm dân quân thân Iran Qais al-Khazali cho biết: “Mỹ chỉ hợp tác quân sự, còn Iran khuếch trương ảnh hưởng trong văn hóa, chính trị, tôn giáo,…”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó tuyên bố người dân Iraq nhảy múa ăn mừng vì tướng Soleimani không còn nữa. Nhưng thực tế tất cả đang rất lo lắng nguy cơ bùng nổ bạo lực.
Một người dân tên Ameer Abbas chỉ trích: “Đây là hành động sai lầm, Mỹ đáng lẽ nên phối hợp với chính quyền Baghdad”.
Một người khác tên Mustafa Nader chia sẻ: “Chúng tôi phản đối bất cứ sự can thiệp nào. Nếu Mỹ cũng can thiệp như Iran thì họ phải chịu làn sóng phản đối mạnh mẽ tương tự”.
Cẩm Bình (theo The New York Times)