Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, việc đóng phí tác quyền cho các tác phẩm đã quá hiệu lực vô hình trung đi ngược lại các quy tắc của Công ước Berne và cả quy định pháp luật sở hữu trí tuệ mà chúng ta đã xây dựng và thực hiện.

Thu phí tác quyền 'Sơn Tinh, Thủy Tinh' là đi ngược lại quy tắc của Công ước Berne

Tiểu Vũ (thực hiện) | 18/11/2023, 10:31

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, việc đóng phí tác quyền cho các tác phẩm đã quá hiệu lực vô hình trung đi ngược lại các quy tắc của Công ước Berne và cả quy định pháp luật sở hữu trí tuệ mà chúng ta đã xây dựng và thực hiện.

Vừa qua tại hội nghị - hội thảo xin ý kiến góp ý hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Hà Nội và trực tuyến tới 44 điểm cầu trong cả nước, PGS-TS Trần Văn Hải (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra đề xuất nhà làm phim từ truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh phải có nghĩa vụ trả tác quyền phí khai thác, sử dụng di sản văn hóa với cơ quan đại diện cho chủ sở hữu của tác phẩm là Cục Di sản văn hóa. Đề xuất này sau đó đã gây ra nhiều tranh cãi.

Để hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về quyền khai thác di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các tác phẩm theo truyền thuyết dân gian như Sơn Tinh, Thủy Tinh, phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Phan Vũ Tuấn - Trưởng văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam (Đoàn Luật sư TP.HCM). 

340988987_243406724756207_5177418263423139476_n.jpg
Luật sư Phan Vũ Tuấn - Ảnh: NVCC

PV: Ở góc độ là một luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế, ông có nhận định gì về đề xuất của PGS-TS Trần Văn Hải là nhà làm phim Sơn Tinh, Thủy Tinh phải có nghĩa vụ trả tác quyền là phí khai thác, sử dụng di sản văn hóa với cơ quan đại diện cho chủ sở hữu là Cục Di sản văn hóa?

- Luật sư Phan Vũ Tuấn: Trước hết, chúng ta hiểu truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh là một di sản văn hóa, cụ thể hơn là một di sản văn hóa phi vật thể, căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009 (Luật Di sản). Theo đó, tác phẩm này được nhà nước công nhận và bảo vệ.

Tuy nhiên, để nói về vấn đề có nghĩa vụ trả tiền tác quyền hay không thì chúng ta cần xem xét trên những quy định pháp luật sở hữu trí tuệ. Căn cứ quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022 (Luật SHTT), truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh là một tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Theo đó, khi tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian thì phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.

Như vậy, hiện tại quy định pháp luật sở hữu trí tuệ chỉ đề cập đến quyền nhân thân của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian mà không hề nói đến quyền tài sản. Thêm nữa, dưới góc nhìn xem xét truyền thuyết trên là một di sản văn hóa thì Nhà nước đang mang trách nhiệm công nhận và bảo vệ, phát huy, truyền bá giá trị di sản văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Do đó, đến thời điểm này, chưa có cơ sở pháp lý nào về việc phải trả tiền bản quyền đối với một di sản văn hóa như truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh.

990a4213-f6a1-4814-811c-cff09ed0e959.jpg
Poster phim "Sơn Tinh, Thủy Tinh" của đạo diễn Victor Vũ và NSX Trương Ngọc Ánh - Ảnh: NSX

Tôi đang hiểu tinh thần của những quy định của pháp luật cũng như chính sách bảo vệ những giá trị văn hóa của người dân Việt Nam đang hướng đến việc bảo vệ và truyền tải các giá trị về tinh thần nhiều hơn, tiếp cận, lưu giữ ở các tầng lớp thế hệ, chứ không hướng đến vấn đề phải bảo vệ quyền và lợi ích về tài sản từ các tác phẩm này. Hơn nữa, đối với các thể loại đặc thù như truyền thuyết, việc thực hiện quyền tài sản sẽ gặp rất nhiều vướng mắc và trở ngại.

Đề xuất trên của PSG-TS Trần Văn Hải cần phải được thảo luận nhiều hơn và nếu muốn triển khai trên thực tế thì cần thêm các quy định pháp luật rõ ràng, cụ thể về vấn đề trên.

Nhà nước có quy định nào nói rằng Cục Di sản văn hóa là đại diện cho cộng đồng làm chủ sở hữu đối với di sản văn hóa và được thu tiền tác quyền khi các tổ chức cá nhân khai thác các tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian của Việt Nam hay không?

