Ghép tủy chỉ định tốt nhất là ngay sau đợt đáp ứng điều trị hoàn toàn hoặc lui bệnh hoàn toàn lần thứ nhất. Không phải bệnh ung thư máu nào cũng có thể ghép được.
Bác sĩ CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học (TP.HCM) cho biết, ung thư máu là tên thường gọi của bệnh lý bạch cầu cấp tính và mãn tính. Trong đó bệnh lý bạch cầu cấp (gồm bạch cầu cấp dòng tủy và dòng lympho) nguy hiểm hơn, phải chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời vì nếu để trễ thì có thể tử vong nhanh chóng.
Theo bác sĩ Dũng, cho đến bây giờ khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây bệnh. Tuy nhiên có một số yếu tố thuận lợi như nhiễm phóng xạ, nhiễm tia xạ, nhiễm hóa chất, đặc biệt là hóa chất có nhân thơm (nhân benzen vòng), một số trường hợp nhiễm siêu vi như EBV (Epstein-Barr Virus), HTLV 1,2…
Một số triệu chứng nhận biết sớm bệnh lý ung thư máu
Bệnh lý bạch cầu cấp
Thường khởi phát rất nhanh, diễn tiến mau lẹ trong vài tuần cho đến 1-2 tháng. Có thể bệnh nhân tháng trước đi khám kết quả bình thường thì tháng sau đã mắc bệnh. Dấu hiệu nhận biết gồm:
- Bệnh nhân da xanh xao.
- Sốt tái đi tái lại.
- Có thể xuất hiện bầm máu dưới da.
- Hiện tượng chảy máu ở niêm mạc như răng, mũi, đường tiết niệu, sinh dục, xuất huyết tiêu hóa…
- Một số triệu chứng đi kèm theo là bệnh nhân có thể thấy gan, lách rất to, có hạch to (nằm ở cổ, bẹn), cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
Bệnh lý bạch cầu mãn tính
- Bạch cầu mãn dòng tủy là bệnh lý thường gặp ở nhóm bạch cầu mãn tính. Bệnh diễn tiến rất từ từ, lặng lẽ, âm thầm với các triệu chứng như thấy nặng ở vùng hạ sườn bên trái (do lách to), ăn nhanh no hơn (lách to chèn ép bao tử) hoặc đôi khi vô tình phát hiện do khám sức khỏe định kỳ thấy bạch cầu tăng cao.
- Bạch cầu mãn dòng lympho hiếm gặp hơn.
"Cơ chế bệnh ung thư máu nói chung là do sự tăng sinh quá mức của các bạch cầu ác tính ở trong tủy xương đưa đến chèn ép các dòng tế bào máu bình thường khác như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Do đó đưa đến các triệu chứng do giảm hồng cầu (xanh xao), giảm bạch cầu (sốt), giảm tiểu cầu (bầm máu dưới da)", bác sĩ Dũng phân tích.
Nếu không điều trị, bệnh lý ung thư máu gây tử vong do các nguyên nhân thường gặp là nhiễm trùng (nhiễm vi trùng, virus, nấm, nhiễm siêu vi…), do xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết não.
Bệnh nhân cần được chẩn đoán xác định loại bệnh ung thư máu loại nào, dòng nào, sau đó sẽ điều trị theo những phác đồ cụ thể, bao gồm:
- Sử dụng hóa chất (hóa trị liệu).
- Một số trường hợp phối hợp thêm xạ trị.
- Một số bệnh nhân nếu thuộc nhóm nguy cơ cao, hoặc nhóm tiên lượng xấu, hoặc bệnh nhân bị tái phát sau hóa trị liệu, hoặc bệnh nhân kháng trị với hóa trị liệu thường sẽ được chỉ định ghép tủy.
Ghép tủy (ghép tế bào gốc tạo máu) có thể lấy từ tủy xương, từ tế bào gốc ngoại vi hay máu cuống rốn. Một nguồn thứ tư vừa được triển khai ghép thành công 3 ca đầu tiên tại Việt Nam do Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM thực hiện là phương pháp tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp HAPLO.
Với phương pháp HAPLO, người cho máu chỉ cần đồng hợp HLA (hệ thống kháng nguyên bạch cầu người) 50% nên nguồn ghép dễ kiếm hơn, người cho có thể là ba, mẹ, anh, chị em, cô, dì, chú, bác của bệnh nhân. Trong khi đó, ở các trường hợp ghép tế bào gốc còn lại, thông thường tỷ lệ đồng hợp HLA phải từ 90 đến 100%.
Theo bác sĩ Dũng, ghép tủy là phương pháp có thể chữa khỏi hẳn bệnh ung thư máu. Tuy nhiên, không phải bệnh ung thư máu nào cũng có thể ghép được. Ghép tủy chỉ định tốt nhất là ngay sau đợt đáp ứng điều trị hoàn toàn hoặc lui bệnh hoàn toàn lần thứ nhất. Nếu để điều trị tái phát rồi mới ghép thì kết quả sẽ không tốt. Thông thường những bệnh nhân tiên lượng xấu, nguy cơ cao sau khi dùng thuốc xong một đợt sẽ được tiến hành ghép.
Với phương pháp ghép tủy, do sử dụng thuốc diệt tủy nên có nguy cơ tử vong trong khi ghép. Tuy nhiên khi đã vượt qua giai đoạn này thì tiên lượng về sau rất tốt. Kể từ sau ca ghép đầu tiên trên cả nước thành công vào 15/7/1995, đến nay Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đã ghép được 170 ca. Riêng trong năm 2014, bệnh viện thực hiện 30 ca và không có ca nào tử vong. Chi phí ghép tủy tự thân khoảng 200 triệu, ghép tủy dị ghép khoảng 400 triệu đồng.
Hội chứng rối loạn sinh tủy mà Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đang mắc là một dạng tiền ung thư máu. Khoảng 4,5% người ung thư máu khởi phát từ hội chứng rối loạn sinh tủy. Đây là hội chứng có nhiều thể khác nhau. Tùy trường hợp mà sử dụng các chế phẩm máu, kháng sinh. Ở nhóm nguy cơ thấp có thể chữa bệnh bằng cách truyền máu. Có thể hóa trị và ghép tế bào gốc để điều trị một số thể bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn sinh tủy, theo ông Bạch Quốc Khánh, Viện phó Huyết học và truyền máu trung ương, do một số nguy cơ từ môi trường, thức ăn, hóa chất sinh phẩm. Thế giới chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nên chưa có cách phòng và chữa.
Lê Phương (Vnexpress)