Những hạn chế mới của chính quyền Biden với hàng loạt hãng chip Trung Quốc có thể khiến các lãnh đạo người Mỹ tại các công ty mục tiêu rơi vào tình thế bấp bênh.

Sếp người Mỹ ở các hãng chip Trung Quốc hoang mang vì biện pháp hạn chế xuất khẩu mới

Sơn Vân | 11/10/2022, 23:56

Những hạn chế mới của chính quyền Biden với hàng loạt hãng chip Trung Quốc có thể khiến các lãnh đạo người Mỹ tại các công ty mục tiêu rơi vào tình thế bấp bênh.

Các hạn chế mới nhất được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào tuần trước không đề cập đến việc làm, nhưng có thể bao hàm bởi các quy tắc mới “hạn chế khả năng của người Mỹ hỗ trợ phát triển hoặc sản xuất chip tại một số cơ sở sản xuất chất bán dẫn đặt tại Trung Quốc mà không có giấy phép”.

JW Insights, công ty nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn ở Trung Quốc, cho biết cụm từ “người Mỹ” có thể là “một trong những từ có ảnh hưởng nhất” trong các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất.

Sự leo thang mới nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm hạn chế hoặc làm chậm sự tiến bộ công nghệ của đối thủ địa chính trị.

Theo Ruan Donghui, luật sư tại công ty Dentons, trong khi các chi tiết cụ thể về việc triển khai vẫn chưa rõ ràng, các quy tắc có thể phủ bóng lên các lãnh đạo và nhân viên công nghệ có quốc tịch Mỹ hoặc thường trú nhân tại các công ty chip Trung Quốc.

Theo đánh giá về hồ sơ C-suite được công bố bởi các công ty Trung Quốc niêm yết gồm AmLogic, Advanced Micro-Fabrication Equipment of China (AMEC), 3Peak, Starpower Semiconductor, ACM Research và Halo Microelectronics, có hàng chục lãnh đạo sở hữu quốc tịch Mỹ trong ngành công nghiệp chip của Trung Quốc. Hầu hết họ là công dân nhập tịch sinh ra ở Trung Quốc và học tại các trường đại học của Mỹ hoặc làm việc trong ngành công nghiệp chip Mỹ.

Ví dụ, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành AMEC (niêm yết tại Thượng Hải) là Gerald Yin Zhiyao, sinh ra ở Bắc Kinh và theo học Đại học California (thành phố Los Angeles, Mỹ) vào năm 1980, theo tiểu sử chính thức của ông.

Gerald Yin tiếp tục làm kỹ sư tại Intel và trở thành Giám đốc công nghệ của chi nhánh Applied Materials (Mỹ) ở châu Á. Người đàn ông 78 tuổi này thành lập AMEC vào năm 2004, theo hồ sơ của công ty.

Zhou Zhixu (công dân Mỹ khác) là Chủ tịch 3Peak được niêm yết tại Thượng Hải, tập trung vào các sản phẩm và hệ thống mạch tích hợp tương tự (IC). Zhou Zhixu thành lập 3Peak vào năm 2008 sau khi làm lãnh đạo công nghệ cấp cao tại Motorola trong 13 năm. Theo hồ sơ của 3Peak, ông cũng có bằng tại Đại học Arizona ở Mỹ.

Wayne Dai Wei-Ming (sinh ra ở Thượng Hải) là giáo sư kỹ thuật máy tính tại Đại học California (thành phố Santa Cruz, Mỹ) trước khi khởi nghiệp với VeriSilicon vào năm 2001. Công ty thiết kế chip này niêm yết tại Thượng Hải vào năm 2020.

Tại một số công ty Trung Quốc, việc mang hộ chiếu Mỹ có thể được coi như một tài sản. Đội ngũ nhân sự công nghệ chủ chốt tại Piotech, nhà cung cấp thiết bị bán dẫn màng mỏng được niêm yết tại Thượng Hải vào tháng 4, chủ yếu gồm các công dân Mỹ. Cụ thể là 6 trong số 7 thành viên của đội được liệt kê trong bản cáo bạch từ công ty. Đó là những người đã theo học các trường đại học ở Mỹ và làm việc tại các nhà sản xuất chip hàng đầu trong nước này, bao gồm cả Intel và Lam Research.

