Nhạc sư Vĩnh Bảo vừa qua đời ở quê nhà Đồng Tháp, hưởng thọ 104 tuổi.
Gia đình nhạc sư Vĩnh Bảo chính thức xác nhận ông qua đời tại nhà riêng ở TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) vào ngày 7.1.2021, hưởng thọ 104 tuổi.
“Ông mất tại nhà vào lúc 18 giờ 50 phút sau thời gian nằm viện do tuổi cao. Gia đình đã đưa ông từ bệnh viện về nhà hồi trưa nay và ông mất vào tối nay”, bà Thu Anh, con gái nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới.
Nhạc sư, Giáo sư nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong 6 nhạc sư có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới về nhạc cụ dân tộc - người được cố GS.TS Trần Văn Khê trân trọng gọi là “đệ nhất danh cầm” bởi sự hiểu biết và trình độ diễn tấu các loại nhạc cụ trong đờn ca tài tử như đàn tranh, đàn kìm. Ngoài giảng dạy nghiên cứu âm nhạc, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo còn là một nhạc sĩ trình tấu nhạc cụ đờn ca tài tử ở trình độ cao kiêm nghệ nhân đóng đàn.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) trong một gia đình có truyền thống về đờn ca tài tử Nam Bộ. Từ nhỏ ông đã biết sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dân tộc như đàn kìm, đàn cò.
Từ năm 1955 cho đến năm 1964, ông dạy môn đàn tranh và cũng là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn. Ông cũng đã đi diễn thuyết giới thiệu và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới, như năm 1972 ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp). Từ năm 1970-1972 ông là giáo sư thỉnh giảng về đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ).
Năm 2006, tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới ở Honolulu (Mỹ), nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được vinh danh là 1 trong 6 nhạc sư có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.
Ngoài ra ông còn nhận hàng loạt các giải thưởng danh giá như Giải thưởng Đào Tấn (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh (2015). Năm 2008 ông từng được Chính phủ Pháp tặng Huy chương Nghệ thuật và Văn học cấp bậc Officier. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng tặng ông bằng khen cho công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Từ năm 2018, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo rời TP.HCM về sống tại quê hương Đồng Tháp cho đến ngày qua đời.
Di sản âm nhạc ông để lại cho hậu thế là hàng trăm học trò trên khắp thế giới cùng những công trình nghiên cứu đồ sộ về âm nhạc dân tộc, nhạc đờn ca tài tử và một số tác phẩm truyện ký kể về quá trình đến với âm nhạc dân tộc của ông.