Ý, Tây Ban Nha, Đức đều ghi nhận mức tăng ca nhiễm trên 2.000, Pháp trên 1.000. Các quốc gia châu Âu khác cũng có hàng trăm ca nhiễm mới.
Tổng số người mắc COVID-19 tại Ý tăng lên 59.138, ca tử vong 5.476 trường hợp. Trải qua hai tuần phong tỏa mà chưa thể kiểm soát tình hình, giới chức nước này quyết định siết chặt hạn chế: đóng cửa mọi nhà máy và cửa hàng không cần thiết trừ siêu thị, ngân hàng, hiệu thuốc, bưu điện; cấm đi lại giữa các thành phố trừ khi có lý do khẩn cấp hay liên quan đến sức khỏe.
Tại Rome, cảnh sát kiểm tra giấy tờ và phạt những người ra ngoài mà không có lý do chính đáng. Cửa hàng còn mở cửa chỉ đón lượng khách giới hạn trong một thời điểm.
Phó chủ tịch Hiệp hội Y khoa Varese (Lomberdy) Saverio Chiaravalle cho biết cư dân nhiều thành phố vẫn xem nhẹ lệnh phong tỏa đem lại nguy cơ lây lan dịch bệnh, nên ông đồng tình với việc siết chặt hạn chế.
Dịch bệnh tại Tây Ban Nha cũng tồi tệ không kém: 28.603 ca nhiễm cùng 1.756 ca tử vong. Thủ tướng Pedro Sanchez thông báo khả năng kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 15 ngày.
“Thời gian khó khăn ở phía trước. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng”, Thủ tướng Sanchez kêu gọi. Giới chức Tây Ban Nha dự tính mua bốn robot có khả năng tiến hành 80.000 xét nghiệm/ngày nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đẩy mạnh hoạt động sản xuất trang thiết bị y tế trong nước cùng với tăng mua từ nước ngoài.
Số ca nhiễm tại Đức tăng lên 24.873, với 94 ca tử vong. Pháp đến nay chỉ có 16.018 ca nhiễm nhưng ca tử vong lại lên đến 674 trường hợp.
Số ca nhiễm tại Anh, Hà Lan, Áo, Bỉ đều vượt hơn 3.000 – lần lượt là 5.683, 4.204, 3.580, 3.401. Na Uy có 2.263 ca, Thụy Điển 1.931 ca.
Cẩm Bình (theo Daily Mail, The Local Spain, World Meter)