Naura Technology Group đã yêu cầu các nhân viên Mỹ của họ ở Trung Quốc ngừng tham gia phát triển linh kiện và máy móc, theo một nguồn tin tóm tắt về quyết định này.
Trong một thông báo nội bộ, Naura Technology Group (nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh và niêm yết ở Thâm Quyến) đã yêu cầu các kỹ sư Mỹ của họ ngừng làm việc với các dự án nghiên cứu và phát triển.
Thông báo được đưa ra sau quy định của Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ (BIS), cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, hạn chế “khả năng của người Mỹ trong việc hỗ trợ phát triển hoặc sản xuất” chip tại một số cơ sở sản xuất chất bán dẫn đặt tại Trung Quốc mà không có giấy phép.
Hạn chế sự tham gia của công dân Mỹ vào phát triển chip ở Trung Quốc là một phần quy định sâu rộng do chính quyền ông Biden đưa ra, cùng với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt và rộng rãi nhằm làm chậm lại bước tiến của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Các nhà cung cấp thiết bị chip của Mỹ đang rút nhân viên Mỹ khỏi các cơ sở Trung Quốc, tờ Wall Street Journal đưa tin.
Đầu tuần này, Naura Technology Group cho biết trong một hồ sơ trên thị trường chứng khoán rằng công ty con là Beijing Naura Magnetoelectric Technology nằm trong danh sách chưa được xác minh của Bộ Thương mại Mỹ.
Naura Technology Group hạ thấp hành động của Mỹ khi nói rằng Beijing Naura Magnetoelectric Technology chỉ chiếm 0,5% tổng doanh thu hàng năm. Dù vậy, giá cổ phiếu Naura Technology Group đã giảm 20% trong tuần này.
YMTC (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc) và 30 đơn vị khác trong lĩnh vực bán dẫn Trung Quốc gần đây bị BIS đưa vào Danh sách chưa được xác minh (UVL). Các bên có quyền lợi chưa được BIS xác minh sẽ bị đưa vào UVL. Những công ty này không đủ điều kiện để nhận các mặt hàng theo Quy định Quản lý Xuất khẩu của chính phủ Mỹ.
Theo các quy tắc cập nhật được BIS công bố vào ngày 7.10, các công ty thuộc UVL không cung cấp dữ liệu cần thiết cho quy trình xác minh của BIS có thể bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ, được gọi là danh sách thực thể.
Naura Technology Group không có khả năng cung cấp dữ liệu bổ sung cho chính phủ Mỹ vì tư cách là một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Quy định mới của Mỹ trong các lệnh trừng phạt thương mại chống lại Trung Quốc đánh dấu sự leo thang so với các biện pháp trước đó, vốn chỉ bao gồm hàng hóa và công nghệ. Nó đang gây ra làn sóng chấn động khắp ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, nơi nhiều doanh nhân, lãnh đạo cấp cao và nhà khoa học là công dân Mỹ.
Theo đánh giá về hồ sơ C-suite được công bố bởi các công ty Trung Quốc niêm yết gồm AmLogic, Advanced Micro-Fabrication Equipment of China (AMEC), 3Peak, Starpower Semiconductor, ACM Research và Halo Microelectronics, có hàng chục lãnh đạo sở hữu quốc tịch Mỹ trong ngành công nghiệp chip của Trung Quốc. Hầu hết họ là công dân nhập tịch sinh ra ở Trung Quốc và học tại các trường đại học của Mỹ hoặc làm việc trong ngành công nghiệp chip Mỹ.
Ví dụ, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AMEC (niêm yết tại Thượng Hải) là Gerald Yin Zhiyao, sinh ra ở Bắc Kinh và theo học Đại học California (thành phố Los Angeles, Mỹ) vào năm 1980, theo tiểu sử chính thức của ông.
Gerald Yin tiếp tục làm kỹ sư tại Intel (Mỹ) và trở thành Giám đốc công nghệ của chi nhánh Applied Materials (Mỹ) ở châu Á. Người đàn ông 78 tuổi này thành lập AMEC vào năm 2004, theo hồ sơ của công ty.
Zhou Zhixu (công dân Mỹ khác) là Chủ tịch 3Peak được niêm yết tại Thượng Hải, tập trung vào các sản phẩm và hệ thống mạch tích hợp tương tự (IC). Zhou Zhixu thành lập 3Peak vào năm 2008 sau khi làm lãnh đạo công nghệ cấp cao tại Motorola trong 13 năm. Theo hồ sơ của 3Peak, ông cũng có bằng tại Đại học Arizona ở Mỹ.
Wayne Dai Wei-Ming (sinh ra ở Thượng Hải) là giáo sư kỹ thuật máy tính tại Đại học California (thành phố Santa Cruz, Mỹ) trước khi khởi nghiệp với VeriSilicon vào năm 2001. Công ty thiết kế chip này niêm yết tại Thượng Hải vào năm 2020.
Tại một số công ty Trung Quốc, việc mang hộ chiếu Mỹ có thể được coi như một tài sản. Đội ngũ nhân sự công nghệ chủ chốt tại Piotech, nhà cung cấp thiết bị bán dẫn màng mỏng được niêm yết tại Thượng Hải vào tháng 4, chủ yếu gồm các công dân Mỹ. Cụ thể là 6 trong số 7 thành viên của đội được liệt kê trong bản cáo bạch từ công ty. Đó là những người đã theo học các trường đại học ở Mỹ và làm việc tại các nhà sản xuất chip hàng đầu tại nước này, bao gồm cả Intel và Lam Research.
Các giám đốc công nghệ tại Focuslight Technologies (công ty thiết kế laser diode công suất cao) và Vanchip Technology (thiết kế bộ khuếch đại công suất tần số vô tuyến) đều là công dân Mỹ.
Tuy nhiên, không có công ty Trung Quốc nào công bố số lượng hoặc tỷ lệ nhân viên Mỹ trong bảng lương của họ.
Theo tiết lộ từ Naura Technology Group, tất cả lãnh đạo cấp cao của công ty đều là công dân Trung Quốc. Không rõ có bao nhiêu nhân viên Mỹ đang làm việc tại công ty sản xuất máy lắng đọng hơi hóa chất - công đoạn cần thiết trong sản xuất chip liên quan đến việc lắng các màng mỏng lên các tấm silicon.