Di cảo “Anh hùng còn chi” là tập hợp những bài thơ, truyện ngắn, kịch bản phim, tiểu luận, ký họa trên gốm, cùng những tấm ảnh tư liệu quý chưa từng được công bố của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp và di cảo 'Anh hùng còn chi'

Tiểu Vũ | 20/11/2023, 20:40

Di cảo “Anh hùng còn chi” là tập hợp những bài thơ, truyện ngắn, kịch bản phim, tiểu luận, ký họa trên gốm, cùng những tấm ảnh tư liệu quý chưa từng được công bố của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) là nhà văn nổi bật nhất của văn đàn Việt Nam hiện đại. Ông sáng tác đa dạng thể loại, từ thơ, tiểu thuyết, tiểu luận văn học đến kịch, kịch bản phim... nhưng để lại sức ảnh hưởng và dấu ấn lâu dài trên văn đàn, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn với Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần

Các truyện ngắn của ông đã được tái bản rất nhiều lần, được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên thế giới, giúp nhà văn nhận được những giải thưởng cao quý như Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (2007), Giải Premio Nonino (Ý, 2008), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2022).

404397697_7232284063456416_6321830499265127888_n.jpg
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh: Tư liệu

Trước khi trở thành người viết văn, ông đã có 10 năm làm thầy giáo ở miền núi phía bắc. Lựa chọn con đường văn chương giống như một ngã rẽ khác thường, một cú đẩy của số phận đưa Nguyễn Huy Thiệp trở thành nhà văn lớn của Việt Nam thế kỷ 20, một nhà văn có danh vị quốc tế, nhưng cũng phải trải qua bao thăng trầm.

Nhà văn qua đời vào tháng 3.2021, nhưng tên tuổi, sự nghiệp và các tác phẩm của ông sẽ được nhắc mãi bởi những người từng sống trải thời đoạn gây choáng váng của hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn, lẫn những người chỉ mới bắt đầu sự đọc.

Nhằm cung cấp cho bạn đọc một hình dung đầy đủ, tổng thể hơn về sự nghiệp văn chương, hành trình cuộc đời Nguyễn Huy Thiệp, tháng 11.2023, NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam đã công bố tập di cảo Anh hùng còn chi. Tên tập di cảo này được lấy từ đoạn thơ trong truyện Chảy đi sông ơi của chính nhà văn “Rồi sông đãi hết/Anh hùng còn chi”.

Về các tác phẩm thơ, truyện ngắn, tiểu luận, tạp văn, kịch bản phim của Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Huy Thiệp sớm làm thơ, và tập thơ đầu tiên trong cuốn sách này, Những vần thơ chua xót, nhà văn đã hoàn thành lúc 27 tuổi. Cho dù chúng chỉ như lối ghi nhật ký, thỏa cảm xúc và suy tư của một giáo viên tỉnh lẻ, nhưng đọc lại, chúng ta vẫn thấy chất giọng, cái nhìn khá riêng. Tập thơ thứ 2 được chọn lựa từ những vần thơ nhà văn viết sau khi lâm bệnh nặng để giãi bày cảm xúc, tâm trạng và giữ cho đầu óc tỉnh táo.

Trong 3 truyện ngắn được chọn lựa đưa vào tập sách, có Cô My và Vết trượt là hai tác phẩm được sáng tác cùng thời gian với Tướng về hưu, và Những bài hát là tác phẩm được viết giữa giai đoạn “cập thời vũ” gây náo động văn đàn của Nguyễn Huy Thiệp.

anh-hung-con-chi7.jpg
Bản thảo của Nguyễn Huy Thiệp lần đầu được công bố - Ảnh: Chụp từ sách

Cuốn sách cũng giới thiệu hai kịch bản phim do chính ông viết là Tướng về hưu (hoàn thành và được đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi sử dụng làm thành phim cùng tên năm 1988) và Không có vua, viết xong năm 2002.

Những bài tiểu luận, tạp văn phần lớn lần đầu được in của Nguyễn Huy Thiệp cũng sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm những suy tư trăn trở của nhà văn về cuộc sống và văn chương. Trong tiểu luận Văn học là cuộc sống, Nguyễn Huy Thiệp đặt ra câu hỏi: văn chương có sức mạnh không? Theo ông, “văn học là cuộc sống”, mà cuộc sống thì “chỉ nên tìm hiểu, nghiên cứu chứ đừng giải thích nó”. Tài năng văn học, theo ông, phải nằm ở việc thể hiện “chính xác cuộc sống” với điều kiện là “thể hiện chính xác ngôn từ”.

anh-hung-con-chi6.jpg
Hình ảnh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong tập di cảo - Ảnh: Chụp từ sách

Hơn 9 năm dạy học, và kế đó, nhiều năm vật lộn mưu sinh, làm công chức, kế toán, vẽ tranh, làm gốm, buôn bán, nấu ăn, mở nhà hàng…, “trải qua và chứng kiến nhiều cảnh ngộ cuộc đời, cả vinh quang lẫn cay đắng”, Nguyễn Huy Thiệp quá hiểu bản thân cũng chỉ là “nhân dân lao động” và đã “chán ngấy những cuốn sách thuyết giảng thứ đạo đức giả”. “Nhân dân đang cần những cuốn sách tự vấn, những cuốn sách giúp họ tự nhận thức lại mình” (Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn). Nhân dân chẳng cần nhà văn phải chỉ bảo “hướng tiến lên” cho họ như thế nào, ông lưu ý thêm, nhân dân kỳ vọng được nhà văn dẫn dắt và bênh vực khi họ bị đẩy vào các tình huống trớ trêu nào đấy.

