Cảnh sát Bulgaria đang điều tra vụ cưỡng hiếp rồi giết chết nhà báo truyền hình Viktoria Marinova sau khi cô đưa tin về khả năng “sử dụng sai mục đích” nguồn tiền Liên hiệp châu Âu (EU) cấp cho Bulgaria.
Ngày 6.10, chính quyền tìm thấy xác của Marinova, 30 tuổi, bị vùi trong một công viên gần sông Danube, ở thành phố Ruse giáp biên giới Romania. Cảnh sát nói cô bị cưỡng hiếp, đánh đập dã man vào đầu, siết cổ đến chết ngạt.
Các quan chức nước ngoài và các tổ chức báo chí bị sốc nặng, bao gồm Tổ chức An ninh-hợp tác châu Âu (OSCE), đề nghị điều tra đầy đủ vụ sát hại Marinova. Báo điều tra điện tử còn đề nghị quốc tế mở cuộc điều tra độc lập, nói nạn tham nhũng có thể tác động cuộc điều tra của cơ quan bảo vệ pháp luật Bulgaria.
Nhưng Bộ trưởng Nội vụ Mladen Marinov nhấn mạnh không có chứng cứ gợi ý cái chết của Marinova liên quan đến hoạt động báo chí của cô. Ông nói đó là một vụ hiếp dâm và giết người.
Thủ tướng Boyko Borisov tuyên bố “nhóm điều tra tội phạm học giỏi nhất đã được cử đến Ruse, chúng ta đừng thúc bách họ. Đã thu thập được nhiều mẫu DNA”.
Cảnh sát Bulgaria nói họ xem xét tất cả các kịch bản, tìm hiểu cuộc sống cá nhân và công việc của Marinova để tìm đầu mối. Viện trưởng Viện kiểm sát Sotir Tsatsarov nói chính quyền chưa có đầu mối mới về động cơ giết người, bao gồm có thể Marinova là nạn nhân tình cờ của một kẻ tâm thần tấn công, hoặc là một vụ tấn công có chủ định liên quan cuộc sống riêng tư của cô.
Đêm 8.10, hàng trăm người Bulgaria tổ chức đêm tưởng niệm Marinova. Tại Ruse, người dân khóc, đốt nến, trưng ảnh chân dung của cô và hoa hồng –quốc hoa của Bulgaria - dưới chân một tượng đài.
Tại thủ đô Sofia, người thương tiếc Marinova tập hợp bên ngoài một nhà thờ, và một người nói người dân nay không còn tin tưởng chính quyền, dù kết quả điều tra cái chết của Marinova sẽ thế nào đi nữa.
Nhà báo nữ Marinova trước khi bị sát hại - Ảnh : AP
Theo AP, nạn tham nhũng tràn lan ở Bulgaria vốn gia nhập EU vào năm 2007, bị tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) xếp hạng 71 trong danh sách những nước tham nhũng nặng năm 2017. Bulgaria cũng tụt từ hạng 51 năm 2007 xuống hạng 111 năm 2018trong bảng xếp hạng các quốc gia cho phép tự do ngôn luận.
Tổ chức Nhà báo không biên giới nêu trong báo cáo năm 2018: “ Nạn hành hung, dọa giết các nhà báo của bọn tội phạm rất phổ biến Bulgaria”, mô tả có sự thông đồng và tham nhũng giữa báo chí nhà nước với các đại gia và chính khách.
Việc gia nhập EU giúp Bulgaria được cấp nhiều nguồn tiền để nâng cấp cơ sở hạ tầng cùng các chương trình khác, nhằm để Bulgaria đạt các tiêu chuẩn EU. Nhưng nguồn tiền này thu hút lòng tham của quan chức chính phủ và bọn tội phạm.
