Tối qua, 15.4, một trận hỏa hoạn lớn gây tổn thất nặng nề cho nhà thờ Đức Bà Paris, vốn được coi là biểu tượng lịch sử, văn hóa vô giá của Paris và nước Pháp.
Trận hỏa hoạn ở nhà thờ Đức Bà Paris khiến người dân Pháp bàng hoàng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là một "thảm kịch kinh hoàng".
Được khởi công từ năm 1160, nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng trong hơn 1 thế kỷ, được xem là công trình mang kiến trúc Gothic đẹp nhất của nhà thờ Pháp, cùng sự kết hợp với lối kiến trúc chủ nghĩa tự nhiên và Phục hưng.
Công trình được coi là biểu tượng vô giá của Paris, hơn cả tháp Eiffel. Bởi tháp Eiffel chỉ có tuổi đời hơn 1 thế kỷ, trong krong khi đó Nhà thờ Đức Bà Paris đã sừng sững giữa Paris từ hơn 8 thế kỷ trước, từ năm 1200.
Công trình được xây dựng qua hơn 100 năm, trải dài từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 13, từng nhiều lần được trùng tu, cải tạo.
Nhà thờ Đức Bà Paris được nhiều người biết đến qua cuốn tiểu thuyết kinh điển “Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà” (The Hunchback of Notre-Dame") của đại văn hòa Victor Hugo viết năm 1831.
8 thế kỷ và những tổn thất nặng nề
Nhà thờ Đức Bà Paris từng bị tổn thất nặng nề trong cuộc Cách mạng Pháp vào năm 1789. 28 bức tượng trong Phòng trưng bày các vị vua của nhà thờ bị phá hủy trong quá trình nhà thờ bị lục soát.
Các tác phẩm điêu khắc lịch sử trang trí cho các ô cửa, các bức tượng đồng và mái nhà... cũng bị hủy hoại dưới những biến cố thời cuộc. Thậm chí, những chiếc chuông đồng nặng hàng chục tấn cũng bị mang xuống nấu chảy để làm pháo.
Vào năm 1801, Napoléon Bonaparte đã ký sắc lệnh với Tòa thánh, theo đó Giáo hội Công giáo sẽ giành lại quyền kiểm soát Nhà thờ Đức Bà. Các kỹ sư nhanh chóng bắt tay vào tu sửa nhà thờ. Đến năm 1804, nhà thờ được phục hồi ở mức tạm chấp nhận. Năm đó cũng là năm Napoléon Bonaparte được trao vương miện với tư cách là Hoàng đế nước Pháp.
Suốt hai cuộc thế chiến thứ 1 và thứ 2, công trình mang tính biểu tượng của nước Pháp vẫn sừng sững hiên ngang, gần như không bị thiệt hại gì đáng kể.
Thế nhưng, tối qua, vụ hỏa hoạn đã gây thiệt hại lớn cho cấu trúc nhà thờ, khiến hầu như toàn bộ phần mái bị sụp đổ, thiêu trụi một số tác phẩm nghệ thuật và các cổ vật, các cửa sổ hoa hồng cũng thiệt hại phần lớn. Một công trình kiến trúc biểu tượng của đất nước đã sừng sững hơn 8 thế kỷ, không hề hấn gì trong cả 2 cuộc chiến tranh thế giới, nhưng nay lại bị hư hỏng nặng vì hỏa hoạn, có thể hiểu vì sao với nhiều người dân Paris nói riêng và người dân Pháp nói chung, cảm giác của họ sốc tới mức nào.
Kiến trúc đặc biệt của nhà thờ Đức Bà Paris
Tòa nhà có thể chứa tới 6500 người, với chiều dài 128m, chiều rộng 48m, cao 96m. Dù không phải là nhà thờ lớn nhất nước Pháp nhưng nơi đây là biểu tượng vô giá của Paris và điểm đến thu hút du khách.
Công trình có hai tháp, với một tháp nhìn về hướng bắc, một tháp về hướng nam. Hai đỉnh tháp chuông vươn cao như thể hiện sự trường tồn vĩnh cửu.
Một trong những điểm đáng chú ý khác của nhà thờ, đó là 3 bộ cửa sổ hoa hồng bằng tranh kính nổi tiếng có từ thế kỷ 13. Khi ánh sáng xuyên qua cửa sổ, không gian bên trong nhà thờ biến đổi thành những màu sắc huyền ảo khác nhau.
Hầu hết khi du khách tới đây sẽ dành thời gian đứng trước 2 tòa tháp xây dựng theo phong cách Gothic nằm ở phía tây của tòa nhà.
Nhà thờ Đức Bà Paris sở hữu hệ thống chuông là 10 quả chuông. Trong đó, quả lớn nhất có tên Emmanuel, nặng hơn 23 tấn, được lắp ở tòa tháp phía nam vào năm 1685. Vào năm 2013, khi nơi này kỷ niệm 850 năm lịch sử, họ đã đúc những quả chuông khác nhỏ hơn, đặt ở tòa tháp phía bắc. Mỗi quả chuông đặt theo tên một vị Thánh.
Mỗi năm, nhà thờ Đức Bà Paris đón gần 13 triệu lượt khách du lịch tới thăm. Con số này còn lớn hơn so với lượng khách tới tháp Eiffel.
Nhật Hạ