Khi Trung Quốc chuẩn bị Đại hội Đảng Cộng sản (CPC) lần thứ 19 vào mùa thu năm nay, báo New York Times ngày 16.7 nêu vấn đề nữ giới trong bộ máy lãnh đạo.

Nhân sự trước Đại hội đảng: Trung Quốc khó có khả năng có nữ Chủ tịch nước

17/07/2017, 20:23

Khi Trung Quốc chuẩn bị Đại hội Đảng Cộng sản (CPC) lần thứ 19 vào mùa thu năm nay, báo New York Times ngày 16.7 nêu vấn đề nữ giới trong bộ máy lãnh đạo.

7 nam ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị CPC gồm Tổng bí thư Tập Cận Bình-Ảnh: AP

Từ sau Cách mạng 1949 thành công, chưa hề có phụ nữ trong Ban thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan cao nhất của CPC vốn hiện có 7 ủy viên gồm Tổng bí thư CPC kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Trên thực tế, tỉ lệ nữ giới trong tổng số ủy viên Bộ Chính trị đã giảm trong vài năm qua, từ 6,4 % hồi năm 2012 (trước lần tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 18) xuống còn 4,9 % hiện nay.

Trong 25 ủy viên Bộ Chính trị chỉ có 2 phụ nữ, dù đây là con số cao nhất tính từ sau Cách Mạng Văn Hóa, khi hai người vợ của các ông Mao Trạch Đông và Lâm Bưu (được chỉ định làm người thừa nhiệm Mao) có ghế trong Bộ Chính trị hồi năm 1969, theo báo New York Times.

Trung Quốc khó có khả năng có nữ Chủ tịch nước​

Từ lâu, CPC đã đề cao nữ quyền.Tại Đại hội đồng LHQ năm 2015, ông Tập từng tuyên bố tặng 10 triệu USD cho Phụ nữ LHQ, cơ quan phụ trách quảng bá bình đẳng giới.

Nhưng sân khấu chính trị Trung Quốc vẫn do đàn ông chiếm đa số. Ông Tập, 64 tuổi, dự kiến sẽ lại giữ chức Tổng bí thư CPC kiêm Chủ tịch nước thêm 5 năm nữa.

Vì thế, Cheng Li, chủ nhiệm Trung tâm John L. Thornton Trung Quốc ở Viện Brooklngs gần đây viết trong tiểu luận: “Sẽ là phép lạ nếu có một phụ nữ trở thành người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Trung Quốc trong tương lai gần”.

Ông Cheng Li nói với New York Times: “Nếu CPC muốn tồn tại, tiến lên, thì họ cần toàn diện hơn”, và ông lạc quan cho rằng điều này sẽ xảy ra.

Ông lưu ý thời ông Giang Trạch Dân đã đưa các doanh nhân vào đảng hồi những năm 1990. Nhưng khả năng một người phụ nữ được chỉ định vào Ban thường vụ Bộ Chính trị ở Đại hội Đảng lần thứ 19 là rất thấp: “Khả năng này chỉ khoảng 5 %”.

Ông Cheng Li nói các ứng cử viên nữ gồm bà Tôn Xuân Lan, 67 tuổi, một trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị và là lãnh đạo Ban Mặt trận thống nhất trực thuộc CPC.

Nữ ủy viên Bộ Chính trị thứ hai là bà Lưu Diên Đông, 71 tuổi, có thể sẽ nghỉ hưu sau Đại hội Đảng lần thứ 19.

Tuổi hưu chính thức đối với đa số nam đảng viên là 60, nhưng luôn có nhiều vị tiếp tục cống hiến cho đến ít nhất 67 tuổi, theo một thỏa thuận ngầm.

Còn tuổi hưu chính thức của nữ đảng viên, công chức và nhân viên công ty nhà nước là 55. Các nữ lao động khác nghỉ hưu ở tuổi 50.

Ông Cheng Li nói, Đại hội Đảng lần thứ 19 có thể sẽ có nhiều thay đổi nhất ở cấp lãnh đạo cấp cao, với 70% ủy viên Ban chấp hành trung ương CPC sẽ hưu trí.

Bà Lưu Diên Đông

Các số liệu trên báo hiệu Trung Quốc đi ngoài trào lưu thế giới. Theo cơ quan Phụ nữ LHQ, ngày nay có nhiều phụ nữ lãnh đạo quốc gia hơn so với 10 năm trước, dù con số vẫn còn thấp chỉ là 17 người.

Đài Loan hồi năm 2016 đã bầu lãnh đạo nữ đầu tiên là bà Thái Anh Văn. Tân Đặc khu trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông thuộc Trung Quốc cũng là nữ, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Các học giả và nhà hoạt động nữ quyền nói: dù Hiến pháp Trung Quốc cam kết bình đẳng giới, sự bất bình đẳng nam-nữ vẫn tràn lan, với một quan điểm phổ biến rằng “một người phụ nữ có quyền thì giống như “một con gà mái mà gáy lúc rạng đông”, tức một điềm dữ báo trước gia đình và nhà nước sẽ tan hoang, sụp đổ.

