Akademik Lomonosov, nhà máy điện hạt nhân nổi do Nga xây dựng, ngày 28.4 đã được kéo khỏi xưởng đóng tàu ở St Petersburg để bắt đầu chuyến ra khơi đầu tiên của mình.
Nhà máy sẽ đi qua biển Baltic và vòng qua bờ biển Na Uy rồi đến thành phố Murmansk. Tại đây, các lò phản ứng hạt nhân sẽ được nạp nhiên liệu. Dự kiến Akademik Lomonosov đi vào hoạt động trong năm 2019 tại vùng Chukotka ở vùng đông bắc nước Nga, cung cấp điện cho một thành phố cảng và các giàn khoan dầu.
Akademik Lomonosov thuộc sở hữu của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom). Lò phản ứng và nhiều phần khác của nhà máy điện nổi được công ty OKBM Afrikantov thiết kế. Đơn vị này cho biết Akademik Lomonosov là dự án thí điểm, nếu thành công thì sẽ có thêm vài nhà máy nổi nữa ra đời.
Theo World Nuclear News, Akademik Lomonosov có ít nhất hai lò phản ứng hạt nhân, giống với loại được dùng trên những tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga. Không như tàu thông thường, nhà máy nổi không thể tự di chuyển mà phải có tàu kéo.
OKBM Afrikantov khẳng định những nhà máy hạt nhân nổi như Akademik Lomonosov được thiết kế để hoạt động tại các khu vực khó tiếp cận gần bờ biển hay bờ sông lớn, vì vậy chúng có thể chịu được nhiều loại tác động từ thiên nhiên (như sóng thần, lốc xoáy) cũng như va chạm với tàu khác.
Dự án Akademik Lomonosov đã nhận phải không ít chỉ trích từ những nhà bảo vệ môi trường. Tổ chức Greenpeace đã gọi đây là “Chernobyl nổi” (ý nhắc đến thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986) và “tàu Titanic hạt nhân”.
Theo chuyên gia hạt nhân Jan Haverkamp của Greenpeace: “Các lò phản ứng hạt nhân được đưa đi quanh Bắc Băng Dương sẽ là một mối đe dọa đáng sợ với môi trường mong manh, vốn đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu”.
Cẩm Bình (theo Sky News)