Như thế, với Nguyễn Huy Thiệp, sức mạnh của văn học chỉ nảy nở trong điều kiện nó thuộc về nhân dân lao động, trở thành thang thuốc hồi sức sau khi nhân dân lao động, bao gồm cả nhà văn, đã cật lực để sinh tồn trong vô vàn tình huống đời sống phức tạp.

Về các tác phẩm ký họa trên gốm

Khi được công chúng gọi là nhà văn, Nguyễn Huy Thiệp thừa hiểu nó “vừa hữu ích lại vừa phù phiếm”. Bởi thế, ông vẫn phải làm những việc rất “thường”, dù chưa đến mức “vinh thân phì gia” thì chí ít ở mức “trung dung, phong lưu, tri túc”. Tổ chức được cuộc đời như thế dĩ nhiên cần cả tiền bạc, tri thức lẫn đạo đức. Cho nên, trong khi văn đàn vẫn mơ mộng, đòi hỏi tác phẩm đỉnh cao thì người ta lại thấy Nguyễn Huy Thiệp viết kịch bản phim và tiểu thuyết “ba xu”. Khi công chúng tưởng như ông đã cạn sức viết thì ông vẫn ngồi ký họa gốm hằng ngày.

anh-hung-con-chi3.jpg
Những bức ký họa trên gốm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh: Chụp từ sách

Thời trẻ, Nguyễn Huy Thiệp thích vẽ và đã từng theo học vẽ và minh họa báo, nhưng ông vẽ nhiều và thường xuyên nhất là ký họa trên gốm. Trong các bức ký họa gốm ở phần hai cuốn sách này, bạn đọc sẽ thấy rất nhiều hình ảnh gia đình, văn nhân, bạn hữu thân sơ và những cá tính văn chương lớn mà nhà văn yêu thích như Puskin, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn, Tô Hoài, Lê Lựu… Ông cũng vẽ lại bìa, nhân vật trong tác phẩm của mình nhân các dịp đặc biệt. Ông vẽ chăm chút, cẩn thận và đã vẽ hàng trăm ký họa gốm như thế.

anh-hung-con-chi2.jpg
Những bức ký họa trên gốm rất độc đáo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh: Chụp từ sách

Nguyễn Huy Thiệp, góc đời ít biết

Phần 3 của tập di cảo sẽ cho ta biết thêm về những góc khuất tài năng của Nguyễn Huy Thiệp mà rất ít người được tiếp cận. Đó là những bức ảnh chụp nhà văn tại những dấu mốc quan trọng trong đời, những sự kiện văn chương ông tham dự và gặp gỡ. Bạn đọc sẽ được thấy hình ảnh Nguyễn Huy Thiệp từ khi còn dạy học ở Sơn La, khi ông khai trương nhà hàng Hoa Ban, khi ông nhận giải thưởng tại Ý, tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam…, và ảnh ông chụp chung với gia đình, các nhà văn, bạn hữu văn chương như Nguyễn Khải, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy…

anh-hung-con-chi-11.jpg
Bản thảo của Nguyễn Huy Thiệp lần đầu được công bố - Ảnh: Chụp từ sách

Những trang cuối của cuốn sách có ảnh chụp một số bản thảo viết tay, đánh máy các sáng tác của nhà văn, một số bút tích, thư từ và ảnh chụp bản viết/vẽ tay một số bài thơ đã được đưa vào tập di cảo này.

Giả như Nguyễn Huy Thiệp bằng lòng với nghề dạy, với hình ảnh ông giáo miền núi vùng cao hiền lành, chân chất và rồi vô danh nằm sâu dưới ba tấc đất, thì có lẽ chính ông sẽ không chịu nhiều đố kỵ, nhiều “đòn roi” đến thế. Giả như Nguyễn Huy Thiệp khép lại tập nhật-ký-thơ, bỏ quên mộng văn chương để an phận làm công chức quèn ở Hà Nội, thì ông, rút cuộc, chẳng phải sống đời nhọc nhằn, day đi dứt lại đến mức có lúc rơi vào trạng thái “tâm tuyệt, khí tuyệt” đến vậy.

Và cả chúng ta, những người từng sống trải thời đoạn gây choáng váng của hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn, lẫn những người chỉ mới bắt đầu sự đọc, hoặc nghe phong thanh đâu đó vài chuyện “tiếu ngạo giang hồ” về ông, sẽ không phải và không thể, thảng thốt mượn lời ông để vọng ngôn một câu trả lời thật quá ư nan giải. Nguyễn Huy Thiệp, sau hết, “anh hùng còn chi?".

Bài liên quan
Nguyễn Huy Thiệp: Nói chuyện một mình
Thường người ta xếp nhà văn cao trên ăn mày một bậc, nhà văn đứng đầu trong đám thảo dân, đứng cuối trong các phẩm trật triều đình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hôm nay, thí sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024
2 giờ trước Giáo dục
Từ hôm nay (2.5) đến 17 giờ ngày 10.5, Cổng đăng ký trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ mở để phục vụ thí sinh đăng ký dự thi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyễn Huy Thiệp và di cảo 'Anh hùng còn chi'