Chính phủ Ấn Độ sẽ thúc giục Apple, Samsung và các nhà sản xuất ĐTDĐ khác ưu tiên triển khai các bản nâng cấp phần mềm để hỗ trợ 5G ở nước này.

Ấn Độ thúc giục Apple, Samsung, Vivo, Xiaomi nâng cấp phần mềm ĐTDĐ để hỗ trợ mạng 5G tốc độ cao

Sơn Vân | 11/10/2022, 17:38

Chính phủ Ấn Độ sẽ thúc giục Apple, Samsung và các nhà sản xuất ĐTDĐ khác ưu tiên triển khai các bản nâng cấp phần mềm để hỗ trợ 5G ở nước này.

Động thái đó diễn ra trong bối cảnh lo ngại rằng nhiều mẫu smartphone của các hãng chưa sẵn sàng cho dịch vụ internet tốc độ cao 5G mới ra mắt gần đây ở Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ - Narendra Modi đã giới thiệu 5G vào ngày 1.10 trong bối cảnh có nhiều sự phô trương, với nhà mạng viễn thông di động hàng đầu Reliance Jio cho biết sẽ cung cấp dịch vụ này ở 4 thành phố, còn đối thủ Bharti Airtel thì mang 5G đến 8 thành phố. Cả hai công ty đều cho biết dịch vụ 5G sẽ được mở rộng vào năm tới.

Thế nhưng, các mẫu iPhone của Apple, gồm cả dòng iPhone 14, và nhiều smartphone hàng đầu Samsung không có phần mềm tương thích để hỗ trợ 5G ở Ấn Độ, theo ba nguồn tin trong ngành và trang web của Bharti Airtel.

Lo ngại về điều này, các quan chức hàng đầu từ Cục Viễn thông và CNTT của Ấn Độ sẽ chủ trì một cuộc họp vào ngày 12.10 về việc áp dụng 5G sớm, yêu cầu lãnh đạo các hãng smartphone nước ngoài như Apple, Samsung, Vivo, Xiaomi cũng như những nhà khai thác viễn thông trong nước như Reliance Jio, Bharti Airtel và Vodafone Idea có mặt, theo một tài liệu của chính phủ mà Reuters nhìn thấy.

Chương trình bao gồm tổ chức các cuộc đàm phán để ưu tiên và phát hành các bản nâng cấp phần mềm để hỗ trợ mạng 5G tốc độ cao.

Apple, Samsung Electronics, Vivo, Xiaomi cũng như ba nhà khai thác viễn thông trong nước đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện trên. Cục Viễn thông và CNTT của Ấn Độ cũng không phản hồi.

Ấn Độ cho biết việc ra mắt 5G tại thị trường di động lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, sẽ mang lại internet tốc độ cao cho người tiêu dùng, đồng thời đem đến lợi ích kinh tế xã hội trong các lĩnh vực như nông nghiệp và y tế.

an-do-ep-apple-samsung-vivo-xiaomi-nang-cap-phan-mem-tren-dtdd-de-ho-tro-5g-toc-do-cao.jpg
Người dân đứng trước bảng mô tả mạng 5G tại Đại hội Di động Ấn Độ ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: Reuters

Vào tháng 8, Reliance Jio (nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Ấn Độ với hơn 420 triệu khách hàng) đã giành được hợp đồng phát sóng trị giá 11 tỉ USD trong cuộc đấu giá phổ tần 5G trị giá 19 tỉ USD. Bharti Airtel được hợp đồng hơn 5 tỉ USD, trong khi Vodafone Idea là hơn 2 tỉ USD.

Trong khi các hãng viễn thông và công ty smartphone đang thảo luận với nhau, việc giải quyết các vấn đề tương thích giữa công nghệ 5G cụ thể của các hãng viễn thông ở Ấn Độ và phần mềm điện thoại đang mất nhiều thời gian, theo một trong những nguồn tin trong ngành.