 - Theo quy định pháp luật thì chủ sở hữu di sản văn hóa là nhà nước, tổ chức, cá nhân hoặc cộng đồng dân tộc có quyền sở hữu, quản lý, sử dụng và hưởng lợi từ di sản văn hóa. Theo Quyết định số 839/QĐ-BVHTTDL ngày 4.4.2023 của Bộ VH-TT-DL quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Di sản văn hóa, thì cục này chỉ có chức năng quản lý nhà nước về di sản văn hóa, thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật. Cục Di sản văn hóa không được giao quyền can thiệp vào quyền sở hữu, quản lý, sử dụng và hưởng lợi từ di sản văn hóa của các chủ sở hữu, trừ trường hợp di sản văn hóa bị đe dọa, nguy cơ mất mát hoặc vi phạm pháp luật.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, Cục Di sản văn hóa không phải là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu đối với di sản văn hóa của Việt Nam.

Việt Nam hiện đang là thành viên của Công ước Berne. Nếu chúng ta thực hiện quy định đóng tác quyền cho các tác phẩm văn học dân gian đã quá hiệu lực như truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh thì liệu có đi ngược lại với quy tắc của công ước này không thưa ông?

- Năm 2004 Việt Nam là thành viên chính thức của Công ước Berne và chỉ tuyên bố bảo lưu Điều 33.1 của công ước. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 ra đời dựa trên nền tảng đó và có rất nhiều quy định phù hợp với công ước. Do đó, theo tôi, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam vẫn đang được thực hiện dựa trên tinh thần của công ước và đảm bảo tốt vai trò của nó. Công ước Berne quy định về việc bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật trong thời hạn bảo hộ của từng loại hình. Công ước cho phép các nước thành viên quy định một thời hạn bảo hộ dài hơn như những quy định tại công ước, chứ không quy định về việc vẫn được bảo hộ ngoài thời hạn bảo hộ. Việc đóng phí tác quyền cho các tác phẩm đã quá hiệu lực vô hình trung đã đi ngược lại các quy tắc của Công ước Berne và cả những quy định pháp luật sở hữu trí tuệ chúng ta đã xây dựng và thực hiện.

Theo ông Hải thì “cộng đồng là tác giả của những di sản văn hóa phi vật thể này, mà cộng đồng thì tồn tại vĩnh viễn, bởi vậy việc bảo hộ quyền công bố và quyền tài sản đối với di sản văn hóa phi vật thể không bị giới hạn về thời gian”, như vậy cần hiểu thế nào cho đúng về ý kiến này, thưa ông?

- Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Di sản, truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh được xem là di sản văn hóa phi vật thể vì nó là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng, có giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng.

Theo Luật SHTT thì truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh được bảo hộ dưới hình thức tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Tại khoản 1 Điều 23 luật này cũng quy định tác giả của loại hình tác phẩm này là tập thể hoặc cá nhân phản ánh khát vọng của cộng đồng. Để xác định “cộng đồng” là tác giả của truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh thì không thật sự chính xác. Không có thông tin rõ ràng về nguồn gốc của tác phẩm này, chỉ biết rằng tác phẩm được lấy bối cảnh vào thời Vua Hùng bắt đầu xây dựng đất nước, nhằm phản ánh công cuộc chống lại bão lụt trên lưu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Nhưng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian có đặc điểm là tính dị bản, luôn được làm mới và phát triển phù hợp với từng thời kỳ nên các dị bản đó cũng được bảo hộ quyền tác giả theo Luật SHTT.

1505721831-150570081069591-victor-vu-.jpg
Việc chuyển thể phim từ truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh bị đề nghị đóng phí đang gây nhiều tranh cãi

Các cá nhân, tập thể sáng tạo tác phẩm (bao gồm nguyên bản và các dị bản) là tác giả được bảo hộ có thời hạn theo Điều 27 Luật SHTT. Đặc biệt, quyền công bố và quyền tài sản sẽ được dựa trên cuộc đời tác giả, được bảo hộ suốt cuộc đời và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả cuối cùng chết. Hơn nữa, như đã đề cập ở trên, Cục Di sản văn hóa không phải cơ quan đại diện cho chủ sở hữu tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian để thu tiền bản quyền liên quan đến việc khai thác, sử dụng di sản văn hóa này.

Theo ông thì đề xuất thu tiền tác quyền là phí khai thác, sử dụng di sản văn hóa dân gian, cụ thể là truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh được triển khai thực hiện thì liệu điều này có cản trở quá trình tự do sáng tạo nội dung từ chất liệu văn học dân gian như: Thạch Sanh, Lý Thông; chú Cuội; Tấm Cám; Sọ Dừa; Trạng Quỳnh... và nhiều tác phẩm dân gian khác không? 

- Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Đối với quyền nhân thân, pháp luật hiện hành đã quy định rõ đối với loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian rằng tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và bảo đảm giữ gìn giá trị đích thực của tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian theo khoản 2 Điều 23 Luật SHTT.

Đối với việc thực hiện quyền tài sản, hay nói cách khác, để thực hiện việc thu tiền bản quyền khi sử dụng tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian, cần xác định rõ ai là chủ sở hữu quyền tác giả. Trên thực tế, tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian không ngừng được tái tạo và truyền miệng để thay đổi phù hợp với từng vùng miền địa phương. Do đó, loại hình tác phẩm này sẽ mang những đặc trưng riêng, bao gồm tính tập thể, tính truyền miệng và tính dị bản.

Mỗi dị bản đều sẽ được bảo hộ quyền tác giả theo Luật SHTT. Vì các tính chất đặc trưng kể trên, việc xác định những người sáng tạo ra tác phẩm đầu tiên và các dị bản là rất khó. Nhưng để cho rằng tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là tác phẩm khuyết danh thì lại thiếu chính xác, vì tác phẩm là sản phẩm của cộng đồng địa phương dù không xác định được cụ thể ai là chủ sở hữu.

Một điểm nữa cần lưu ý nếu thực hiện việc thu tiền bản quyền là thời hạn bảo hộ quyền tác giả. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 27 Luật SHTT, thời hạn bảo hộ được tính là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm đồng tác giả cuối cùng chết. Sau thời hạn này, tác phẩm thuộc về công chúng và mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng tác phẩm nhưng phải tôn trọng quyền nhân thân của tác giả theo khoản 2 Điều 43 Luật SHTT.

Ông có thể cho biết thêm các nước trên thế giới quy định về việc khai thác các tác phẩm văn học dân gian như thế nào?

 - Các nước trên thế giới có những quy định về vấn đề khai thác, sử dụng các tác phẩm văn học dân gian khác nhau, tùy thuộc vào truyền thống văn hóa, lịch sử của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, có một số hướng quy định như sau:

Một số quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản quy định tác phẩm bắt nguồn từ văn hóa dân gian không được bảo hộ quyền tác giả, trừ khi tác phẩm đó đã được ghi chép lại hoặc công bố dưới dạng bản quyền.

Để khai thác tác phẩm văn học dân gian, cá nhân, tổ chức cần phải xin phép người nắm giữ quyền sở hữu tác phẩm đó. Nếu tác phẩm văn học dân gian chưa được ghi chép lại hoặc công bố dưới dạng bản quyền, cá nhân, tổ chức có thể khai thác tác phẩm đó mà không cần xin phép. Tuy nhiên, vẫn cần phải ghi nhận nguồn gốc của tác phẩm.

Ở một số quốc gia như Trung Quốc, tác phẩm văn học dân gian được coi là tài sản công cộng, còn ở Ấn Độ, tác phẩm văn học dân gian được coi là tài sản chung. Bất kỳ ai cũng có thể khai thác tác phẩm văn học dân gian mà không cần xin phép người nắm giữ quyền sở hữu tác phẩm đó. Tuy nhiên, tác giả của tác phẩm văn học dân gian vẫn có quyền được ghi nhận tên tác giả và quyền được bảo vệ danh dự và nhân phẩm của tác giả.

Một số quốc gia như Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ lại quy định tác phẩm văn học dân gian là tác phẩm sáng tạo được bảo hộ bởi quyền tác giả, ngay cả khi tác phẩm đó chưa được ghi chép lại hoặc công bố dưới dạng bản quyền. Điều này có nghĩa là bất kỳ ai muốn khai thác tác phẩm văn học dân gian ở các quốc gia này đều phải xin phép người nắm giữ quyền sở hữu tác phẩm đó.

 Xin cảm ơn luật sư về những chia sẻ!

Bài liên quan
Sau 12 năm tranh chấp bản quyền Thần đồng đất Việt: Toà tuyên họa sĩ Lê Linh thắng kiện
TAND TP.HCM đã đưa ra phán quyết họa sĩ Lê Linh thắng kiện trong vụ tranh chấp bản quyền các nhân vật trong bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt kéo dài đến 12 năm

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu phí tác quyền 'Sơn Tinh, Thủy Tinh' là đi ngược lại quy tắc của Công ước Berne