Dệt may nằm trong nhóm hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong "sân chơi" CPTPP và EVFTA nếu giải quyết được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Tuy nhiên, vai trò hoạch định của ngành này dường như đang bị "bỏ lửng" khi nguyên liệu vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc.

Phụ thuộc nguyên liệu Trung Quốc, ngành dệt may có 'mất cửa' trong EVFTA, CPTPP?

08/07/2019, 18:28

Dệt may nằm trong nhóm hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong "sân chơi" CPTPP và EVFTA nếu giải quyết được nguồn nguyên liệu tại chỗ. Tuy nhiên, vai trò hoạch định của ngành này dường như đang bị "bỏ lửng" khi nguyên liệu vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc.

Nhập khẩu gần như hoàn toàn nguyên phụ liệu là rào cản cho ngành dệt may Việt Nam trong việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới - Ảnh: Internet

Giải bài toán nguyên liệu

Năm 2018, ngành dệt may Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng với hơn 36 tỉ USD, tăng hơn 16% so với năm 2017, nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu cao nhất nhóm mặt hàng này trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là mức tăng trưởng rất cao trong điều kiện tổng cầu thế giới chỉ tăng trưởng 3% và tốp 10 nước xuất khẩu dệt may cũng tăng dưới 5%.

Sang quý 1/2019, mức tăng trưởng của ngành này vẫn đạt khá cao khi xuất khẩu trên 8,6 tỉ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Với những con số ấn tượng này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) bày tỏ sự lạc quan với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỉ USD vào cuối năm nay.

Tương lai ngành dệt may Việt Nam tiếp tục được dự báo và kỳ vọng tăng trưởng hơn nữa và hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định EVFTA hay CPTPP chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đem lại thì thách thức được đặt ra cũng được cho là không nhỏ.

Cụ thể, nếu như trong các FTA Việt Nam đã tham gia chỉ áp dụng nguyên tắc từ 1-2 công đoạn thì CPTPP áp dụng nguyên tắc 3 công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may. Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên nằm trong hiệp định CPTPP.

Còn theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ bỏ thuế nhập khẩu cho nhóm hàng dệt may Việt Nam, nhưng không bỏ ngay mà tiến hành 7 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Hiện thuế suất nhập khẩu bình quân áp dụng với hàng dệt may từ Việt Nam vào EU là 9,6%.

Dệt may là mặt hàng khá nhạy cảm với EU nên Hiệp định đưa ra quy tắc xuất xứ tương đối nghiêm ngặt. Do đó, các mặt hàng dệt may của Việt Nam phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép.

Cụ thể, để một mặt hàng dệt may Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan thì các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ, thỏa mãn 2 điều kiện là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU và việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU.

Tuy nhiên, hiệp định EVFTA cũng có cam kết linh hoạt về quy tắc xuất xứ cộng gộp. Đối với trường hợp nếu vải được doanh nghiệp sử dụng có xuất xứ từ nước có FTA với EU và cả Việt Nam (như Hàn Quốc) thì sản phẩm của doanh nghiệp cũng được coi là xuất xứ hợp lệ để được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại hiệp định EVFTA.

Nếu có thêm bất kỳ nước nào trong tương lai có hiệp định FTA với cả Việt Nam và EU như trường hợp của Hàn Quốc thì Việt Nam sẽ thông báo cho Ủy ban Hải quan của EVFTA và Ủy ban này sẽ quyết định việc có cho phép cộng gộp hay không.

Như vậy, có thể thấy rằng mặc dù quy tắc xuất xứ trong EVFTA có lỏng hơn so với CPTPP nhưng vẫn đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam về mặt xuất xứ nguyên liệu.

Ông Jean Jacques Bouflet - nguyên Tham tán Công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam từng nhấn mạnh: "Dệt may không chịu hạn ngạch nhập khẩu, vấn đề duy nhất với hàng dệt may là phải chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, vì chúng tôi ký FTA với Việt Nam chứ không phải nước nào khác gần Việt Nam".

Quy tắc xuất xứ từ vải trở đi đánh vào khâu yếu của dệt may trong nước khi phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu, trong đó gần 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc không tham gia các FTA lớn, đặc biệt là CPTPP.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018 cả nước đã nhập khẩu 23,91 tỉ USD nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, bao gồm bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày... tăng 13,9% so với năm 2017.

Trao đổi với PV báo Một Thế Giới, một lãnh đạo Vitas cho biết trung bình mỗi năm, cả ngành dệt may sử dụng khoảng hơn 800.000 tấn nguyên phụ liệu, trong đó đa số nhập từ Trung Quốc.

"Nếu tiếp tục nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có cơ hội được hưởng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay EVFTA", lãnh đạo Vitas nhận định.

Bắt tay liên kết

Trước những thách thức về bài toán nguyên liệu, giới chuyên gia đề xuất các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên liên kết theo chuỗi cung ứng. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may vừa và nhỏ cần chủ động tìm đến doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, hoặc liên kết đầu tư nguồn nguyên liệu vải nhằm giảm tối đa tình trạng nhập khẩu. Điều này vừa giúp đảm bảo quy tắc xuất xứ nguyên liệu, vừa giúp đảm bảo tính cạnh tranh về giá cả.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là trong khoảng 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may thì số lượng các doanh nghiệp gia công chiếm tới 85%, trong khi doanh nghiệp vải, nhuộm chỉ chiếm 13%.

Trước khó khăn trên, đề xuất đầu tư thêm nhà máy dệt cũng được nhiều ý kiến đưa ra. Song, một thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt và giải quyết là yếu tố môi trường.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas, cho biết việc phát triển nguyên liệu vải hiện rất khó khăn vì một số địa phương “dị ứng” với ngành dệt may, đặc biệt hóa nhuộm.

Vì khâu nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu dự án được đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt thì nên xem xét cấp phép. Các địa phương cần tạo điều kiện ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư dệt nhuộm có công nghệ hiện đại xử lý nước thải.

Theo lãnh đạo Vitas, quy hoạch ngành này hiện đang bị "bỏ lửng", trong khi bài toán trong đầu tư dệt và nhuộm vẫn chưa có lời giải. Vì vậy, vị này cho rằng rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý là Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên Môi trường trong việc hoạch định chính sách và tìm ra cơ chế hoạt động để doanh nghiệp có thể tự chủ về mặt nguyên liệu. Như vậy mới không bỏ lỡ những cơ hội mà các FTA thế hệ mới mang lại, đặc biệt là về thuế quan.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ thuộc nguyên liệu Trung Quốc, ngành dệt may có 'mất cửa' trong EVFTA, CPTPP?