Trang web Bharti Airtel hôm 11.10 cho thấy Apple chưa cập nhật phần mềm cho tất cả các mẫu iPhone từ 12 đến 14 trong phần tương thích với 5G của công ty Ấn Độ. Nhiều mẫu smartphone Samsung vẫn chưa sẵn sàng, trong khi hơn 36 mẫu máy Xiaomi và Vivo đã sẵn sàng để sử dụng với dịch vụ 5G của Bharti Airtel.

"Apple đã mất rất nhiều thời gian. Airtel đã lo ngại về điều này vì nhiều khách hàng cao cấp của họ đang sử dụng thiết bị Apple", theo một nguồn tin thứ hai trong ngành có kiến ​​thức trực tiếp về tình hình. Người này cho biết Apple và Airtel đã đàm phán.

Một nguồn tin thứ ba cho biết Apple đang trong quá trình thử nghiệm và xác nhận các dịch vụ 5G khác nhau từ các nhà cung cấp mạng ở Ấn Độ.

Hôm 4.10, tờ Bloomberg đưa tin xuất khẩu iPhone của Apple từ Ấn Độ đã vượt 1 tỉ USD trong 5 tháng kể từ tháng 4.

Động thái này phản ánh sự đặt cược ngày càng tăng của gã khổng lồ công nghệ vào Ấn Độ trong bối cảnh quốc gia Nam Á thúc đẩy sản xuất trong nước.

Báo cáo cho biết các lô iPhone xuất khẩu từ Ấn Độ, chủ yếu đến châu Âu và Trung Đông, sẽ đạt 2,5 tỉ USD trong 12 tháng tính đến hết tháng 3.2023, gần như gấp đôi so với tính từ tháng 3.2022, báo cáo trích dẫn các nguồn tin.

Apple đã bắt đầu sản xuất iPhone ở Ấn Độ từ năm 2017. Đầu năm nay, gã khổng lồ công nghệ Mỹ bắt đầu sản xuất iPhone 13. Tuần trước, công ty có trụ sở ở thành phố Cupertino, bang California, Mỹ đã công bố kế hoạch sản xuất iPhone 14 ở quốc gia này.

Các smartphone Apple được xuất khẩu từ Ấn Độ vào khoảng thời gian tháng 4 đến tháng 8.2022 gồm các mẫu iPhone 11, 12 và 13, tờ Bloomberg cho biết.

Báo cáo được đưa ra khi Apple đang tìm cách chuyển một số lĩnh vực sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang các thị trường khác.

Ấn Độ là thị trường smartphone lớn thứ hai trên thế giới, nơi hãng cũng đang có kế hoạch lắp ráp iPad.

Ấn Độ, Việt Nam, Mexico đang ngày càng quan trọng với các nhà cung cấp cho các thương hiệu Mỹ, gồm cả Apple, khi họ tìm cách đa dạng hóa sản xuất và tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, trong bối cảnh phong tỏa xảy ra thường xuyên và căng thẳng Mỹ - Trung âm ỉ.

Ấn Độ muốn dùng hệ thống định vị riêng, Apple, Samsung và Xiaomi lo ngại

GPS (hệ thống định vị toàn cầu) là một trong những hệ thống định vị dựa trên vệ tinh phổ biến nhất trên thế giới. Song có những công nghệ khác cung cấp vị trí chính xác bằng vệ tinh và Ấn Độ đang cố gắng thúc đẩy NavIC, hệ thống định vị của riêng mình.

Theo Reuters, chính phủ Ấn Độ muốn giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống nước ngoài như GPS (do Mỹ sở hữu) bằng cách tạo ra các công nghệ của riêng mình. Một trong những công nghệ này là NavIC (điều hướng với chòm sao Ấn Độ), hoạt động khá giống với GPS nhưng tập trung vào việc cung cấp “điều hướng nội địa chính xác hơn” cho người dùng Ấn Độ.