Marinova là chủ nhiệm kênh truyền hìnhTVNở Ruse (phía bắc Bulgaria) và là người dẫn chương trình điều tra “Người phát hiện” của kênh này.Hoạt động chống tham nhũng gần đây nhất của Marinova vào ngày 30.9, với một chương trình phỏng vấn hai nhà báo điều tra Attila Biro của báo Rise Project Romania và Dimitar Stoyanov của trang tin điều tra Bivol.bg.
Ngày 13.9, hai nhà báo trên bị bắt ở phía nam thủ đô Sofia, lúc họ điều tra theo một nguồn tin rằng có các tài liệu liên quan nguồn tiền EU cấp đã bị tiêu hủy.
Assen Yordanov -chủ trang tin Bivol.bg, nói ông không thể gắn kết cái chết của Marinova với hoạt động của cô, nhưng lưu ý chương trình của cô “đụng vào chuyện nhạy cảm về cách sử dụng nguồn tiền của EU”.
Ông nhấn mạnh đấy là một đề tài mà báo chí nhà nước Bulgaria không dám đưa tin. Ông kêu gọi quốc tế và các nhà điều tra của EU mở cuộc điều tra độc lập“ vì chúng tôi tin chính quyền Bulgaria là một phần trong mạng lưới tội phạm quốc gia”.Ông Yordanov còn nói các nhà báo của ông đều bị đe dọa đến tính mạngvì đưa tin chính quyền tham nhũng.
Cơ quan chống gian lận OLAF của EU nói đã bắt đầu xem xét khả năng lạm dụng quỹ tiền của EU ở Bulgaria, nhưng chưa mở cuộc điều tra đầy đủ.
Margaritis Schinas - người phát ngôn của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan điều hành EU) Jean-Claude Juncker nói EC dự tính mở cuộc điều tra nhanh và xuyên suốt, nhằm đưa người có trách nhiệm ra trước công lý, và làm rõ vụ tấn công Marinova có liên quan đến nghề nghiệp của cô hay không?Ông Schinas dẫn lời Chủ tịch Juncker từng nói “quá nhiều nhà báo bị hù dọa, tấn công và bị giết” và “không có tự do báo chí thì không thể có dân chủ”.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres “theo sát tình hình đáng ngại ngày càng tăng” xung quanh những vụ tấn công bạo lực vào các nhà báo, nhất là các nhà báo nữ. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nói thêm rằng ông Guterres đã nêu vấn đề với các nước thành viên LHQ.
Chính phủ Đức cũng kịch liệt lên án vụ sát hại nhà báo nữ Marinova. Bộ Ngoại giao Đức nói “mệnh lệnh là phải có cuộc điều tra nhanh”.
Sven Giegold, một thành viên Đảng Xanh (Đức) ở Nghị viện châu Âu nói toàn thể châu Âu nên lo ngại về vụ sát hại nhà báo Marinova: “Ban đầu ở Malta, rồi Slovakia và nay là Bulgaria. Không thể chấp nhận việc các nhà báo châu Âu lại bị khử”, ám chỉ hai nhà báo điều tra người Malta và Slovakia (đều là thành viên EU) đã bị giết:
Nhà báo nữ Daphne Caruana Galizia bị giết trong một vụ đánh bom xe hơi hồi tháng 10.2017, khi bà điều tra chính phủ Malta tham nhũng.
Qua tháng 2.2017, nhà báo Jan Kuciak cùng vợ chưa cưới bị bắn chết, sau khi Kuciak, 27 tuổi, đưa tin có quan hệ tham nhũng giữa các quan chức Slovakia với Mafia Ý. Thông tin của nhà báo Kuciak và cái chết của anh đã khiến chính phủ Slovakia bị sụp đổ.
Ngoài ra, nhà báo nữ Kim Wall người Thụy Điển bị tra tấn, bị giết khi cô tham gia một chuyến đi biển bằng tàu ngầm hồi tháng 8.2017. Đến đầu năm 2018, chủ chiếc tàu ngầm là Peter Madsen người Đan Mạch, đã bị tuyên án tù chung thân vì tội giết Kim Wall.
Bích Ngọc (theo AP)