Nhà văn Vũ Hạnh vừa trút hơi thở cuối cùng vào sáng sớm nay (15.8) do tuổi cao, sức yếu, thọ 96 tuổi.
Người con gái thứ sáu của nhà văn Vũ Hạnh là Nguyễn Minh Thuận cho nhà văn Triệu Xuân biết thông tin: "Nhà văn Vũ Hạnh phải nhập viện từ ngày 11.8.2021 vào BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), do bị tai biến. Dù được chữa trị kịp thời, nhưng do tuổi cao, sức yếu, nhà văn Vũ Hạnh đã ra đi nhẹ nhàng…".
Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15.7.1926, tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nho học.
Ông tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Thăng Bình, từ tháng 3.1945 học ban tú tài phần II. Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình, rồi nhà lao Hội An.
Sau Hiệp định Genève, do hoạt động đòi hiệp thương thống nhất nên ông bị địch bắt. Cuối năm 1956, ông được trả tự do, trốn vào Sài Gòn dạy học tư, tìm cách liên lạc với cách mạng. Ông tiếp tục đấu tranh bằng ngòi bút với nhiều bút danh khác nhau: Vũ Hạnh, Hoàng Thanh Kỳ, Minh Hữu, Nguyên Phủ...
Thư viện của nhà văn Triệu Xuân ghi rất rõ về tiểu sử cuộc đời nhà văn Vũ Hạnh: "Học xong tú tài đôi ở Huế thì Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), nhà văn Vũ Hạnh về quê tham gia Việt Minh, hoạt động trong Đội võ trang tuyên truyền, là thành viên Ủy ban Tổng khởi nghĩa huyện Thăng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, ông là trưởng đoàn kịch Thăng Bình, giáo viên dạy văn, rồi tham gia đoàn văn nghệ Thanh niên xung phong Liên khu V".
Sau ngày đất nước thống nhất, từ 1975-1985 ông là Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP.HCM, Ủy viên thường vụ Liên hiệp Các hội VHNT TP.HCM.
Các tác phẩm lớn của nhà văn Vũ Hạnh đã xuất bản gồm: tuyển tập: Bút máu, Chất ngọc, Vượt thác, Người chồng thời đại; truyện dài: Lửa rừng, Cô gái Xà Niêng, Tính sổ cuộc đời, Con chó hào hùng, Ngôi trường đi xuống; tiểu luận, phê bình: Đọc lại truyện Kiều, Tìm hiểu văn nghệ, Cha mẹ bơ vơ, Tuổi trẻ nổi loạn, Người Việt cao quý…