TS.Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng Bộ Công Thương là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính trong việc thép Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ áp thuế 456%. Suốt hơn 1 năm qua Bộ Công Thương đã không có động thái "phòng vệ thương mại" trước các rủi ro do hàng hóa từ những nước đang bị Mỹ trừng phạt muốn mượn đường Việt Nam để lẩn tránh các mức thuế suất cao.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong ngày 2.7 đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc.
Theo đó, phía Mỹ sẽ áp thuế quan lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép sản xuất ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan được vận chuyển tới Việt Nam để gia công nhỏ rồi cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ.
Đây là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất mà phía Mỹ từng áp dụng với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Mất bò mới lo làm chuồng?
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng với mức thuế suất này thì việc xuất khẩu sang Mỹ bị “tắc đường”, hàng Việt Nam khó có thể cạnh tranh được.
“Nói nôm na, loại thuế này là thuế trừng phạt đối với động thái của cơ quan điều hành chính sách và quản lý vĩ mô của Việt Nam”, ông Bảo nói.
Cụ thể hơn, theo chuyên gia Bảo, Bộ Công Thương là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính trong việc thép Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ áp thuế 456%. Suốt hơn 1 năm qua, Bộ đã không có động thái "phòng vệ thương mại" trước các vấn đề rủi ro do hàng hóa những nước đang bị Mỹ trừng phạt mượn đường Việt Nam để lẩn tránh các mức thuế suất cao.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã nổ ra hơn 1 năm và ngày càng leo thang, các cơ quan vĩ mô của Việt Nam cũng đã có những sự phân tích, đánh giá và chuẩn bị nhiều phương án ứng phó mà đi đầu là Chính phủ, Thủ tướng. Cơ quan thứ 2 mà tôi đánh giá cao là Ngân hàng Nhà nước khi đã có những động thái bình ổn tỷ giá đồng tiền Việt Nam và đô la Mỹ khi Trung Quốc liên tục điều chỉnh tỷ giá nnhân dân tệ”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Bảo cho biết ông đánh giá rất thấp Bộ Công Thương khi bộ này không có những động thái nào thể hiện việc chuẩn bị những phương án đối phó chiến tranh thương mại, trong khi đây là một bộ rất quan trọng về lĩnh vực kinh tế.
“Nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc bị đánh thuế này từ cả năm trước nhưng chúng ta vẫn ứng phó không hiệu quả. Khi ngành thép bị trừng phạt thì nó còn vẽ ra một viễn cảnh khác là những ngành hàng khác cũng có thể bị trừng phạt theo, vì phía Mỹ cho rằng nếu chúng ta không có những giải pháp nghiêm túc thì họ sẽ mở rộng việc đánh thuế. Như vậy, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy đối với kinh tế Việt Nam”, ông nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bảo, nhiều động thái của Chính phủ và Bộ Công Thương bây giờ là phòng vệ thương mại. Lẽ ra vấn đề này phải được đặt ra từ lâu. Bây giờ mới tiến hành thì khác gì “mất bò mới lo làm chuồng”.
Một điều nữa, ông Bảo cho rằng rất khôi hài và bất ngờ là sau 15 năm Việt Nam gia nhập WTO và hàng loạt các hiệp định thương mại song phương, đa phương thì Bộ Công Thương thừa nhận vẫn chưa biết định nghĩa như thế nào là hàng hóa "Made in Vietnam". Nếu vậy thì dựa trên cơ sở nào để kết tội hàng hóa của người ta là hàng giả, hàng nhái thương hiệu Việt?
Thép “thuần Việt” có bị ảnh hưởng?
Tuy nhiên, không quá bi quan với việc Mỹ đánh thuế thép, ông Nguyễn Văn Sưa - cựu Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói việc đánh thuế tương tự đã từng được Mỹ thực hiện năm 2017, tuy nhiên lần đó ngành thép Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn bởi từ tháng 6.2017, Formosa Hà Tĩnh đã sản xuất được thép cán nóng - nguyên liệu để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu).
“Năm 2018, Formosa sản xuất 3,4 triệu tấn thép cán nóng, năm 2019 dự kiến sản xuất 4,5 triệu tấn. Doanh nghiệp có đơn hàng xuất sang Mỹ thì lưu ý không dùng nguyên liệu nhập từ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc để tránh là được”, ông Sưa nói.
Cũng theo ông Sưa, Tổng thống Mỹ Donald Trump nghi ngờ việc thép Trung Quốc mượn đường Việt Nam để vào Mỹ nên muốn đánh triệt để các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc, kể cả việc mở rộng ra các nước/vùng lãnh thổ như Đài Loan hay Hàn Quốc, còn với sản phẩm 100% Việt Nam thì Mỹ sẽ chưa áp thuế.
Còn PGS-TS Trần Việt Dũng (Đại học Luật TP.HCM) cho rằng việc bị đánh thuế này đã được dự báo trước. Bộ Thương mại Mỹ đã từng có cảnh báo về tình trạng gia tăng đáng kể sản phẩm thép từ nhập khẩu từ Việt Nam, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép chống gỉ (corrosion-resistant steel) và thép cán nguội (corrosion-resistant steel) của Hàn Quốc và Đài Loan năm 2015. Đó là cơ sở để các doanh nghiệp Mỹ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế của Việt Nam giữa năm ngoái.
Kết quả điều tra của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy từ tháng 2.2015 - 4.2019, lượng xuất khẩu thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng tương ứng 332% và 916% so với cùng kỳ trước đó.
Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng không gặp mấy khó khăn để phân tích và kết luận các sản phẩm thép “made in Vietnam” được sản xuất bằng thép chất nền (substrate) có xuất xứ Hàn Quốc hoặc Đài Loan đã né tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Mỹ. Có thể nói kết quả điều tra này là không bất ngờ và đã được tiên liệu trước.
“Khi các sản phẩm thép bị đánh thuế thực chất không phải là của Việt Nam thì tác động trực tiếp của biện pháp tăng thuế đó không ảnh hưởng quá nhiều tới doanh nghiệp Việt Nam. Hoặc cũng chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan", ông Dũng nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định việc Mỹ áp thuế sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới các sản phẩm xuất khẩu khác. Bộ Thương mại Mỹ sẽ lưu ý và sẵn sàng mạnh tay với hàng Việt Nam khi các doanh nghiệp Mỹ nghi ngờ là có khả năng gian lận thương mại. Tất nhiên, Mỹ vẫn sẽ phải điều tra trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp thương mại nào, nhưng khi bị điều tra các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu các chi phí pháp lý.
Theo thông báo của Bộ Công Thương Việt Nam thì cơ quan này đã cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quy định, đề ra những yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác.
Dự kiến, DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào tháng 9.2019. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan, các hiệp hội doanh nghiệp và phía Mỹ trong các giai đoạn tiếp theo của vụ viêc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp phù hợp với quy định pháp luật và và các hiệp định của WTO, đồng thời ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.
Lam Thanh