Nhật Bản sẽ đề xuất tổ chức một cuộc đối thoại chiến lược 4 bên giữa nước này với Mỹ, Ấn Độ và Úc nhằm mục đích thúc đẩy thương mại tự do và hợp tác quốc phòng ở Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á, thậm chí sẽ mở rộng đến Trung Đông và châu Phi.
Ý tưởng này sẽ được Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đề cập với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân chuyến thăm vào ngày 6.11 tới, theo Ngoại trưởng NhậtTaro Kono cho biết
Trước đó,ông Kono đã nói về ý tưởng này với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Úc Julie Bishop vào tháng 8 vừa qua. Ông cũng ngỏ ý trao vai trò đối tác hợp tác của cuộc đối thoại cho Anh và Pháp.
Ngoại trưởng Kono làm rõ mục đích chính của cuộc đối thoại 4 bên: đảm bảo các tuyến giao thương từ Biển Đông, Ấn Độ Dương đến châu Phi phải luôn trong tình trạng yên bình.
“Các vùng biển mở và tự do đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia, kể cả Trung Quốc với sáng kiến Một vành đai, Một con đường”, theo ông Kono.
Cũng theo ông, để làm được điều này thì đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng trên khắp châu Á và châu Phi là việc phải làm. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng mà đối thoại chiến lược 4 bên sẽ thảo luận.
Trang Nikkei Asian Review nhận định cuộc đối thoại chiến lược 4 bên này có thể được sử dùng để ngăn chặn Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng thông qua các dự án đầu tư trong khuôn khổ Một vành đai, Một con đường.
Trang India cho biết đối với Ấn Độ, nước phản đối sáng kiến Một vành đai, Một con đường, thì đối thoại chiến lược 4 bên nếu thành hiện thực sẽ giúp nước này đối trọng lại sức mạnh áp đảo về kinh tế của Trung Quốc tại khu vực.
Ngoại trưởng Kono cho biết: “Chúng ta đang ở trong kỷnguyên mà Nhật Bản phải xây dựng sức mạnh ngoại giao bằng việc vẽ ra một bức tranh chiến lược lớn. Để duy trì những vùng biển mở và tự do, các vấn đề kinh tế và an ninh chắc chắn phải được bàn đến”.
Về vị trí của Nhật Bản trong cuộc đối thoại 4 bên này, ông Kono cho hay Nhật dự kiến sẽ đóng vai trò chủ chốt trong đối thoại giữa thành viên và đối tác hợp tác đối thoại cũng như trong nhiệm vụ đảm bảo tự do hàng hải trên các vùng biển.
Ngoài đề xuất cuộc đối thoại chiến lược, Ngoại trưởng Kono cũng cho rằng gây áp lực là điều cần làm để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa. Theo ông, chấp nhận để Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đến nước này xem xét là một trong những điều kiện “đáng tin nhất” để Bình Nhưỡng và cộng đồng quốc tế có thể tiến hành đối thoại.
Cẩm Bình (theo Hindustan Times, Nikkei Asian Review)