Các giám đốc công nghệ tại Focuslight Technologies (công ty thiết kế laser diode công suất cao) và Vanchip Technology (thiết kế bộ khuếch đại công suất tần số vô tuyến) đều là công dân Mỹ.

sep-nguoi-my-o-cac-hang-chip-trung-quoc-hoang-mang-vi-bien-phap-han-che-xuat-khau.jpg
Một số lãnh đạo các công ty chip Trung Quốc bị nhắm mục tiêu là công dân Mỹ, khiến họ rơi vào tình thế bấp bênh sau những hạn chế xuất khẩu mới nhất - Ảnh: Shutterstock

Sự hợp tác công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây đã dẫn đến nhiều doanh nhân, giám đốc điều hành và nhà khoa học đóng góp vào sự hội nhập của ngành công nghiệp bán dẫn hai nước. Tuy nhiên, sự thù địch gia tăng kể từ chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây áp lực ngày càng lớn lên các công ty chip Trung Quốc.

Ít nhất một công ty chip Trung Quốc bị Mỹ nhắm mục tiêu đã đối phó với sự ra đi của lãnh đạo những tuần gần đây. Simon Yang đã từ chức Giám đốc điều hành YMTC (nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Trung Quốc) vào tháng trước.

Theo tiểu sử chính thức của mình, Simon Yang theo học tại Học viện Bách khoa Rensselaer ở thành phố Troy (bang New York, Mỹ) và làm việc ở Mỹ trong hai thập kỷ trước khi trở về Trung Quốc năm 2010. Tuy nhiên, không có thông tin công khai nào về quốc tịch của Simon Yang.

Simon Yang sẽ rời khỏi vai trò giám đốc điều hành YMTC - công ty con của Tsinghua Unigroup nhưng sẽ ở lại công ty với tư cách là phó chủ tịch, theo trang web tin tức ngành công nghiệp Trung Quốc - IC Rank.

Chen Nanxiang, chuyên gia kỳ cựu trong ngành và là cựu Phó tổng giám đốc hãng China Resources Microelectronics, đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành YMTC, theo báo cáo.

Simon Yang từ chức vì lý do cá nhân, theo trang Tech News (Đài Loan). YMTC đã không trả lời câu hỏi về vấn đề này.

Simon Yang là kỹ sư được đào tạo tại Mỹ, từng làm việc tại Intel và GlobalFoundries trong hơn một thập kỷ. Ông là một trong những nhân vật hàng đầu trong việc thúc đẩy sự tự lực về công nghệ của Trung Quốc.

Năm 2001, Simon Yang trở thành một trong những thành viên sáng lập Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc và trở thành giám đốc điều hành công ty này năm 2010 trước khi từ chức vào năm sau.

Tháng 1.2013, hãng sản xuất chip nhớ Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp thông báo Simon Yang đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành mới của mình. Tsinghua Unigroup mua lại Wuhan Xinxin Semiconductor Manufacturing Corp vào năm 2016, khi nó được chuyển đổi thành YMTC.

Dưới sự lãnh đạo của Simon Yang, YMTC nhanh chóng phát triển thành một gã khổng lồ trong ngành. Theo truyền thông Trung Quốc, một trong những sản phẩm mới nhất của YMTC là chip 232 lớp, có thể xếp nó ngang hàng với các nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu như Samsung Electronics, Micron và SK Hynix.

Sự phát triển của YMTC khiến Mỹ chú ý. Chính quyền Biden được cho là đang cân nhắc lệnh cấm bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Mỹ cho các xưởng đúc chip NAND flash tiên tiến ở Trung Quốc, với lý do “mối đe dọa ngày càng tăng” do các hãng như YMTC gây ra với an ninh quốc gia và các công ty chip Mỹ.

Tin tức Apple đang xem xét sử dụng bộ nhớ flash của YMTC cho iPhone bán ở Trung Quốc cũng làm dấy lên sự phẫn nộ của một số nhà lập pháp Mỹ. Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi xem xét an ninh quốc gia về một thỏa thuận tiềm năng giữa hai công ty, với lý do lo ngại về quyền riêng tư và lỗ hổng bảo mật.

Hôm 30.9, hai nghị sĩ đảng Cộng hòa thông báo đã đưa ra dự luật để "áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt" YMTC, qua đó sẽ ngăn Apple sử dụng chip của công ty Trung Quốc.

YMTC đã bác bỏ tuyên bố từ các chính trị gia Mỹ rằng họ có quan hệ với quân đội Trung Quốc, nhưng không bình luận công khai về triển vọng của các lệnh trừng phạt.

Công ty cũng kín tiếng về những đột phá mới nhất trong sản phẩm chip nhớ của mình.

Bài liên quan
Các hãng chip Đài Loan sẽ tuân thủ biện pháp mới mà Mỹ trừng phạt Trung Quốc
Chính quyền Đài Loan cho biết các công ty bán dẫn trên đảo rất coi trọng việc tuân thủ luật pháp, đồng thời báo hiệu rằng họ sẽ tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ nhằm làm chậm các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sếp người Mỹ ở các hãng chip Trung Quốc hoang mang vì biện pháp hạn chế xuất khẩu mới