Vào lúc đại dịch COVID-19 lan khắp thế giới, giới nhà giàu Nga ồ ạt mua trữ máy thở để tự vệ, đồng thời lập bệnh viện dã chiến riêng trong nhà mình để nếu họ bị nhiễm thì bảo đảm được chữa trị tốt hơn so với tầng lớp bình dân.
Báo Moscow Times nêu đây là thông tin độc quyền, dựa trên những cuộc phỏng vấn 3 người trong giới nhà giàu Nga săn lùng máy thở và họ đòi giấu tên. Một người nói: “Nhiều bạn của tôi đang cố gắng mua được chúng. Lúc nào có hàng là họ mua ngay”.
“Tự cách ly sang chảnh” vẫn phải vào bệnh viện công chữa trị
Tờ báo Nga dẫn một gia đình giàu nọ có tài sản trị giá 1 tỉ USD và nhiều nhà riêng ở khắp thế giới, như ở London (Anh) và ở miền nam nước Pháp. Gia đình này còn có một biệt thự ở khu Rublyovka, một vùng ngoại ô thủ đô Moscow có nhiều nhà của các bậc thượng lưu, quyền thế của Nga.
Ở biệt thự này, gia đình lên kế hoạch tự vệ trước đại dịch COVID-19 vốn đã làm hơn 14.000 người chết trên toàn thế giới, có 1 ca tử vong và 367 ca nhiễm ở Nga (tính đến ngày 23.3). Một thành viên trong gia đình (yêu cầu giấu tên) cho Moscow Times biết 1 máy thở giá 1,8 triệu rúp (22.500 USD). Người này nói: “Cho đến nay, chúng tôi đã có thể mua một máy thở và tính mua thêm 2 máy nữa, nhưng chúng tôi trong một danh sách phải chờ 8 tháng mới có hàng”.
Các chuyên gia y tế đã lên án hành vi ích kỷ của tầng lớp nhà giàu Nga, nói rằng một máy thở sẽ không giúp ích được gì, vì dù giới đại gia này có thể tự cách ly sang chảnh, họ sẽ vẫn phải chấp nhận điều khó chịu nếu dịch COVID-19 lan khắp nước Nga. Chỉ có các bệnh viện lớn mới có thể chữa trị tốt cho người bị dính dịch.
Ông Yaroslav Ashikhmin, bác sĩ khoa tim làm cố vấn cho trung tâm nghiên cứu y dược Skolkovo, nói: “Nhà giàu phải có riêng một bệnh viện với đầy đủ khoa chăm sóc đặc biệt, và nhất là cần có bác sĩ chuyên khoa. Cảm ơn thượng đế là hầu hết các bác sĩ của chúng tôi đủ đạo đức để không chạy theo nịnh bợ các tay nhà giàu, chữa trị cho họ trong khi hàng ngàn người cần được chữa trị”.
Một người khác trong nhóm 3 đại gia đã nói chuyện với Moscow Times, còn cho biết họ có hẳn một bác sĩ trực trong bệnh viện, sẵn sàng giúp họ được hưởng máy thở: “Bạn tôi từ Pháp về, nay phải nhập viện. Chúng tôi phải trữ thực phẩm và cách ly trong nhà”.
Nhưng ông Ashikhmin không tin kiểu hành xử này sẽ cứu được giới nhà giàu Nga: “Các đại gia của chúng tôi không bao giờ đầu tư vào các bệnh viện địa phương, vì họ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện họ sẽ phải chữa trị ở đó. Rất có thể họ sẽ sớm phải đến đó vì một sự cố bất ngờ xui xẻo, khi các bệnh viện nước ngoài sẽ không tiếp nhận họ, và các bệnh viện tư nhân ở Nga cũng sẽ không tiếp nhận họ. Nay họ có thể phải biết đến cái địa ngục mà họ đã góp phần tạo ra”.
Nhân viên y tế tiếp nhận người bị nhiễm dịch Covid-19 - Ảnh: TASS
Máy thở được bố trí nhiều ở các khu dân cư giàu có
Tờ Moscow Times đã được xem các số liệu của Headway Group, một tổ chức giám sát các vụ thầu của chính phủ Nga, và được biết Nga có khoảng 42.000 - 43.000 máy thở ở các bệnh viện công. Có nghĩa cứ 100.000 dân Nga thì có 29 máy thở, cao hơn tỷ lệ 100.000 dân Ý mới có 8 máy thở.
Nhưng các chuyên gia y tế lo ngại rằng số máy thở lại quá tập trung ở các khu dân cư giàu có của thành phố St. Petersburg và chừng 5.000 máy ở các khu nhà giàu tại thủ đô Moscow. Theo ước tính của Headway Group, khoảng 25% số máy thở của Nga đang ở Moscow, vùng Moscow và St. Petersburg.
Ông Pavel Brand, giám đốc chuỗi phòng mạch gia đình Klinika Semeynaya ở Moscow, nói các đồng nghiệp của ông ở vài địa phương khác cho ông biết họ chỉ có khoảng 6 máy thở cho 100.000 dân, và nhiều máy đã quá cũ, chất lượng rất kém.
