Thị trường bất động sản Việt Nam gần đây liên tục đón nhận nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, việc đầu tư vào bất động sản Việt Nam đang trở thành một xu hướng chung của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Nhà đầu tư Nhật “rót” vốn mạnh vào bất động sản Việt Nam

Một Thế Giới | 10/11/2015, 11:06

Thị trường bất động sản Việt Nam gần đây liên tục đón nhận nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, việc đầu tư vào bất động sản Việt Nam đang trở thành một xu hướng chung của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Nhắm vào bất động sản cao cấp
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng qua, Việt Nam đã thu hút được 258 dự án cấp mới, 137 lượt dự án tăng vốn từ các nhà đầu tư Nhật Bản. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lên tới hơn 1,48 tỉ USD.
Với số vốn đăng ký này, Nhật Bản xếp thứ 3, sau Hàn Quốc và Malaysia trên tổng số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án tại Việt Nam.
Đáng chú ý, trong tổng số vốn đăng ký mới, hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng số vốn đăng ký cấp mới đã chiếm 10% tổng vốn đầu tư. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã tiếp tục đổ thêm hơn 500 triệu USD vào các dự án xây dựng và bất động sản tại Việt Nam.
Trên thị trường bất động sản, một số dự án bất động sản nổi bật của nhà đầu tư Nhật Bản phải kể đến như dự án xây dựng khu đô thị Tokyu Bình Dương với tổng vốn đầu tư là 1,2 tỉ USD của Công ty TNHH Becamex Tokyu.
Cuối tháng 7, Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản cũng rót hơn 200 triệu USD vào An Gia Investment để mua lại cổ phần của công ty này và đầu tư vào dự án theo tỉ lệ 50/50. Đồng thời, Creed Group cũng cung cấp các khoản vay cho An Gia mua dự án, nhằm xây dựng những dự án nhà ở “chất lượng Nhật Bản” tại TP.HCM. Ngoài đầu tư tài chính, Quỹ Creed còn chuyển giao công nghệ phát triển dự án bất động sản, kinh nghiệm, cơ hội cho An Gia.
Quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản này trước đó cũng đã "rót" 600 tỉ đồng vào dự án City Gate Towers tại TP.HCM của Công ty Năm Bảy Bảy. Hay Công ty Handa Global (Yokohama) đã rót 200 triệu USD vào thực hiện một tổ hợp khách sạn 5 sao tại Khu đô thị Nha Trang - Diên Khánh tại Nha Trang.
Trước đó, Công ty Nam Long cũng hợp tác với 2 nhà đầu tư đến từ Nhật là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad để chuyển nhượng dự án Flora Anh Đào (quận 9) với trị giá khoảng 500 tỉ đồng.
Đáng chú ý, đa phần các nhà đầu tư Nhật Bản đều nhắm đến phân khúc căn hộ trung và cao cấp, bất động sản hướng biển, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí...
Thị trường đa dạng hơn
Chia sẻ lý do đầu tư mạnh vào bất động sản tại Việt Nam, ông Toshihiko Muneyoshi, đại diện quỹ Creed Group, cho biết việc đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam đang trở thành một xu hướng chung của các nhà đầu tư Nhật Bản và tất nhiên, quỹ đầu tư này cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó.
Theo ông Toshihiko Muneyoshi, nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng. Ở tầm vĩ mô, Chính phủ Việt Nam đã và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn, trong đó có TPP. Do đó, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư lớn của quốc tế.
“Các cơ hội có thể nhận thấy qua dân số đông và trẻ, chủ yếu tập trung sống đô thị trong khi quỹ nhà ở còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, nhiều chính sách pháp luật về đất đai đã ban hành như mở cửa cho người nước ngoài mua nhà đã tạo sự minh bạch, sức mua được khơi thông cộng với tín dụng linh hoạt, chi phí lãi vay thấp, đang tạo cơ hội rất tốt cho người dân mua nhà và doanh nghiệp bất động sản phát triển”, ông Toshihiko Muneyoshi nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ Tịch HĐQT Công ty An Gia Investment, cho biết yếu tố quan trọng nhất để thu hút được vốn của nhà đầu tư Nhật Bản là quỹ đất phải nằm gần trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, quy mô lại không được quá lớn, tầm khoảng 1.000 căn hộ trở xuống nhằm tránh rủi ro về tiến độ, chất lượng đầu tư và thủ tục pháp lý.
“Thị trường bất động sản đang phát triển tốt, nếu thủ tục pháp lý một dự án phải mất gần 2 năm thực hiện thì coi như mất cơ hội đầu tư”, ông Sáng nói.
Trong cuộc chơi đón vốn ngoại này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho rằng khách hàng chính là đối tượng được hưởng lợi nhất bởi có nhiều cơ hội tiếp cận những sản phẩm chất lượng, uy tín tiêu chuẩn quốc tế với giá thành Việt Nam.
“Sự có mặt của những nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh sẽ là yếu tố giúp thị trường phát triển bền vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước phải thực sự chuyên nghiệp mới đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn dồi dào này”, ông Châu nhận định.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
11 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà đầu tư Nhật “rót” vốn mạnh vào bất động sản Việt Nam