Bà Leta Hong Fincher, tác giả cuốn sách Phụ nữ bị bỏ rơi: Bất bình đẳng giới lại trỗi lên ở Trung Quốc, gởi e-mail cho New York Times: “Tôi sẽ bị sốc nếu có một người nữ được đưa vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc không có ý định cải thiện thành tích ảm đạm về sự tham gia chính trị của phụ nữ. Thay vào đó, Trung Quốc chỉ nói suông về bình đẳng giới, nhằm tỏ ra có trách nhiệm vào lúc nước này muốn có một vai trò lãnh đạo toàn cầu”.

Nặng chuyện gia đình chồng, con thì khó lên cao trên đường quan lộ

Những học giả khác lạc quan hơn. Giáo sư Ngưu Thiên Tú ở Trường Hành chính công thuộc Đại học Sư phạm Nam Kinh nói: “Lãnh đạo cấp cao ý thức được vấn đề phụ nữ tham gia chính trị”.

Bà Ngưu cho biết cứ 10 cán bộ trung cấp thì 3 là nữ, còn cứ 10 cán bộ cao cấp thì 2 là nữ. Bà dẫn số liệu trong một đầu sách xuất bản năm 2013, của bà Tống Tú Nham, bí thư đảng ủy Liên đoàn phụ nữ toàn Trung Quốc.

Khi New York Times đề nghị bình luận về sự tham gia chính trị của phụ nữ Trung Quốc, Liên đoàn này gởi tuyên bố qua fax, nêu CPC đánh giá cao “tầm quan trọng cực kỳ” của phụ nữ và “với đồng chí Tập Cận Bình là lãnh đạo cốt lõi”, CPC sẽ đề cập nhiều đến các vấn đề trẻ em và phụ nữ.

Nữ giáo sư Ngưu nói “Môi trường thể hiện quan điểm chính trị của chị em đã được cải thiện, nhất là ở tầng lớp nữ cán bộ cấp cơ sở và trung cấp, nếu lãnh đạo địa phương có thái độ tiến bộ về bình đẳng giới và có thể khuyến khích gia đình ủng hộ phụ nữ, thì phụ nữ có thể tham gia chính trị một cách bình đẳng”.

Nhưng bà Ngưu cũng không kỳ vọng tình hình sẽ chóng thay đổi khi vẫn còn quá ít phụ nữ có cơ hội thăng tiến lên hàng ngũ lãnh đạo cấp cao: “Tôi không nghĩ là chúng tôi sẽ thấy sự tăng đáng kể phụ nữ là lãnh đạo cấp cao sau Đại hội Đảng lần thứ 19”.

Muốn trở thành lãnh đạo cấp cao thì trước tiên phải có quá trình làm bí thư hoặc chủ tịch một tỉnh. Nhưng trong 62 vị trí này hiện chỉ có 2 người nữ.

Ngoài ra, theo bà Ngưu, chính sách hai con được ban hành năm 2016 để thay thế chính sách “mỗi gia đình chỉ nên có một con” trước đây càng tăng sức ép phụ nữ phải ở nhà. Với nhiều phụ nữ trung niên phải bận bịu chuyện chăm sóc con, phụ nữ càng ít cơ hội leo cao lên hàng ngũ lãnh đạo trước khi tuổi hưu kéo đến.

Hy vọng mong manh của nhà vận động nữ quyền

Con đường leo lên quyền lực là rất khó cho phụ nữ ở cấp cơ sở, theo các số liệu năm 2015 cho thấy chỉ có 25,1 % trong 88 triệu đảng viên CPC là phụ nữ.

Chuyện buộc phụ nữ Trung Quốc nghỉ hưu sớm 10 năm so với đàn ông, với cớ nhiệm vụ hàng đầu của họ là chăm sóc con cái và cha mẹ cao tuổi, càng không giúp phụ nữ có thời gian thi đua thăng tiến cao hơn trên đường quan lộ, khi sự nghiệp của họ đã lên đến đỉnh.

Vì thế, bà Quách Kiến Minh cùng một nhóm luật sư và nhà hoạt động nữ quyền đang vội hoàn tất một tài liệu kêu gọi CPC đưa thêm nhiều phụ nữ vào vai trò lãnh đạo. Họ hy vọng chuyển được tài liệu đến lãnh đạo Đảng để đưa ra thảo luận tại Đại hội Đảng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của New York Times, bà Quách, 57 tuổi, không cho biết chi tiết, nói đây là một vấn đề nhạy cảm vì chạm đến quyền lực của CPC: “Một thành viên xã hội dân sự mà dám nêu vấn đề với đảng thế này là rất bất thường”.

Bà Quách từ lâu vận động nữ quyền ở công ty luật Thiên Thiên Bắc Kinh. Bà cùng những người khác từng hai lần trình ý kiến lên Quốc hội Trung Quốc, nhưng đây là lần đầu tiên họ kiến nghị với CPC.

Trên lý thuyết, đề xuất của bà Quách tăng phụ nữ vào các vị trí cấp cao là hợp thời. Nhưng bà không dám hy vọng cao: “Đại hội Đảng muốn chọn lãnh đạo. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là nêu lên vấn đề và hy vọng họ sẽ bàn luận”.

Nhà vận động nữ quyền Quách Kiến Mai

Bích Ngọc (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhân sự trước Đại hội đảng: Trung Quốc khó có khả năng có nữ Chủ tịch nước