Việc Nga ủng hộ chính phủ Tổng thống Syria đánh thắng bọn khủng bố và các nhóm nổi dậy đã giúp quân đội Nga đe dọa NATO ở Địa Trung Hải, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến tranh ở Washington.
Trong báo cáo của tổ chức theo dõi các xung đột trên thế giới này, việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và quân đội Syria của Nga có liên quan khát vọng soán đoạt sự thống trị ở đa phần châu Âu của liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu, nhằm tạo thế đứng quân sự cho Nga ở Địa Trung Hải. Và đây là một thách thức nghiêm trọng cho kình địch NATO.
Nhiều năm qua, Nga và NATO chạy đua vũ trang tầm quốc tế ồ ạt, điều chưa hề có từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Mỗi bên cáo buộc nhau thúc ép ranh giới hòa bình giữa các thế lực quân sự hàng đầu thế giới. Và khi giang tay giải cứu một đồng minh cũ ở Trung Đông, Nga có thể đạt được một cửa ngõ chiến lược mới vào châu Âu.
Báo cáo do hai nhà phân tích Charles Frattini III và Genevieve Casagrande của Viện nghiên cứu chiến tranh soạn, nêu: “Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lập một sự hiện diện quân sự mới ở Địa Trung Hải, nhằm tranh đua với khả năng hoạt động tự do của Mỹ và khiến sườn nam NATO bị nguy hiểm”.
Từ khi Thổ Nhĩ Kỳ ngả về Nga
Bà Casagrande nói với trang Newsweek: Việc Nga nhảy vào nội chiến Syria “gần như lập tức” đã cho thấy dấu hiệu một chiến dịch ngầm để xâm nhập sườn nam của NATO, nhất là khi Moscow giao lưu với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ là nhà tài trợ hàng đầu cho các nhánh nổi dậy đòi lật đổ chính phủ Assad hồi năm 2011, cáo buộc chính phủ Syria ngược đãi nhân quyền và đàn áp chính trị.
Lúc đầu, các nhóm nổi dậy bắt đầu nhận hỗ trợ đáng kể của các nước phương Tây, Mỹ, cùng các nước vùng Vịnh Ả rập và cả Qatar.
Vì thế, quân đội Syria phải di tản chiến thuật ở nhiều khu vực, chỉ còn có thể kiểm soát vài thành phố lớn là hậu cứ của chính phủ.
Thế nhưng mọi sự thay đổi khi Nga can thiệp quân sự trực tiếp, theo đề nghị của Tổng thống Assad. Damascus - Moscow đã có quan hệ thân cận từ lâu, và nhờ Nga oanh kích, quân đội Syria chiếm lại nhiều vùng đất.
Các nhóm nổi dậy bị tổn thất nặng còn vì phải đánh các tay súng siêu bảo thủ Hồi giáo của Al-Qaeda và khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, nên họ chỉ còn cách buông những khu vực họ từng kiểm soát.
Đỉnh điểm của nội chiến Syria là phe nổi dậy thất trận ở Aleppo hồi tháng 12.2016. Thổ Nhĩ Kỳ từng “chống lưng” các nhóm này quay qua ủng hộ một thỏa thuận với Nga, thôi ủng hộ phe chống chính phủ ở Aleppo.
Động thái này đánh dấu sự khởi đầu tiến trình hòa bình Astana, một nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến, song song với các cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ.
Bà Casagrande nói khả năng thuyết phục của Nga đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ “thường mâu thuẫn” chịu ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ Syria và Iran, một đồng minh khác của ông Assad. Chứ trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ chống chính phủ và thường bất đồng với các đồng minh NATO.
Bà Casagrande nói: “Nga đang sử dụng điều này để gây chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước NATO đồng minh. Đấy là một phần trong kế hoạch toàn cầu của Nga để kiềm chế và phá tan khối NATO”.
Bà lưu ý chiến thuật này xem ra đạt hiệu quả. Về mặt chiến thuật, quân đội Syria và đồng minh lấy lại khí thế chiến đấu, đến độ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố việc ông Assad phải ra đi không còn là điều kiện tiên quyết để kết thúc nội chiến Syria đã hơn 6 năm, làm chết hàng trăm ngàn người và hàng triệu người mất nhà cửa.
Quân đội Syria đã giữ được miền tây, đuổi được quân nổi dậy ở Idlib, và bắt đầu đông tiến, nhanh chóng cắt ngang khu vực do bọn IS kiểm soát để tiến về thành phố Deir Al-Zour đang bị bọn IS vây từ năm 2014.
Moscow tìm cơ hội lấn át NATO ở sườn nam
Mặt khác, Nga hướng về phía tây, tăng triển khai hải quân gồm 15 tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Bắc, để phát triển Lực lượng đặc nhiệm thường trực Địa Trung Hải từ ngày 5.7.
Các tàu chiến Nga đến thành phố cảng Tartous, nơi mà Syria cho phép Nga lập căn cứ hải quân từ gần 50 năm qua.
Tàu chiến Nga và một tàu ngầm ở Địa Trung Hải đã phóng nhiều tên lửa hành trình siêu thanh hiện đại Kalibr vào các vị trí của bọn IS ở Syria.
Loại vũ khí hiện đại có thể mang đầu đạn hạt nhân này cũng có thể sẽ dễ dàng đặt nhiều mục tiêu NATO vào tầm ngắm trong tương lai gần.
Neil Hauer, nhà phân tích trưởng của nhóm nghiên cứu SecDev, nói với Newsweek:
“Liên quan việc Nga hoạt động ở Syria, tôi cho rằng nó hoàn toàn liên quan khát vọng Nga triển khai thế lực tầm cỡ lớn trên toàn khu vực và thách thức NATO trong những năm tới”, và ông lưu ý đã có những hoạt động nâng cấp của Nga ở cả căn cứ hải quân Tartous và căn cứ không quân Latakia.
Nga cũng chưa rời hẳn Syria. Có tin Lực lượng đặc nhiệm Nga đã đến Ai Cập, nhằm lôi kéo thủ lĩnh quân sự Khalifa Hifter ở Libya. Nhân vật này đang có tầm ảnh hưởng chính trị ở nước này.
Yemen, đang có chiến tranh do Ả rập Saudi giúp chống lại nhánh Hồi giáo Houthis, cũng có thể là nơi quân sự Nga tìm đến, vào lúc Mỹ và đồng minh chật vật thực hiện những mục tiêu riêng.
Khi tính thù địch giữa Nga - NATO được phơi bày ở vùng biển Baltic và các nơi khác thuộc châu Âu, NATO có thể mất cảnh giác và sẽ bị bất ngờ khi Nga mở rộng tầm ảnh hưởng như để khôi phục di sản thời Liên Xô.
Bà Casagrande kết luận: “Ông Putin đã dàn nhiều điều kiện chiến lược khá hay ở các nước như Libya, Ai Cập và Yemen. Điều mà Moscow làm tốt ở Trung Đông đang giúp họ hưởng lợi lâu dài từ những cơ hội được bày ra”.
Vĩnh Thụy (theo Newsweek)