NavIC đã được phê duyệt vào năm 2006 nhưng chỉ đi vào hoạt động đầy đủ vào 2018 với 8 vệ tinh bao phủ toàn bộ lãnh thổ của Ấn Độ, cùng một số khu vực khác xung quanh lục địa.

Dù chính phủ có kế hoạch mở rộng phạm vi phủ sóng của NavIC đến những nơi khác trên hành tinh, Ấn Độ vẫn muốn các hãng công nghệ làm cho thiết bị của họ tương thích với tiêu chuẩn mới trước đó. Tuy nhiên, một số nhà cung cấp smartphone lớn dường như không hài lòng với tin tức này.

Đại diện của Apple, Samsung và Xiaomi cho biết trong các cuộc họp riêng rằng việc làm cho thiết bị của họ tương thích với NavIC sẽ tăng chi phí sản xuất đáng kể. Các công ty cũng tuyên bố rằng việc triển khai công nghệ như vậy sẽ yêu cầu "nhiều khoảng trống thử nghiệm hơn", điều này dường như không khả thi với việc áp dụng vào năm 2023.

Một trong những lãnh đạo của Samsung Ấn Độ nói với các quan chức nước này rằng việc hỗ trợ NavIC đòi hỏi phải có chipset mới, các thay đổi phần cứng khác và hầu hết công ty đều “chuẩn bị sẵn sàng cho các mô hình sẽ ra mắt vào năm 2024”. Vị này cho rằng việc triển khai NavIC trên smartphone sẽ không khả thi cho đến năm 2025.

Một mối quan tâm khác của các hãng công nghệ là liên quan đến tần suất hoạt động của hệ thống NavIC. Hiện tại, chính phủ Ấn Độ dựa vào tần số vệ tinh L5, tần số ít phổ biến hơn với smartphone (Apple hiện hỗ trợ L5 với iPhone 14 Pro và Apple Watch Ultra). Các công ty đang cố gắng thuyết phục Ấn Độ sử dụng tần số L1, giống như tần số GPS.

apple-samsung-xiaomi-lo-ngai-khi-an-do-muon-dung-he-thong-dinh-vi-rieng.jpg
Apple và các công ty khác lo ngại khi Ấn Độ cố gắng thúc đẩy hệ thống GPS của riêng mình. Việc áp dụng NavIC có thể mất vài năm

Ấn Độ có thể khẳng định rằng nước này không đơn độc trong việc muốn có hệ thống định vị của riêng mình. Ví dụ iPhone đã hỗ trợ GLONASS của Nga, Galileo của Liên minh châu Âu (EU), QZSS của Nhật Bản và BeiDou của Trung Quốc. Tất nhiên, các hệ thống định vị này đã ra mắt trước NavIC rất lâu và phải mất một thời gian trước khi Apple cùng các công ty khác triển khai chúng trên các thiết bị của họ.

Chính phủ Ấn Độ được biết đến với việc áp thuế địa phương cao với các sản phẩm không sản xuất tại địa phương. Đó là lý do tại sao Apple hiện lắp ráp iPhone tại Ấn Độ. Hiện vẫn chưa rõ liệu chính phủ Ấn Độ có sử dụng cách tiếp cận tương tự để buộc áp dụng NavIC trên smartphone mới không.

Bài liên quan
Xuất khẩu iPhone từ Ấn Độ đạt 1 tỉ USD trong 5 tháng, Apple có dễ thoát phụ thuộc Trung Quốc?
Hôm 4.10, tờ Bloomberg đưa tin xuất khẩu iPhone của Apple từ Ấn Độ đã vượt 1 tỉ USD trong 5 tháng kể từ tháng 4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ thúc giục Apple, Samsung, Vivo, Xiaomi nâng cấp phần mềm ĐTDĐ để hỗ trợ mạng 5G tốc độ cao