Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, việc đồng nhân dân tệ mất giá khiến cho hàng hóa Trung Quốc trên thị trường Việt Nam ngày càng rẻ hơn. Các mặt hàng sản xuất công nghiệp, kể cả bán lẻ và nhiều mặt hàng khác sẽ phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Ngày30.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi họp về kinh tế - xã hội, ngân sách, an ninh, quốc phòng TP.HCM tháng 8.2019.
Ngành công nghiệp sụt giảm
Báo cáo tại buổi họp, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong 8 tháng đầu năm, các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư tiếp tục được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện góp phần thúc đẩy tình hình đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài có những kết quả khả quan. Số doanh nghiệp thành lập mới và số dự án FDI cấp mới đều tăng so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 8 tháng đầu năm là 258.674 tỉ đồng, đạt 64,81% dự toán, tăng 16,09% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 8 tháng đầu năm là 35.249 tỉ đồng, đạt 39,66% dự toán, tăng 0,59% so cùng kỳ.
Còn Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Phương Đông thông tin, trong 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 747.323 tỉ đồng, tăng 11,8%. Trong 9 nhóm ngành dịch vụ thì ngành thương mại doanh thu bán lẻ tăng cao so với các ngành dịch vụ còn lại.
Về sản xuất công nghiệp, 8 tháng tăng 7,1%, thấp hơn so với cùng kỳ 2018. Trong đó, có những yếu tố tác động đến sản xuất công nghiệp của TP.HCM, nhất là yếu tố về thị trường, do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nên các doanh nghiệp sản xuất của thành phố có kế hoạch điều chỉnh sản lượng cho phù hợp.
Lấy ví dụ về ngành cao su - nhựa, đại diện Sở Công Thương nói thị trường này đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các công ty Trung Quốc. Lý do là thời gian gần đây đồng nhân dân tệ phá giá khiến các mặt hàng của họ cũng giảm giá theo ở những thị trường xuất khẩu chung.
Ngoài ra, ngành chế biến lương thực, thực phẩm bị ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi nên chế biến trong ngành này giảm so với cùng kỳ. Hiện nay, hàng tồn kho trong ngành lương thực - thực phẩm còn khá lớn làm kéo giảm chung ngành công nghiệp của thành phố.
Tuy nhiên, nghe xong ý kiến này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói rằng những lý giải về nguyên nhân sụt giảm chưa rõ ràng, chưa phân tích được chiến tranh thương mại đó tác động như thế nào đến kinh tế TP.HCM.
“Mình phân tích kinh tế phải nói rõ, cụ thể chứ không phải thấy kinh tế giảm cứ đổ thừa cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Phân tích mà nói chung chung như vậy thì chết”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Lo ngại cạnh tranh với hàng Trung Quốc
Có mặt tại cuộc họp, phân tích về sự tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành công nghiệp, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng bối cảnh kinh tế đang phức tạp. Dưới tác động đó, kinh tế TP.HCM chịu tác động là ít và đứng vững được, duy trì tốc độ tăng trưởng ở nhiều chỉ tiêu. Còn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có tác động tích cực và cả tiêu cực đến Việt Nam.
Về tích cực, hiện nay cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng xuất khẩu tăng; trong đó xuất khẩu vào Mỹ tăng đột biến. Riêng ở TP.HCM xuất khẩu vào Hoa Kỳ tỷ trọng ít. Về tiêu cực, hiện nay không chỉ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mà còn chịu sự tác động của thương mại Nhật - Hàn.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đặt ra vấn đề này để sớm tư vấn cho thành phố. Thương mại Nhật - Hàn căng thẳng sẽ tác động đến TP.HCM rất lớn do đây là hai nhà đầu tư lớn.
Còn tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là tác động đến tỷ giá, nhất là tỷ giá đồng nhân dân tệ hiện mất giá. Việc này làm cho giá cả hàng hóa Trung Quốc trên thị trường Việt Nam và TP.HCM ngày càng rẻ hơn. Các mặt hàng sản xuất công nghiệp của TP.HCM, kể cả bán lẻ và nhiều mặt hàng khác phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Ngành công nghiệp TP.HCM vì vậy mà phải chịu tác động.
Với việc tác động lên tỷ giá, hiện nay lãi suất có chiều hướng tăng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay. Một khi lãi suất cho vay cao, đầu vào cao thì doanh nghiệp cho ra sản phẩm với giá thành chi phí cao và khó cạnh tranh với các mặt hàng tương tự khác của nước ngoài.
Sau đó, chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại về phát triển kinh tế hết sức nặng nề. Do đó, Sở Công Thương dự báo tình hình, xu hướng phát triển và đề ra giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp, dịch vụ thương mại.
Phan Diệu