Với người bình thường thì mặc quần áo là hành động dễ dàng chẳng đáng chú ý. Thế nhưng xử lý nút, khóa kéo, miếng dán trên trang phục đối với người bị hạn chế khả năng vận động lại là thách thức lớn.
Vì vậy mà thời trang thích ứng (adaptive fashion) ra đời, cho thấy nhu cầu của người khuyết tật và người gặp khó khăn về thể chất cuối cùng đã được chú ý đến. Trang phục thiết kế cho nhóm khách hàng này giúp họ có thể tự mặc quần áo – qua đó giúp họ tự tin hơn.
Nhà thiết kế người Singapore Claudia Poh tập trung thiết kế loại trang phục này. Thời gian gần đây cô làm việc với Trạm Hỗ trợ đột quỵ (S3) - một trung tâm hồi phục chức năng cho bệnh nhân đột quỵ - về bộ sưu tập quần áo người qua khỏi cơn đột quỵ có thể tự mặc dễ dàng. Trang phục có nhiều chi tiết đặc biệt như khóa kéo bằng dây buộc từ tính thay thế nút hay khóa kéo, túi ẩn đặt được ống thông truyền dịch.
Đội ngũ chuyên gia trị liệu và người qua khỏi cơn đột quỵ tham gia vào quá trình thiết kế. Poh chia sẻ: “Đây là quá trình hợp tác. Chúng tôi tập hợp kiến thức chuyên môn của mỗi bên cho một mục tiêu chung: khiến quần áo dễ mặc hơn với bệnh nhân đột quỵ. Tôi nhận ra khóa kéo là thách thức lớn với họ vì chúng cần hai tay để xử lý. Do đó chúng tôi dùng một loại khóa dễ cầm hơn”.
Thông qua nhiều cuộc trò chuyện, Poh cùng chuyên gia trị liệu và bệnh nhân đột quỵ lại nhìn ra thêm cơ hội sửa đổi trang phục dựa trên khả năng vận động linh hoạt của người mặc. Ví dụ một khách hàng tại S3 đề xuất chuyển vòng thắt lưng gần mặt trước dây khóa kéo hơn để bà có thể mặc quần dễ dàng hơn.
Con đường đến với thời trang thích ứng
Thời trang thích ứng không phải là điều mới mẻ đối với Poh. Cô có thương hiệu riêng tên Werable cùng nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế trang phục loại này từ lúc còn là sinh viên.
“Năm 16 tuổi, tôi biết cách duy nhất để đạt được ước mơ trở thành một doanh nhân thành đạt là thử thách bản thân trong môi trường và đất nước mới. Tôi theo đuổi con đường của mình, theo học cả hai trường nghệ thuật Parsons Paris và Parsons New York. Chính tại đây, tôi học được những cách mới lạ khiến thời trang phục vụ con người và phát triển hướng đi phục vụ cộng đồng của riêng tôi”, Poh chia sẻ.
Thời gian ở New York, Poh từng làm trợ lý nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế thời trang thích ứng. Công việc này cùng một cơ duyên đã đặt nền tảng cho sự nghiệp hiện tại.
“Lúc tôi học năm ba, một người bạn nhờ tôi sửa trang phục. Mùa đông ở New York rất khắc nghiệt nên cần có áo khoác dày để giữ ấm. Nhưng ra vào các tòa nhà cần cởi và mặc áo khoác, cô ấy bị liệt tay nên việc này rất khó khăn nếu không có trợ giúp. Tôi hợp tác với bạn bè thiết kế một áo khoác mà cô bạn của tôi có thể tự mặc. Sau trải nghiệm này tôi thấy mọi dự án khác đều vô nghĩa. Tôi bắt đầu tìm tòi giải pháp thời trang thích ứng không chỉ giúp ích cho người khuyết tật mà còn cho bất kỳ ai yêu thích thời trang tiện lợi dễ mặc”, Poh kể lại.
Tích hợp công nghệ
Poh cùng bạn học Amy Yu Chen và bạn cùng phòng Julia Liao triển khai dự án Cair Collective thiết kế quần áo cho cô bạn bị liệt tay. Bộ sưu tập đem lại trải nghiệm mặc quần áo được hỗ trợ bởi công nghệ.
Ý tưởng được Poh ví như mô hình dùng không khí tạo ra cách thức tự động cho việc mặc quần áo. Sản phẩm khéo léo nhất trong bộ sưu tập là váy bơm hơi: trang phục kết nối tiện lợi với máy bơm hơi thông qua nam châm, phồng lên cứng cáp cho phép người mặc có thể xoay váy qua hông, cài dây eo rồi làm xẹp váy.
Với thương hiệu Werable, Poh thiết kế cả váy lẫn áo có thể được mặc chỉ bằng một tay. Cô dùng tới dây buộc từ tính, khóa dễ cầm, tay áo và dây thắt lưng đàn hồi, túi ẩn.
Trang phục thích ứng Poh thiết kế rất hợp mốt và tinh tế khiến người ta không nhận ra đây là trang phục cho người bị hạn chế về khả năng vận động.