Các ước tính này tương tự ước tính của trang tin Meduza: chỉ có 5 máy thở cho 100.000 dân vùng Kaluga. Ông Brand nói: “Chúng tôi hy vọng dịch sẽ không bùng phát ở các vùng khác”.
Bà Irina Podolyan, Phó giám đốc Bệnh viện 101 ở thành phố Lermontov thuộc vùng Stavropol, nói bệnh viện của bà có vài chiếc máy thở, nhưng chúng được thiết kế để sử dụng trong nhiều trường hợp, như bệnh nhân bị suy hô hấp vì đau tim, đột quỵ hoặc bị đầu độc đều cần đến máy thở y tế. Nếu xảy ra dịch thì không đủ máy thở cho mọi người”.
Chồng bà Irina là bác sĩ giải phẫu Sergei ở cùng Bệnh viện 101, nói thêm rằng các máy thở của bệnh viện đã quá hạn sử dụng, nhưng cơ quan này không có tiền để mua thêm các máy thở khác.
Theo Moscow Times, để lấp cách biệt trên, chính phủ Nga đã cấp tiền cho các vùng để mua thêm máy thở. Ví dụ thành phố Tomsk ở vùng Siberia đã nhận 8 triệu rúp (100.000 USD) đủ để mua 4 máy thở hiện đại. Nhưng số tiền có thật sự được đầu tư để mua máy thở trong tương lai gần hay không lại là điều không thể biết rõ.
Các nhà buôn máy thở trông chờ hàng ngoại nhập
Trong y học hiện đại, máy thở là một thiết bị hiệu quả, giúp người nhiễm dịch thở được khi hệ hô hấp của họ bắt đầu suy yếu, kéo giảm các biến chứng, kéo dài được tuổi thọ của người bệnh.
Đó là lý do sản phẩm này mau chóng trở thành một trong những thiết bị y tế được săn lùng nhiều nhất thế giới. Khi hệ thống y tế Ý bị quá tải người nhiễm COVID-19 trong vài tuần qua, các bác sĩ đã sớm nhận ra họ không có nhiều máy thở để cứu chữa tất cả người bị nhiễm.
Từ đó, các bác sĩ Ý phải chọn người nhiễm nào được sống hoặc phải chết. Kịch bản đen tối này mau chóng đánh động các quốc gia khác, rằng họ cần phải có thật nhiều máy thở để phòng chống những ca tử vong hàng loạt.
Cả Mỹ và Anh đều thừa nhận họ đối mặt với nguy cơ thiếu máy thở, nếu dịch COVID-19 càng trở nên nguy hiểm, và họ phải tăng cường mua hoặc sản xuất thêm máy thở. Trong nỗ lực trữ đủ máy thở cho người dân nước mình, một số chính phủ còn cấm các công ty sản xuất xuất khẩu máy thở ra nước ngoài.
Khi phỏng vấn khoảng chục công ty Nga bán máy thở, Moscow Times phát hiện danh sách chờ mua hàng không ghi ngày cụ thể. Đa số nơi bán nói họ không biết khi nào có thêm máy thở trong kho hàng của họ.
Artyom Sivachev, Giám đốc kinh doanh của Công ty MediKo (Moscow) nói: “Chúng tôi đã bán sạch mọi thứ trong kho. Hiện chúng tôi hy vọng các đối tác quốc tế sẽ giao thêm hàng”. Ông còn cho biết đã nhận vô số cuộc điện thoại tư nhân để đặt mua máy thở trong hai tuần qua, nhưng nhấn mạnh chính sách công ty là không bán sản phẩm này cho các tư nhân.
Tuy nhiên, đa số người bán đã trao đổi với Moscow Times đều cho biết họ có bán máy thở cho người mua tư nhân, và số khách hàng đó chiếm 30% trong tổng doanh số bán hàng của họ hai tuần qua.
Các nhà buôn còn nói họ đã bán hết máy thở từ ngày 16.3. Bà Dinara Yenokayeva, Giám đốc kinh doanh của Công ty Oxy2.ru cho biết công ty đã nhận quá nhiều cuộc gọi điện thoại nên đã phải ngưng nhận đơn đặt hàng. Bà hy vọng công ty có đợt hàng mới vào cuối tháng 4 tới, nhưng công ty cũng đã ở trong một danh sách chờ giao hàng khá dài.
Các chuyên gia y tế nói với Moscow Times rằng khâu sản xuất máy thở không phải là thế mạnh của Nga, và các sản phẩm này chủ yếu là hàng Ý, Đức hoặc “made in China”. Nhưng Ý, Đức đã tạm cấm các nhà sản xuất bán máy thở ra nước ngoài, nên vài nhà buôn Nga nói họ phải trông cậy vào sản phẩm của Brazil, Israel và Mỹ.
Mỹ Trinh (theo Moscow Times)